Chuyên gia VIG: Thị trường chứng khoán giảm sâu luôn là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua năm 2022 với nhiều cung bậc thăng trầm. Chỉ số đại diện VN-Index sau khi thiết lập đỉnh cao lịch sử đã có chuỗi trượt dài và rơi vào top 5 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới. Năm 2023 vẫn còn đó những khó khăn, tuy nhiên thị trường chứng khoán cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc, trong đó dòng tiền đến từ khối ngoại là điểm sáng.

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Tiến Duy, Chuyên gia Phân tích thuộc phòng Đầu tư và Phân tích Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (HNX: VIG) để tìm hiểu thêm những khó khăn, vướng mắc cũng như triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

ông Đỗ Tiến Duy, Chuyên gia Phân tích thuộc phòng Đầu tư và Phân tích Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (HNX: VIG)
Ông Đỗ Tiến Duy, Chuyên gia Phân tích thuộc phòng Đầu tư và Phân tích Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG)

PV: Ông nhìn nhận thế nào về đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm vừa qua? Theo ông nguyên nhân gì khiến cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao ở mức 8% nhưng thị trường chứng khoán lại giảm tới 33% giá trị so với đầu năm 2022?

Ông Đỗ Tiến Duy: Trong năm qua, VN-Index đã có sự sụt giảm mạnh nằm trong top 5 chỉ số chứng khoán có mức giảm mạnh nhất toàn cầu trong năm 2022 xuất phát từ nhiều nguyên nhân từ cả trong nước lẫn quốc tế.

Thị trường chứng khoán toàn cầu diễn biến không thuận lợi trước những yếu tố như lạm phát cao, các NHTW tăng lãi suất điều hành, xung đột Nga – Ucraine, Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero-Covid.

Trong nước, mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng cao khi Ngân hàng nhà nước 2 lần tăng lãi suất điều hành khiến cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng và giảm sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Đồng thời việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn như Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát,… trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung trên thị trường chứng khoán, tạo tâm lý thận trọng tác động tiêu cực đến dòng tiền trên thị trường.

PV: Các cổ phiếu bất động sản đang chịu ảnh hưởng nặng nề và nhịp hồi phục gần đây vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì đã mất sau giai đoạn lao dốc đầy khốc liệt trước đó. Theo ông, nguyên nhân này do đâu?

Ông Đỗ Tiến Duy: Các cổ phiếu bất động sản đã tăng gấp 5 đến 7 lần, thậm chí các cổ phiếu có tính đầu cơ cao như PVL, CEO, HQC, DIG,… đã tăng lên gấp 10 lần trong giai đoạn đại dịch. Nhưng theo chu kì của thị trường, cổ phiếu nào tăng quá mạnh trong thời gian ngắn thì khi giảm cũng sẽ giảm rất sâu. Nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến tiêu cực khi có mức sụt giảm sâu so với các nhóm ngành khác và thị trường chung. Đà lao dốc của nhóm này chủ yếu do đã tăng giá trong thời gian ngắn, các thông tin bất lợi từ siết tín dụng chỉ làm gia tăng áp lực bán tháo.

Sự việc xảy ra tại Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát đã ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường. Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ra đời. Doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành; trong đó, có phương án sử dụng vốn hoặc vi phạm pháp luật. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp trước đó tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới. Đây cũng là lý do khiến dòng tiền rút ra khỏi nhóm cổ phiếu bất động sản nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung trong năm 2022.

thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong 1 chu kỳ downtrend kéo dài khoảng 2 năm (chúng ta đã trải qua 1 năm downtrend tính từ năm 2022) vì vậy có thể đánh giá năm nay vẫn sẽ tiếp tục là 1 năm khó khăn đối với các nhà đầu tư ngắn hạn
Theo ông Đỗ Tiến Duy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong 1 chu kỳ downtrend kéo dài khoảng 2 năm, vì vậy có thể đánh giá năm 2023 vẫn sẽ tiếp tục khó khăn đối với các nhà đầu tư ngắn hạn (ảnh Tuệ An)

PV: Lãi suất hiện tại đang tăng cao, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng mạnh trong năm 2023. Theo ông, điều này ảnh hưởng thế nào tới thị trường chứng khoán khi các thị trường này có sự liên thông với nhau?

Ông Đỗ Tiến Duy: Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần tăng lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10/2022 trước xu hướng tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới nhằm kiềm chế lạm phát. Mặt bằng lãi suất tăng khiến dòng tiền quay trở lại kênh an toàn như ngân hàng và trực tiếp ảnh hưởng tới dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Xu hướng lãi suất trong năm 2023 sẽ tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ. Nghị định 65 có nhiều điểm mới nhằm siết chặt thị trường trái phiếu riêng lẻ. Với những quy định mới thì nhiều trái phiếu sắp phát hành hoặc doanh nghiệp định phát hành trái phiếu sẽ khó đáp ứng được những quy định khắt khe của Nghị định. Điều này dẫn tới hiện tượng một số nhà phát hành trái phiếu trả nợ trước, mua lại trái phiếu trước hạn. Điều này tạo nên cơn khát vốn cho thị trường.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023 sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn và là năm đỉnh đáo hạn trái phiếu bất động sản.

Điều này khiến cho các doanh nghiệp phải bán tháo các tài sản khác, và cổ phiếu là tài sản có tính thanh khoản cao để có dòng tiền trả nợ trái phiếu và duy trì các hoạt động kinh doanh.

PV: Ông dự báo thế nào về xu hướng thị trường chứng khoán trong năm 2023 và ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư trong năm nay?

Ông Đỗ Tiến Duy: Lạm phát trên thế giới đang có dấu hiệu giảm tốc nhưng FED vẫn tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2023, điều này sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng của người dân kéo theo lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2023 được dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2022. Vì vậy thị trường chứng khoán năm 2023 nhiều khả năng vẫn trong 1 xu hướng downtrend.

Lời khuyên cho các nhà đầu tư: Theo tôi đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong 1 chu kỳ downtrend kéo dài khoảng 2 năm (chúng ta đã trải qua 1 năm downtrend tính từ năm 2022) vì vậy có thể đánh giá năm nay vẫn sẽ tiếp tục là 1 năm khó khăn đối với các nhà đầu tư ngắn hạn tuy nhiên thị trường chứng khoán giảm sâu luôn là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn, có sẵn 1 lượng vốn nhất định để mua và nắm giữ những cổ phiếu tốt với mức giá rẻ.

Bài học lớn từ vụ FLC bị hủy niêm yết: Đầu tư cổ phiếu phải tìm hiểu ý thức tuân thủ pháp luật của người đứng đầu doanh nghiệp

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng việc hủy niêm yết không ...

3 vấn đề NĐT cần quan tâm trên thị trường chứng khoán hiện nay

Tại tọa đàm “Điểm sáng Đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit" các chuyên gia đã đưa ra góc nhìn về cơ hội đầu tư ...

Cơ hội nào cho nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản trong năm 2023?

Trong chương trình Bí mật đồng tiền diễn ra trưa ngày 15/2, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Chiến lược Đầu tư SSI ...

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán