Động lực đến từ tiêu dùng nội địa
Đại diện WB cho biết, tiêu dùng tư nhân sẽ vẫn đứng vững, tăng 6% so với cùng kỳ, đóng góp 3,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP. Trong khi đó, đầu tư sẽ đóng góp 1,8 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.
Theo các số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu, Mỹ đều tăng chậm, nhưng thị trường trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực.
Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 3.016.700 tỷ đồng, cao hơn mức 2.720.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, cho thấy sức cầu của thị trường trong nước đã có xu hướng nhích lên.
Những động thái phục hồi sản xuất ngày càng trở nên rõ ràng và mang đến nhiều kỳ vọng hơn cho sản xuất và thương mại nội địa khi một số giải pháp kích thích tiêu dùng được thực thi.
Từ đầu tháng 7, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Đây được xem là động thái tạo cú hích cho tăng trưởng tiêu dùng nửa cuối năm.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng: "Khi giảm thuế thì các doanh nghiệp sẽ phải rà soát, tính lại giá thành của sản phẩm, cùng với các đơn vị bán lẻ đưa ra chính sách giá phù hợp nhất, kích thích mua sắm từ người tiêu dùng”.
Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nửa cuối năm, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023, dự báo quý III/2023 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, 34,3% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 32,2% số doanh nghiệp tin tưởng lượng đơn đặt hàng dự kiến tăng. Tín hiệu về sản xuất phục hồi và đơn hàng tăng trở lại đã rõ ràng hơn, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp.
Xuất khẩu phát tín hiệu tích cực
Bà Dorsati Madani nhận định cuối năm nay và sang đến năm 2024, xuất khẩu sẽ tăng lên đôi chút nhờ kinh tế toàn cầu đang có dấu hiện phục hồi. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sẽ gia tăng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/8, Việt Nam xuất khẩu đạt 209,43 tỉ USD, giảm 23,5 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 16 tỉ USD.
Chỉ tính riêng trong nửa tháng 8/2023, xuất khẩu hàng hóa đạt 14,4 tỉ USD. Bốn nhóm hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỉ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.
Ở lĩnh vực nông sản, trong nửa đầu tháng 8/2023, xuất khẩu rau quả đạt 177 triệu USD, hạt điều 140 triệu USD, cà phê 110 triệu USD, chè 10,3 triệu USD...
Nhìn lại số liệu của tháng 7/2023, theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng 0,8% so với tháng 6/2023, ước đạt 29,68 tỉ USD. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 kể từ tháng 11/2022 đến nay (chỉ thấp hơn tháng 3/2023, đạt 29,71 tỉ USD).
Các số liệu ghi nhận được đang cho thấy những dấu hiệu khởi sắc của hoạt động xuất khẩu hàng hóa, kỳ vọng kết quả khả quan cho chặng đường còn lại của năm 2023.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 4,6 tỉ USD, tăng 16,75% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này đưa tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2023 đạt 30,84 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng này báo hiệu những gam màu sáng cho DN trong nước. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kỳ vọng vào những tín hiệu hồi phục từ thị trường Trung Quốc, khi trong tháng 7/2023 xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt gần 180 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Các thị trường lớn khác cũng được dự báo khả quan hơn trong dịp cuối năm.
Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) - chuyên xuất khẩu tôm sú, đặc biệt là tôm sú cỡ lớn sống tự nhiên trong rừng ngập mặn, cho biết xuất khẩu đã có dấu hiệu hồi phục rõ do nhu cầu thủy sản phục vụ mùa trung thu và lễ hội cuối năm. "Chúng tôi tiếp xúc thêm với nhiều khách hàng mới từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là khu vực châu Á hỏi mua hàng. So với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp nhiều hơn, kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan" - ông Khoa nói.
Xu hướng phục hồi của nhu cầu thế giới cũng được phản ánh từ hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, sản xuất công nghiệp tháng 7/2023 trên địa bàn đã tích cực hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 23,84% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.
Theo chuyên gia của WB, Việt Nam cần đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước các cú sốc bên ngoài.
Đặc biệt chú trọng đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
Chuyên gia của WB nhấn mạnh Việt Nam cần đặc biệt chú trọng giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vì đây là động lực tăng trưởng hàng đầu. Theo đó, các cơ quan chức năng cần và nên đặt ra các mục tiêu cụ thể về việc thực hiện các chương trình đầu tư lớn của quốc gia; linh hoạt hơn trong phân bổ ngân sách; linh hoạt trong đấu thầu, tiến hành một số hoạt động đấu thầu trước để nâng cao hiệu quả đầu tư công; bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cấp.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 6 tháng, ước thực hiện 7 tháng kế hoạch năm 2023 thì ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2023 là 267.625,2 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch (đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 31,61% kế hoạch và đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước đạt 38,53% (cùng kỳ năm 2022 đạt 36,02%), vốn nước ngoài đạt 21,47% (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,90%).
Bên cạnh đầu tư công, chuyên gia của WB cho rằng các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế chững lại cũng là cách hỗ trợ tổng cầu. Nợ vẫn ở mức bền vững và Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa dồi dào để sử dụng chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ cho tổng cầu.
Cùng với giải pháp ngắn hạn, WB lưu ý cơ cấu nền kinh tế cần được thực hiện để giúp nâng cao năng suất và tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế.
Do đó, cùng với các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, và kích thích tiêu dùng trong nước, WB khuyến nghị, cần chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu và thúc đẩy hội nhập.
Minh Đức
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|