Chuyên gia nói gì giữa “làn sóng” bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp

(Banker.vn) Thị trường đầu tư luôn có cơ hội và rủi ro tồn tại, có những rủi ro chỉ xuất hiện khi chúng ta đã đưa ra quyết định, do vậy nó sẽ mang đến sự bất ngờ. Lãnh đạo doanh nghiệp thậm chí cổ đông lớn của rất nhiều doanh nghiệp nắm giữ cổ phiếu, có lẽ họ cùng không ngờ thị giá lại về đến vùng giá mà chính họ cũng phải bán giải chấp.

Thấy gì từ việc lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu?

Thị trường hoạt động kém hiệu quả trong thời gian gần đây khiến nhiều cổ phiếu rơi từ đỉnh xuống vực sâu, dẫn tới hàng loạt nhà đầu tư cá nhân cháy tài khoản, thậm chí không ít lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị bán giải chấp cổ phiếu đã tạo ra làn sóng “force-sell” (thanh lý bắt buộc) trên diện rộng.

Chuyên gia nói gì giữa “làn sóng” bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG (Mã: LDG) bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 3,8 triệu cổ phiếu LDG trong phiên 8/11 theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Tạm tính theo giá kết phiên 8/11 là 4.360 đồng/cổ phiếu, ước tính tổng giá trị giao dịch trên hơn 16,6 tỷ đồng. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu nắm giữ của vị chủ tịch còn 22.595.982 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 11% xuống còn 9,41%.

Theo thông báo của Chứng khoán Tân Việt, công ty sẽ bán giải chấp 1,8 triệu cổ phiếu PDR của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt do ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT công ty sở hữu. Thời gian thực hiện từ phiên 8/11 cho đến khi đủ tỷ lệ ký quỹ theo quy định.

Bên cạnh đó, Tân Việt sẽ bán giải chấp 1,9 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings - tổ chức có liên quan đến chủ tịch Phát Đạt trong khoảng thời gian tương tự.

Trước đó, ngày 3/11, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp đã bán ra hơn 3,04 triệu cổ phiếu DIG vào phiên 27 và 28/10. Lý do là công ty chứng khoán bán giải chấp. Tương tự, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT DIC Corp, con trai của ông Nguyễn Thiện Tuấn bán gần 1,38 triệu cổ phiếu DIG trong ngày 30/10 và 1/11 với lý do tương tự.

Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu lãnh đạo diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Nguyên nhân do thị giá cổ phiếu bất động sản giảm mạnh trong hai tháng gần đây hệ lụy của áp lực đáo hạn trái phiếu tăng lên...

Khi nhắc đến cổ đông lớn, nhiều người đánh giá đây là những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm và hiểu về cổ phiếu công ty hơn những cổ đông nhỏ lẻ, vậy tại sao vẫn có hiện tượng này?

Chia sẻ trong chương trình "Bí mật đồng tiền" của VTV Digital, bà Đỗ Hồng Hạnh Chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán Công ty CP Chứng khoán SSI, PGD Cách Mạng Tháng Tám cho rằng, cổ đông lớn hay những cổ đông nhỏ lẻ họ giống nhau ở phần tâm lý, nghĩa là cũng bị lòng tham và sự sợ hãi chi phối.

Chuyên gia nói gì giữa “làn sóng” bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp

bà Đỗ Hồng Hạnh Chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán Công ty CP Chứng khoán SSI, PGD Cách Mạng Tháng Tám.

Do đó khi cổ đông lớn mua cổ phiếu và sử dụng margin quá nhiều, đến khi giá cổ phiếu giảm mà dòng tiền mặt không đủ nộp cho công ty chứng khoán để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ an toàn thì họ vẫn bị bán giải chấp cổ phiếu như bình thường.

Theo BTV Hoàng Nam, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp họ cũng không tưởng tượng nổi là có thể xảy ra một kịch bản như vậy. Nhiều đại hội diễn ra cách đây vài tháng vẫn tương đối lạc quan về triển vọng cuối năm nhưng đến bây giờ góc nhìn đã thay đổi do sự xuất hiện của các ẩn số trên thị trường tài chính.

"Thị trường đầu tư luôn có cơ hội và rủi ro tồn tại, có những rủi ro chỉ xuất hiện khi chúng ta đã đưa ra quyết định, do vậy nó sẽ mang đến sự bất ngờ. Lãnh đạo doanh nghiệp thậm chí cổ đông lớn của rất nhiều doanh nghiệp nắm giữ cổ phiếu, có lẽ họ cùng không ngờ thị giá lại về đến vùng giá mà chính họ cũng phải bán giải chấp".

Còn theo quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, thường khi nhà đầu tư sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo, tỷ lệ ban đầu có thể rất cao nhưng cũng không nhiều người lường trước câu chuyện giá cổ phiếu doanh nghiệp của mình có thể giảm với khối lượng lớn như vậy. Khi giá trị tài sản đảm bảo xuống thì có hai cách để duy trì, tăng thêm cổ phiếu để đưa tỷ lệ về ngưỡng an toàn hoặc giải quyết các tài sản đảm bảo để bên cho vay không bán tiếp cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, khi giá cổ phiếu rơi xuống một mức nhất định thì sẽ có lãnh đạo doanh nghiệp vào đỡ giá. Tuy nhiên, đối với trường hợp nhà lãnh đạo có thể bổ sung tiền mặt để đưa trạng thái tài khoản về ngưỡng an toàn, giá cổ phiếu sau đó có thể vẫn giảm nữa mà vị thế của khoản vay vẫn đảm bảo.

Do vậy, trong đầu tư không nên thần thánh hóa hay tin tưởng mù quáng vào những ngưỡng mà lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải giữ giá cổ phiếu ở một ngưỡng nhất định. Nếu họ có tiền nộp vào thì giá cổ phiếu có thể giảm xuống dưới ngưỡng này mà họ vẫn cảm thấy thoải mái với khoản vay của mình.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán