Chuyện mua lại trái phiếu như "chuồn chuồn đạp nước" ở Vietracimex - WTO

(Banker.vn) Tháng 5 và đầu tháng 6 năm nay, Vietracimex - WTO của doanh nhân Võ Nhật Thăng thực hiện 13 giao dịch mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn với tổng giá trị 1,8 tỷ đồng. Nếu quan sát tổng giá trị trái phiếu lưu hành, dễ thấy con số này chẳng thấm tháp vào đâu.
Chuyện mua lại trái phiếu như
Hinode của Vietracimex - WTO là một trong số dự án sở hữu vị trí đắc địa Hà nội.

Từ khi xảy ra vụ án sai phạm đáng báo động của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, một năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bỗng trở nên "hiu quạnh" hơn bao giờ hết, đối nghịch hoàn toàn với sự sôi động các năm về trước.

Sau nhiều nỗ lực thúc đẩy thị trường TPDN của Chính phủ, giúp khơi dậy niềm tin của nhà đầu tư, song đến nay thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng, chưa thấy luồng "sinh khí" trở lại.

Đặc biệt, không chỉ lượng trái phiếu chào bán mới giảm mạnh, một hiện tượng đáng lưu tâm là hàng loạt doanh nghiệp lại có xu hướng đổ xô đi mua trái phiếu trước hạn.

Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn có một phần nguyên nhân đến từ việc Nghị định 65 được ban hành, trong đó quy định doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành; trong đó, có phương án sử dụng vốn hoặc vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, trước và sau khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành công bố.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường mua lại trái phiếu nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới.

Mới đây, Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex, nay đổi tên thành WTO) thu hút nhiều sự quan tâm của giới tài chính, khi liên tục có động thái mua lại trái phiếu trước hạn.

Ấn tượng hơn là bởi, đối lập với sự "dồn dập" về số lượng, khối lượng trái phiếu của các thương vụ mua lại chỉ quanh quẩn vài trăm triệu đồng, quá "tí hon" so với giá trị trái phiếu lưu hành.

Cụ thể, "động tác" này của Vietracimex - WTO khởi phát từ tháng 8/2022 và tính đến ngày 5/6/2023, tổng cộng doanh nghiệp đã thực hiện tới 67 "lệnh" giao dịch, phân phối qua hàng chục lô trái phiếu có thời gian phát hành từ năm 2018-2021.

Ban đầu, giá trị mua lại bình quân mỗi lô trái phiếu của Vietracimex - WTO là vài chục tỷ đồng (tháng 8-10/2022), sau đó "hạ độ cao" đột ngột xuống "nhõn" trăm triệu đồng.

Gần đây nhất, ngày 5/6, doanh nghiệp tiến hành "thu hồi"... 3 trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng, thuộc lô WTOCH2126006 - WTOCH2126008 và WTOCH2126009. Trong khi đó, WTOCH2126006 có giá trị lưu hành trước thời điểm giao dịch là 375,7 tỷ đồng, WTOCH2126008 là 159,7 tỷ đồng và WTOCH2126009 là 79,7 tỷ đồng.

Hay trong tháng 5 qua, có đến 10 lần Vietracimex - WTO mua lại trái phiếu với tổng giá trị 1,8 tỷ đồng, quá chênh lệch nếu đặt cạnh tổng giá trị lưu hành là 1.723 tỷ đồng.

Chưa rõ toan tính của Vietracimex - WTO khi thực hiện những lần giao dịch như thế này là gì. Nhưng giới quan sát đánh giá đó là chuỗi hành động mang đậm tính "tượng trưng", "hình thức" tựa như... "chuồn chuồn đạp nước".

Vietracimex là ai?

Theo tìm hiểu, Vietracimex - WTO tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Hiện, ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT đương nhiệm cũng từng được cử người là đại diện vốn Nhà nước tại đơn vị này.

Sau khi Vietracimex - WTO tiến thành cổ phần hóa, ông Võ Nhật Thăng chính là cá nhân thâu tóm toàn bộ cổ phần chi phối doanh nghiệp, vào năm 2005. Đến nay, Vietracimex - WTO đã trở thành tập đoàn đa ngành với hàng chục công ty thành viên, hoạt động năng nổ trong các lĩnh vực "hái ra tiền" như xây dựng, bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại dịch vụ.

Tương tự chiến lược phát triển của những tập đoàn lớn bậc nhất cả nước, mũi nhọn của Vietracimex - WTO đặt ở mảng xây dựng và bất động sản. Vietracimex - WTO khẳng định tên tuổi với không ít dự án "đình đám" tọa lạc ở những khu đất giá trị nhất Hà Nội, TP.HCM như dự án Hinode City (quận Hai Bà Trưng), tòa nhà văn phòng Vietracimex 926 Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức), tòa nhà văn phòng, chung cư cao cấp Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm), dự án Hanoi Golf Club (huyện Sóc Sơn), Khu đô thị Bình Khánh (quận Bình Thạnh), Lô 2 khu tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức)...

Việc đầu tư xây dựng cùng lúc nhiều dự án lớn khiến Vietracimex - WTO "khát vốn", và trái phiếu là kênh gọi vốn ưa thích của doanh nghiệp này.

Thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản Vietracimex - WTO đạt 33.824 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với đầu năm (công ty mẹ). Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là các khoản phải thu ngắn hạn với gần 11.000 tỷ đồng (gần 32% tài sản), và hơn 11.200 tỷ đồng được đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, hoặc đơn vị khác. Nhìn chung, lượng lớn tài sản của Vietracimex - WTO đang nằm ở bên ngoài doanh nghiệp.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả cùng thời điểm của Vietracimex - WTO đạt khoảng 20.300 tỷ đồng, có phần áp đảm vốn chủ sở hữu, khi chỉ đạt 13.500 tỷ đồng. Tổng nợ vay của doanh nghiệp chiếm 5.300 tỷ đồng, chủ yếu là nợ trái phiếu. Tính bình quân, mỗi năm Vietracimex - WTO phải trả lãi hàng trăm tỷ đồng.

Giải bài toán trả lãi với Vietracimex - WTO là không dễ trong bối cảnh thị trường trái phiếu trầm lắng như hiện tại. Mới đây, Vietracimex - WTO thông báo đã chậm trả lãi một ngày so với ngày thanh toán kế hoạch của 4 lô trái phiếu có mã WTOCH2126006, WTOCH2126007, WTOCH2126008 và WTOCH2126009, nguyên nhân là vì chưa thu xếp đủ nguồn vốn.

Trong diễn biến liên quan, ngày 15/5, Vietracimex - WTO tiếp tục công bố thông tin điều chỉnh lãi suất các trái phiếu VIETRACIMEX_BOND2018_01, VIETRACIMEX BOND2018_6, WTO_BOND2019_02, WTOCH2126001, WTOCH2126002, WTOCH2125004 (đợt phát hành 1), WTOCH2125004 (đợt 2), WTOCH2126005, WTOCH2126006, WTOCH2126007, WTOCH2126008, WTOCH2126009, WTOCH2126010, WTOCH2126011 và sửa đổi một số điều kiện điều khoản trái phiếu tương ứng liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất nêu trên.

Vietracimex - WTO cho biết các nội dung này được hội nghị người sở hữu trái phiếu thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản với tỷ lệ tán thành đạt 100%. Cụ thể, lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo của các trái phiếu trên sẽ là biên độ từ 1,65% - 1,85% cộng với lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân (trả lãi sau) kỳ hạn 24 tháng bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) - Chi nhánh Hoàn Kiếm.

Mức lãi suất mới này sẽ được áp dụng cho đến hết ngày 30/9/2023. Trước đó, lãi các trái phiếu được tính bằng 3,3% cộng với lãi suất tham chiếu tại MBB.

Vietracimex của ông Võ Nhật Thăng - doanh nghiệp đầy rẫy bê bối trong loạt dự án đã thực hiện

Vietracimex là nhà đầu tư có máu mặt trong lĩnh vực bất động sản, nhưng trong suốt quá trình kinh doanh Vietracimex cũng vướng ...

Hà Nội: Loạt dự án bất động sản của 33 doanh nghiệp sắp bị thanh tra

Trong số các doanh nghiệp nằm trong danh sách thanh tra sắp tới gồm có: CTCP Tập đoàn Nam Cường; Tổng CTCP Thương mại xây ...

Dính hàng loạt sai phạm, dự án của Vietracimex vào tầm ngắm của thanh tra

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội vừa quyết định thành lập Đoàn Thanh tra để tiến hành thanh tra việc chấp hành ...

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán