Chuyên gia nói gì về việc thành lập sàn giao dịch lúa gạo?

(Banker.vn) Việc xây dựng thành công sàn giao dịch lúa gạo sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và thị trường; giúp thị trường lúa gạo minh bạch, hạn chế rủi ro.
Đường dài cho xuất khẩu gạo: Bài 2 - Thị trường biến động liên tục, rủi ro thua lỗ chực chờ Đường dài cho xuất khẩu gạo: Bài 3 - Phát huy hiệu quả chuỗi cung ứng lúa gạo Giá lúa gạo hôm nay ngày 4/3: Doanh nghiệp tăng mua, thị trường sôi động trong phiên đầu tuần

Tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch thóc gạo. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết việc thành lập sàn giao dịch sẽ tác động như thế nào đến thị trường lúa gạo Việt Nam hiện nay?

Hiện thế giới có trên 100 sở giao dịch hàng hóa, riêng châu Á có 46 sở và đa số lập sau năm 1990. Các sở giao dịch hàng hóa phát triển mạnh trên thế giới vì tạo ra sự cạnh tranh và công bằng; thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và thị trường, cung cấp thông tin cho người nông dân qua đó chống hiện tượng thương lái ép giá.

Chuyên gia nói gì về việc thành lập sàn giao dịch lúa gạo?
TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế

Với Việt Nam, việc lập sàn giao dịch gạo nói riêng và nông sản nói chung là hết sức cần thiết vì sẽ giúp hàng hóa Việt Nam hòa nhập với xu hướng thương mại của thế giới. Với mặt hàng gạo, chúng ta có đủ điều kiện, đủ năng lực về sản xuất từ nguồn lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cùng vựa gạo Campuchia. Chúng ta có lợi thế lớn từ các công ty có khả năng điều phối về vốn, nguồn hàng, cùng với đó là nguồn nguyên liệu lớn từ các kho dự trữ quốc gia.

Bên cạnh đó là kinh nghiệm giao dịch hàng hóa phái sinh từ các nhà đầu tư trên sàn giao dịch hàng hóa với quy mô lên tới 4.000 tỷ đồng/ngày.

Thực tế, sàn giao dịch lúa gạo hay nông sản nói chung không phải ý tưởng mới. Từ năm 2009, khi Festival lúa gạo lần đầu tiên được tổ chức tại Hậu Giang, ý tưởng này đã được xúc tiến để tạo sự minh bạch cho thị trường. Tuy nhiên, ý tưởng đó đến nay vẫn chưa được triển khai. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ này. Đầu tiên là do các bên liên quan chưa thật sự muốn cho ra đời một sàn giao dịch như vậy. Ví dụ như mặt hàng gạo; dù chúng ta có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhưng thực tế chỉ có 5 - 7 doanh nghiệp nhà nước lớn chi phối nên không thực sự muốn mua bán qua sàn.

Thứ hai, muốn lập sàn giao dịch phải đầu tư trung tâm giao nhận quốc tế (tổng kho) vì dù thương mại trên sàn là các hợp đồng tương lai thì khi cần cũng phải có hàng giao ngay nhưng cơ sở hạ tầng của ta còn yếu.

Yếu tố thứ ba là những người được nhà nước giao nhiệm vụ "xây dựng sàn" lại không quyết liệt. Chính phủ giao địa phương, địa phương giao về sở, ngành nhưng sở, ngành làm sao đủ sức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, trong số những nhà đầu tư tham gia thị trường ít người đủ tầm mà chỉ thích tham gia lướt sóng kiếm lời ở sàn giao dịch phái sinh....

Chuyên gia nói gì về việc thành lập sàn giao dịch lúa gạo?
Việc xây dựng sàn giao dịch lúa gạo sẽ giúp thị trường minh bạch hơn

Cà phê, tiêu, gạo… của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu lớn trên thế giới nhưng nông dân, các công ty chế biến luôn bất lợi về giá do thiếu sàn giao dịch. Cụ thể như trường hợp cà phê robusta, khi các đối tác nước ngoài không có hàng, họ buộc phải tìm đến sàn London. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê robusta giao sau trên sàn London tăng mạnh 300 - 400 USD/tấn trong tháng 9/2023.

Theo ông, cần có những yếu tố nào để xây dựng sàn giao dịch lúa gạo thành công?

Chúng ta mong muốn sẽ xây dựng được một sàn giao dịch quốc tế để thay vì mình đi tìm khách hàng thì các khách hàng sẽ tự tìm đến mình và giao dịch trên sàn, giống như trên thị trường chứng khoán. Nhưng để làm được điều này thì chúng ta cần nhiều yếu tố.

Thứ nhất, các sản phẩm phải được chuẩn hóa về chất lượng và tập trung. Sàn cũng là sự liên kết giữa thị trường giao ngay và thị trường giao sau, chính vì vậy cần phải có trung tâm giao nhận hàng hóa tập trung và kho ngoại quan. Ví dụ như khi khách hàng muốn mua 500 tấn gạo và muốn nhận vào ngày nào thì chúng ta phải có kho ngoại quan, đảm bảo hàng giao đúng thời hạn.

Thứ hai là phải có những doanh nghiệp lớn, có đủ năng lực về vốn. Giống như thị trường chứng khoán, chúng ta phải mất tới 20 năm để xây dựng.

Thứ ba, phải có lực lượng người tham gia ở góc độ đầu cơ tích cực, khi giá xuống thấp thì họ mua vào, khi giá lên cao thì bán ra. Hoạt động mua - bán liên tục giúp giá giữ ổn định, không biến động quá lớn.

Thứ tư là để sàn giao dịch thành công thì cần có chỉ đạo cụ thể, quyết liệt từ các nhà hoạch định chính sách. Cùng với đó là sự chung tay của các công ty đủ mạnh hoạt động theo mô hình cổ phần, trong đó có vai trò của doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính. Có như vậy thì sàn giao dịch lúa gạo này mới có thể vận hành trơn tru.

Trước đây, các công ty, trung tâm giao dịch hàng hóa như thép, đường, thủy sản… đều thất bại do chỉ có doanh nghiệp tư nhân hoặc nhà nước tham gia mà không có sự liên kết. Theo đó, nếu giao cho đơn vị tư nhân thì dễ giống sàn Giao dịch hàng hóa Việt Nam - đơn vị trung gian cho các nhà đầu tư giao dịch và thu phí mà không lập được sàn cho các sản phẩm ở Việt Nam. Trong khi đó nếu nhà nước thực hiện thì dễ rơi vào tình trạng như các trung tâm giao dịch thủy sản, trái cây, cà phê trước đây, không có sự tham gia của nhà đầu tư thì sẽ thất bại.

Ngoài ra về lâu dài, cần đào tạo nhân lực, hệ thống thông tin báo chí và các nhà tư vấn về kinh tế nông nghiệp và giao dịch hàng hóa nông sản đa dạng, độc lập để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong dự đoán giá cả, sản lượng, thị trường cũng như tư vấn đầu tư tài chính vào hàng hóa nông sản.

Xin cảm ơn ông!

Tổ chức, quản lý sàn giao dịch phải chặt chẽ

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất – thương mại Phước Thành IV cho rằng, việc xây dựng thành công sàn giao dịch lúa gạo sẽ giúp thị trường lúa gạo minh bạch, hạn chế rủi ro. Theo đó, khi xây dựng được sàn giao dịch, các nhà đầu tư cùng tham gia vào sẽ giúp giảm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp khi vào mùa thu hoạch. Về phía nông dân, khi doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu, nông dân sẽ có mức giá ổn định hơn.

Bên cạnh đó, các khách hàng nước ngoài không cần phải đến tận các nhà máy mà chỉ cần lên sàn xem các doanh nghiệp uy tín, chất lượng đảm bảo tính pháp lý, từ đó ít rủi ro hơn. Song quan trọng nhất là việc tổ chức, quản lý các sàn phải chặt chẽ để tránh tình trạng thổi giá, tiêu cực.

Hà Duyên

Theo: Báo Công Thương