Viết trên Project Syndicate, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lưu ý rằng giá tiêu dùng gần đây đã rơi vào vùng âm và các nhà sản xuất đã phải trải qua tình trạng giảm phát trong vòng một năm. Trong khi đó, khu vực công và tư nhân đã phải gánh những khoản nợ lớn sau khi chi tiêu quá mức và các chính sách nới lỏng tiền tệ liên quan đến đại dịch COVID-19.
"Giảm phát và nợ nần là một sự kết hợp độc hại. Do giá trị thực của khoản nợ hiện tại (đã điều chỉnh theo lạm phát) tăng lên, giảm phát càng khiến các công ty khó đảm bảo nguồn tài chính bổ sung hơn, từ đó làm tăng nguy cơ phá sản – một xu hướng đang trở nên rõ nét hơn ở Trung Quốc, " vị chuyên gia này nhận định. "Hơn nữa, một khi sự kết hợp giữa nợ và giảm phát trở nên cố hữu, nó có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn, theo đó nhu cầu thấp hơn sẽ dẫn đến đầu tư thấp hơn, sản lượng thấp hơn, thu nhập thấp hơn và do đó lại làm nhu cầu thậm chí thấp hơn."
Ông nói, trong khi Bắc Kinh đã công bố một loạt các biện pháp nhằm cố gắng kích thích nền kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vẫn chưa bơm một lượng lớn thanh khoản ra thị trường.
Ông nói thêm rằng PBOC có thể bắt tay vào một chiến dịch nới lỏng định lượng tương tự như các đợt mua trái phiếu mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và các cơ quan tiền tệ khác đã triển khai sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
“Trung Quốc cần theo cách tiếp cận ‘bất cứ điều gì cần thiết’ mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đã theo đuổi cách đây một thập kỷ khi khu vực này cũng đang phải đối mặt với vòng xoáy giảm phát nợ,” ông Wei nêu quan điểm. “PBOC nên công khai tuyên bố chiến lược tiền tệ hoá một phần lớn nợ chính phủ và khuyến khích đầu tư vốn cổ phần tư nhân nhiều hơn.”
Tuy nhiên, việc nới lỏng định lượng mạnh có thể sẽ làm suy yếu đồng Nhân dân tệ, vốn đã mất giá khoảng 5% so với đồng đô la Mỹ trong năm qua.
Vị cựu chuyên gia của ADB cho biết, đó là mối quan ngại chính đối với giới lãnh đạo Trung Quốc vì nếu đồng tiền này tiếp tục mất giá có thể dẫn tới tình trạng tháo chạy vốn nhiều hơn. Trên thực tế, Bắc Kinh đang nỗ lực tăng giá đồng Nhân dân tệ, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu Trung Quốc với tốc độ kỷ lục.
“Nhưng nếu cái giá cứu nền kinh tế khỏi tình trạng giảm phát là đồng Nhân dân tệ yếu đi thì đó là cái giá đáng phải trả – và thậm chí có thể đóng vai trò là cơ chế điều chỉnh hữu ích bằng cách thúc đẩy nhu cầu nước ngoài đối với các sản phẩm Trung Quốc”, ông Wei nói. “Thay vì cố gắng quản lý tỷ giá hối đoái, điều sẽ biện minh một cách giả tạo cho kỳ vọng giảm giá, chính quyền Trung Quốc nên để những điều chỉnh đó cho các lực lượng thị trường thực hiện.”
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc kết thúc phiên giao dịch trong nước vào thứ Sáu vừa rồi ở mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Khoảng cách lợi suất ngày càng tăng với các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Mỹ cũng gây áp lực mới lên đồng Nhân dân tệ và một số loại tiền tệ mới nổi khác.
Đồng Nhân dân tệ trong nước kết thúc phiên giao dịch trong nước ngày thứ Sáu (8/9) ở mức 7,3415 mỗi đô la, mức đóng cửa yếu nhất kể từ ngày 26/12/2007.
Trước khi thị trường mở cửa, PBOC đã ấn định tỷ giá trung bình ở mức 7,215 đổi một đô la Mỹ, yếu hơn 164 điểm phần trăm so với mức cố định trước đó là 7,1986.
Theo các nhà phân tích của Maybank, việc ấn định tỷ giá được thiết lập yếu hơn so với những ngày trước, ngụ ý rằng PBOC có thể cho phép đồng Nhân dân tệ giảm dần xuống mức thấp hơn.
Kiyong Seong, chiến lược gia vĩ mô châu Á tại Societe Generale CIB, cho biết: “Tôi nghĩ PBOC sẽ có hành động tiếp theo như kêu gọi các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước bán đồng đô la ra thị trường”.
Vị chiến lược gia này cho rằng sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ trong tuần này không phải là một sự kiện cá biệt vì giá dầu cao hơn và dữ liệu kinh tế kiên cường của Mỹ đã giúp đồng đô la mạnh lên.
Một tờ báo của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Sáu cho biết, với việc nền kinh tế đang dần phục hồi, cần có thêm niềm tin vào tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
(Nguồn: Tổng hợp)
Vân Anh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|