Chuyên gia văn hóa: Nên hiểu đúng về ngày vía Thần Tài, đừng quá "cuồng tín"

(Banker.vn) Theo chuyên gia văn hóa, ngày vía thần Tài thực chất không phải truyền thống của Việt Nam, không hề có quan niệm bắt buộc phải mua vàng vào ngày này.
Vì sao giá vàng chênh lệch lớn trước Ngày vía Thần Tài? Mua vàng ngày vía Thần Tài chỉ làm giàu cho chủ tiệm vàng? "Vàng ăn được" đắt khách trước ngày vía Thần Tài Ngày vía Thần Tài và những câu chuyện phía sau

Theo quan niệm, ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài. Vào ngày này, mọi người thường đi mua vàng vì cho rằng như vậy sẽ gặp được may mắn và tài lộc trong cả năm.

Điều này, khiến nhiều cửa hàng kinh doanh vàng trở nên quá tải, phải mở cửa từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Ở nhiều nơi thậm chí còn xảy ra tình trạng người dân xếp thành hàng dài, chờ đợi cả tiếng để mua vàng cầu may trong ngày vía Thần Tài.

Tuy nhiên, không phải ai chen chân mua vàng để lấy may cũng hiểu được nguồn gốc sâu xa của tín ngưỡng này. Báo Công Thương đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Ánh Hồng - Nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền.

Chuyên gia văn hóa: Nên hiểu đúng về ngày vía Thần Tài, đừng quá
TS. Nguyễn Ánh Hồng - Nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền

Phóng viên (PV): Nhiều năm trở lại đây, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch là nhiều người lại đổ đi mua vàng để lấy may hoặc lấy vía làm ăn. Một số người cho rằng, quan niệm này không liên quan gì đến truyền thống văn hóa của người Việt. Vậy điều này nên được nhìn nhận như thế nào cho đúng, thưa bà?

TS. Nguyễn Ánh Hồng: Ngày vía Thần Tài thực chất không phải truyền thống của Việt Nam mà chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Vốn dĩ nó không liên quan đến văn hóa Việt Nam vì hai lý do chính: Thứ nhất, trong xã hội Việt Nam truyền thống có quan niệm "phi thương thì bất phú, phi trí bất hưng", nhưng lại coi trọng hơn việc lao động sản xuất nông nghiệp, đề cao vai trò của nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, người Việt Nam trước kia vẫn biết là cần phải mở rộng giao thương để phát triển kinh tế nhưng cũng chính người Việt lại có một quan điểm hơi ngược một chút, đó là không quá coi trọng tầng lớp thương nhân. Bởi vì họ cho rằng thương nhân gắn liền với khía cạnh nào đó về giá trị vật chất, về lợi nhuận, như vậy sẽ ảnh hưởng đến phương diện đạo đức.

Trong khi đó, văn hóa của Trung Quốc quan niệm ngày vía Thần Tài là cầu mong lợi ích vật chất, làm ăn phát đạt. Bởi vì đây là nền văn hóa của thương mại, du mục. Với con đường tơ lụa từ ngàn năm trước đã phát triển đến tận trời Âu thì tư duy của họ cũng hướng về việc tôn vinh các vị thần mang đến tài lộc, kinh doanh phát đạt cho họ, chứ không phải giống như người Việt.

Thế nhưng, tôi nghĩ rằng trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa thì có những thành tố văn hóa của Trung Quốc xâm nhập và đã được tiếp nhận một cách chủ động và sáng tạo cho phù hợp với văn hóa Việt Nam, trong đó có tín ngưỡng về ngày vía Thần Tài.

Và hiện nay, ngày vía Thần Tài cũng lại phù hợp đối với số đông người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, giới kinh doanh. Chúng ta đang ở giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các thương nhân ngoài việc thay đổi tư duy, đôi khi họ cũng cần phải có một "điểm tựa" tâm linh nào đó để có thể "nạp" cho mình niềm tin, năng lượng tích cực.

Cho nên việc mua vàng cầu may, với niềm tin văn minh hướng tới điều may mắn, hanh thông để vận hành và phát triển thì không có gì xấu cả. Miễn đừng biến nó thành một "điểm tựa" quá đà đến chấp mê, chấp ngộ, mê tín.

Chuyên gia văn hóa: Nên hiểu đúng về ngày vía Thần Tài, đừng quá
Nhiều người xếp hàng từ 4 giờ sáng chờ mua vàng lấy may ngày vía Thần Tài năm 2023

PV: Việc mua vàng để lấy may trong ngày vía Thần Tài có thực sự mang đến may mắn không hay chỉ đơn giản giúp người ta tích lũy được một tài sản có giá trị mà thôi?

TS. Nguyễn Ánh Hồng: Theo tôi, người ta không nghĩ đến chuyện mua vàng để tích lũy tài sản đâu. Bởi phần đông người đi mua vàng trong ngày vía Thần Tài cũng chỉ mua với số lượng rất ít, mua để mang tính tượng trưng.

Nếu lướt qua các hiệu vàng thời điểm này sẽ thấy có hai dòng sản phẩm chính là nhẫn tròn trơn từ 0,5 chỉ đến 2 chỉ và các loại vàng miếng.

Các chuyên gia tài chính cũng đã khuyến cáo trong ngày vía Thần Tài không nên mua vàng đầu cơ tích trữ nên tâm lý nhiều người họ mua để lấy may thôi; mà nếu là mua để lấy may thì đấy cũng không có gì cần phải lên án hoặc phê phán cả.

Câu chuyện "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" để họ có thêm niềm tin, có động lực phấn đấu, phát triển kinh tế cũng là điều tốt đấy chứ.

PV: Vậy nhìn nhận ở góc độ xã hội, bà thấy việc nhiều người đổ xô đi mua vàng với niềm tin rước được may mắn về nhà sẽ kích thích sự phát triển xã hội và giao thương như thế nào?

TS. Nguyễn Ánh Hồng: Nó có cái kích thích đấy. Có cung có cầu và bao giờ cũng thế, cầu và cung phải đi liền với nhau. Trước đây, tôi đã từng trao đổi với một chuyên gia khi họ nói rằng không nên tổ chức Tết Nguyên đán, vì họ cho rằng Tết là dịp mua sắm rất nhiều; nhưng tôi nói rằng nếu không có mua sắm nhiều thì làm sao mà kích cầu để quy trình sản xuất có thể hoạt động một cách năng động, hiệu quả và linh hoạt hơn.

Thế thì ở đây cũng vậy, mua bán vàng cũng tạo nên một luồng sinh khí, tạo nên "nhiệt". Giống như các bạn trẻ bây giờ hay nói, người ta đi mua vàng không phải người ta muốn, mà là đang "bắt trend", hòa cùng xu hướng nào đó.

Ví dụ như con tôi, bạn ấy bảo con sẽ không đi mua vàng nhưng mà con cũng nghĩ đến nó. Tôi hỏi lại: "Thế con nghĩ đến để làm gì nếu con không đi mua?"; và bạn nói rằng: "Vì con nghĩ rằng một ngày để người ta có niềm tin tích cực để phấn đấu và có "điểm tựa" tâm linh để phấn đấu thì Thần Tài sẽ "gõ cửa".

Đấy, tôi cho rằng như thế cũng là tốt chứ. Tốt ở chỗ bạn ấy có niềm tin tích cực, có định hướng để phát triển. Suy rộng ra cả xã hội này, nếu cứ mỗi một năm có một ngày vía Thần Tài, người ta mua vàng rồi cũng phấn đấu, hy vọng rằng Thần Tài sẽ "gõ đúng cửa" thì đó là ý nghĩa tích cực và đó là điều tốt.

Chuyên gia văn hóa: Nên hiểu đúng về ngày vía Thần Tài, đừng quá
Nhiều người dân quan niệm, mua vàng vào ngày vía Thần Tài sẽ gặp nhiều tài lộc, may mắn trong năm mới

PV: Bà có lời khuyên nào dành cho những người dân mang quan niệm phải mua bằng được vàng trong ngày 10 tháng Giêng - ngày Vía Thần Tài để lấy may, nếu không mua vàng cả năm sẽ xui xẻo?

TS Nguyễn Ánh Hồng: Quan điểm của tôi về niềm tin tín ngưỡng, niềm tin tâm linh thì cơ sở quan trọng nhất chính là sự chân thành, hướng thiện, phải xuất phát từ sự thành tâm. Không nhất thiết phải đổ xô xếp hàng cả ngày cả đêm, thậm chí gây nên rối loạn cho thị trường, gây mất trật tự an toàn cho xã hội để mua cho bằng được.

Và cũng đừng lo lắng, bất an vì việc mình không mua được ờ vàng ở trong ngày vía Thần Tài thì cả năm sẽ không sung túc, không phát đạt, không làm ăn tấn tới. Có thể nói, việc mua trong ngày vía Thần Tài khơi nguồn cho chúng ta động lực để phấn đấu thôi.

Kể một câu chuyện thế này, đầu năm mới, tôi đi Văn Miếu Quốc Tử Giám, có một bạn nói với tôi rằng xin chữ "Kim Ngân", nghĩa là tiền để về treo ở tường nhà thì năm nay chắc chắn lộc sẽ vào, sẽ nhiều tiền hơn. Tôi nói bạn nhầm rồi, bạn có treo đến hẳn 100, 1.000 chữ đó mà bạn không làm việc, không nỗ lực thì chữ đó vẫn chỉ là chữ ở trên tường, "Kim Ngân" không bao giờ vào nhà được cả.

Cũng như vậy, nếu mua được một chỉ vàng trong ngày Thần Tài mà sau đó cất để đó, rồi không chịu khó làm việc, không năng động, không tích cực thì mãi mãi cũng là một chỉ vàng, nó không thể tự biến thành một cây vàng, một núi vàng được.

Nói như thế cũng để hiểu rằng, chung quy lại, mua vàng trong cái vía Thần Tài tạo cho chúng ta động lực, thôi thúc, khơi gợi sự chủ động vận động và chịu trách nhiệm với chính hành vi của mình trong việc kiến tạo nên các giá trị kinh tế, chứ không phải vàng đó đưa về nó sẽ tự sinh sôi, nảy nở. Nếu ai đó nghĩ rằng không mua được vàng trong vía Thần Tài thì làm ăn lụi bại là không đúng.

PV: Có ý kiến cho rằng, chính những nhà đầu cơ, kinh doanh đang lợi dụng, khuếch trương ngày vía Thần Tài mua vàng sẽ may mắn để đánh vào tâm lý người dân. Họ lợi dụng yếu tố tâm linh để tung hàng, bán kiếm lời. Quan điểm của bà như thế nào?

TS. Nguyễn Ánh Hồng: Ở phương diện này, các cơ quan truyền thông sẽ phải vào cuộc một cách tích cực. Nhiều năm nay tôi quan sát thấy câu chuyện về ngày vía thần Tài đang được những người làm kinh doanh (đặc biệt những người buôn vàng) tuyên truyền mạnh nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm. Nhờ “ăn theo” ngày vía thần Tài, lượng vàng bán ra tại các cơ sở kinh doanh mặt hàng trong tháng Giêng tăng vọt.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng, giá vàng trong ngày vía Thần Tài thường được đẩy lên rất cao, nhưng ngay sau đó vài ngày sẽ nhanh chóng giảm giá. Chính vì thế, người mua cần cân nhắc khi mua số lượng lớn, tránh thiệt hại không đáng có về kinh tế.

Tôi cũng được biết, rất nhiều cửa hàng vàng họ lập các trang web quảng bá, có rất nhiều bài viết về ý nghĩa của ngày Thần Tài hay thần thánh hóa ngày này lên theo hướng mê tín. Tôi cho rằng ở một khía cạnh nào đó chúng ta cũng phải kiểm soát nếu không sẽ gây ra sự rối loạn xã hội và nó sẽ dẫn đến một thực tế, người ta thần thánh hóa, đua nhau mua vàng cầu tài lộc, đặt niềm tin vào sự may rủi thần linh chứ không phải bằng năng lực cá nhân.

Do đó, mỗi người dân, đặc biệt là người trẻ, chúng ta tôn trọng tín ngưỡng, niềm tin tâm linh nhưng cần phải hiểu đúng bản chất để có cách ứng xử phù hợp nếu không sẽ rất dễ sa đà vào mê tín, dị đoan.

Xin cảm ơn bà!

Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương