Chuyên gia nói gì về các vụ triệu hồi xe điện gần đây?

(Banker.vn) Thời gian qua, các hãng xe điện như Hyundai, Volvo, Mercedes-Benz, Porsche liên tục ban hành lệnh triệu hồi liên quan chủ yếu tới vấn đề phần mềm và nguồn điện.
Hãng xe nào triệu hồi nhiều xe nhất nửa đầu năm nay? Volvo có động thái mới trước hàng rào thuế quan với xe điện Trung Quốc Cửa nào cho các hãng xe điện Trung Quốc khi về Việt Nam?

Chỉ trong 2 tháng 5-6, các hãng xe nổi tiếng trên thế giới đã liên tục phải triệu hồi các sản phẩm xe điện. Vào ngày 21/5, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc thông báo triệu hồi khoảng 170.000 chiếc xe điện Hyundai và Kia tại thị trường quê nhà.

Trong đó, gần 114.000 mẫu xe bị thu hồi bao gồm IONIQ 5 và IONIQ 6 của Hyundai, Genesis GV60, GV70 và Electrified GV80. Đồng thời, Kia thu hồi 56.016 mẫu xe EV6 tại Hàn Quốc. Theo báo cáo, những chiếc xe điện đã bị triệu hồi do trục trặc phần mềm trong hệ thống ICCU có thể ảnh hưởng đến nguồn điện của pin. Sự cố có thể gây ra vấn đề về sạc và mất điện khi đang lái xe.

Tại Mỹ, Hiệp hội An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia (NHTSA) đã mở cuộc điều tra vào ngày 8/6/2023, sau một số báo cáo về việc mất điện ICCU trên mẫu xe Hyundai IONIQ 5 đời 2022-2023. Xe EV6 của Kia cũng đang bị điều tra do có khiếu nại về việc mất điện.

Hyundai IONIQ 5 được phân phối tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Hyundai
Hyundai IONIQ 5 được phân phối tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Hyundai

Tương tự, đầu tháng 6, Mercedes-Benz tuyên bố 14.912 xe điện ở Mỹ để giải quyết vấn đề phần mềm hệ thống quản lý pin có thể gây mất nguồn điện. Các xe bị triệu hồi bao gồm tất cả các phiên bản của dòng sedan EQS và EQE, cũng như mẫu SUV EQS và SUV EQE, từ đời năm 2023 - 2025, tùy thuộc vào biến thể. Theo báo cáo, những chiếc xe này có thể có phần mềm quản lý pin không đáp ứng các thông số kỹ thuật sản xuất hiện tại và có thể dẫn đến việc tắt hệ thống điện áp cao trong những tình huống cụ thể.

Việc triệu hồi diễn ra sau một cuộc điều tra của Mercedes-Benz sau các báo cáo về cảnh báo trong cụm đồng hồ trên xe liên quan đến bộ pin, trong đó thông báo đầu tiên đến từ một đại lý ở Đan Mạch vào tháng 10/2023.

Mercedes - Benz EQS bị triệu hồi bởi lỗi liên quan tới bộ pin. Ảnh: Caranddriver
Mercedes - Benz EQS bị triệu hồi bởi lỗi liên quan tới bộ pin. Ảnh: Car And Driver

Đến ngày 12/6, trang tin Carwow thông báo về đợt triệu hồi Volvo EX30 bởi trên một số chiếc xe, đôi khi một thanh màu đồng nhất được hiển thị trên màn hình chính thay vì thông tin quan trọng như tốc độ.

Tổng cộng có 71.956 xe Volvo EX30 cần cập nhật phần mềm để giải quyết vấn đề. Volvo cho biết khách hàng có thể chọn bản cập nhật qua mạng để cài đặt phiên bản phần mềm mới. Tuy nhiên, Volvo cho biết khách hàng có thể yêu cầu đại lý cập nhật phần mềm cho xe nếu họ muốn.

Chuyên gia nói gì về các vụ triệu hồi xe điện gần đây?
Xe điện Volvo EX30 gặp lỗi hiển thị màn hình. Ảnh: Volvo

Vào cuối tháng 6, Porsche đã ban hành lệnh triệu hồi mẫu xe điện Taycan mới được sản xuất từ năm 2020 - 2025. Thông báo nêu rõ các ống dẫn phía trước trên những phương tiện này có thể bị nứt theo thời gian và rò rỉ dầu phanh. Liên quan đến lỗi này, một vụ tai nạn đã được báo cáo khi xe đang di chuyển với tốc độ khoảng 120 km/h.

Trên thực tế, các vụ triệu hồi ô tô đều diễn ra theo quy trình tiếp nhận từ nhiều khiếu nại của khách hàng, hoặc phát hiện trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Nhìn về hướng tích cực, động thái này là cách để nhà sản xuất giúp các sản phẩm có độ hoàn thiện nhất, bảo đảm chất lượng trải nghiệm của chủ sở hữu.

Tuy nhiên, các vụ triệu hồi kể trên cũng cho thấy một số vấn đề về chất lượng sản phẩm xe điện. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: ''Các trường hợp triệu hồi xe điện đã trở thành vấn đề đáng chú ý khi các nhà sản xuất gặp phải nhiều thách thức kỹ thuật khác nhau. Những vụ triệu hồi này nêu bật các vấn đề tái diễn, chủ yếu liên quan đến lỗi phần mềm và khiếm khuyết phần cứng''.

Vị PGS.TS nhận định rằng phần lớn các vụ triệu hồi liên quan đến vấn đề phần mềm, đặc biệt là trong các hệ thống quản lý pin và chức năng sạc. Những vấn đề này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như mất điện hoặc không thể sạc đúng cách. Ngoài ra, một số vụ triệu hồi là do các khiếm khuyết vật lý, chẳng hạn như ống phanh bị hỏng trong các mẫu Porsche Taycan. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và chức năng của xe.

Sự cố về bộ phận an toàn như của Porsce Taycan đặc biệt nguy hiểm với người tiêu dùng. Ảnh: Elektric
Sự cố về bộ phận an toàn như của Porsce Taycan đặc biệt nguy hiểm với người tiêu dùng. Ảnh: Electrek

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc đánh giá rằng hiện nay, các nhà sản xuất đang phản ứng bằng cách cập nhật phần mềm, thay thế các bộ phận bị lỗi và cải thiện quy trình kiểm soát chất lượng để ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai. Khi công nghệ xe điện tiếp tục phát triển, việc giải quyết những thách thức này là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và độ tin cậy cho người tiêu dùng.

Trần Đình

Theo: Báo Công Thương