Chuyên gia nêu ngọn nguồn dẫn tới tình trạng thiếu điện: "Điểm nghẽn" nằm ở cơ chế, chính sách?

(Banker.vn) “Chúng ta cứ hô hào phải làm sao thu hút vốn tư nhân, thị trường hóa, xã hội hóa, phá bỏ thế độc quyền của EVN, nhưng dường như cơ chế, chính sách lại không hỗ trợ các nhà đầu tư có thể làm điều đó” - một chuyên gia bình luận trước tình trạng thiếu điện đặc biệt ở khu vực miền Bắc thời gian qua.
Chuyên gia nêu ngọn nguồn dẫn tới tình trạng thiếu điện:
Đại diện EVN và các chuyên gia cùng thảo luận sôi nổi trong sự kiện ngày 9/6 mới đây.

Phân bổ nguồn năng lượng tái tạo không đồng đều

Tại buổi toạ đàm “Giải bài toán thiếu điện: Cách nào?” tổ chức chiều 9/5, thông tin về tình hình cung ứng điện tại miền Bắc, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia cho biết, hệ thống điện đang gặp khó, sản lượng cực đại trong khu vực lên tới 435 triệu số điện/ngày, chiếm 51% tổng sản lượng toàn hệ thống. Mức sản lượng đang tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi công suất điện là 22.084 MW, tăng 84% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh đó, ông Trung khẳng định EVN đã làm đủ mọi cách để giải tỏa áp lực cho hệ thống. Một mặt, đơn vị phối hợp với các đối tác để duy trì nhiên liệu (PVN cấp khí, TKV cấp than), mặt khác lại huy động các nhà máy chạy dầu với giá cao, ở mức hơn 5.000 đồng/kWh.

EVN cũng đã dời toàn bộ lịch sửa chữa của nhiệt điện than và nâng công suất truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra Bắc từ 2.400 MW lên 2.500 MW, đồng thời vận hành tối ưu hơn 200 nhà máy thuỷ điện nhỏ ở miền Bắc vào thời điểm khách hàng cần nhất, hạn chế tối thiểu việc cắt điện.

Về giải pháp nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia chỉ ra rằng không chỉ riêng Việt Nam, các nước láng giềng cũng đang phải đối mặt thách thức trong mùa nắng nóng, nên thực tế khối lượng nhập khẩu không đáng kể.

Về tình hình cung ứng điện tại miền Bắc trong các tuần tới, theo ông Nguyễn Quốc, thông thường từ đầu tháng 7 hàng năm trở đi dự kiến tần suất lũ về sẽ cao, nước về thượng nguồn sông Đà dồi dào hơn giúp áp lực thiếu điện tại miền Bắc sẽ được giải toả. Tuy nhiên, năm 2023, do hiện tượng El Nino tái diễn vào đúng năm nhuận (đồng nghĩa với việc mùa khô sẽ có thêm một tháng nữa) nên có thể phải đến tháng 8 sức ép về cấp điện mới được cởi bỏ.

Tại buổi tọa đàm, chia sẻ về cơ cấu nguồn điện miền Bắc, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết hiện có khoảng 30.000 MW và chủ yếu là từ nhiệt điện và thuỷ điện. Còn nguồn điện năng lượng tái tạo, dù tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhưng phân bổ không đồng đều, chỉ tập trung ở những vùng tiềm năng như Nam Trung Bộ, Tây Nguyên là chính.

“Đó là một trong những khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc và gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc”, ông Lâm nhấn mạnh.

Trên thực tế, hai nguồn chính tại khu vực miền Bắc là thuỷ điện và nhiệt điện đang chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết. Nắng nóng kéo dài khiến mực nước của các hồ thuỷ điện lớn xuống dưới mức “nước chết”. Mặt khác nhiệt độ tăng cao gây ảnh hưởng lên hệ thống nước làm mát, buộc các nhà máy nhiệt điện phải giảm hiệu suất.

Ông Võ Quang Lâm còn chỉ ra một nguyên nhân khác dẫn tới thiếu điện tại miền Bắc là việc phát triển hệ thống truyền tải điện gặp khó khăn trong ghép nối đường dây tại khu vực tỉnh Quảng Bình và những “rào cản” trong thủ tục pháp lý.

“Điểm nghẽn” pháp lý?

Liên quan tới các dự án năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng kinh doanh mua bán điện EVN, cho biết tính tới hiện tại thời điểm hiện tại, có 9 nhà máy điện tái tạo đã được vận hành thương mại (COD) với công suất khoảng 470MW. Trong tháng 5/2023, các nhà máy điện này đóng góp khoảng 10 triệu KWh cho hệ thống điện, song cũng chưa thể giải quyết được khó khăn ngắn hạn của hệ thống điện tại miền Bắc.

Đại diện phía EVN cho biết, tới nay đơn vị này đã nhận được 66 bộ hồ sơ trên 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, làm việc với 61 dự án và hoàn thành việc trình hợp đồng sửa đổi bổ sung cho 51 dự án. Về 19 trên nhà đầu tư còn lại, theo ông Khải, gặp vướng mắc chủ yếu liên quan đến các thủ tục đầu tư, chưa hoàn thành việc giao đất, đền bù, giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan khác. Ngoài ra, có nhiều dự án chưa thu xếp đủ nguồn vốn, chưa tiến hành xây dựng.

Về thực trạng thiếu các nguồn điện tái tạo mức, theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, nguyên nhân là do việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo chưa phù hợp.

Đầu tiên là câu chuyện năm 2019, khi các chuyên gia đã thảo luận về cơ chế thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo ở miền Bắc, Bộ Công thương ra dự thảo nêu vấn đề cần phải phân vùng để có ưu đãi giá khác nhau. Cụ thể là, với các khu vực thuận lợi đầu tư, nắng tốt nhưng “nghẽn” về lưới truyền tải thì nên hạn chế bằng giá FIT thấp; với khu vực miền Bắc, khu vực khó khăn, không thuận lợi thì ưu tiên bằng giá FIT cao hơn. Tuy nhiên, dự thảo này đã không được thông qua.

Bên cạnh đó, dù Quyết định 500 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Quy hoạch điện 8 khẳng định sẽ tạo điều kiện tối đa, không hạn chế đối với các dự án điện mặt trời áp mái, không nối lưới, tức tự dùng, nhưng theo ông Hà Đăng Sơn vẫn tồn tại những chi tiết thiếu cụ thể và tường minh, bởi tới nay chưa có quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ và định hướng cho nguồn năng lượng này.

Chuyên gia năng lượng này cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, kết luận của Thanh tra Chính phủ về điện mặt trời khi được công bố đã ra tạo cơn “sóng thần” cho các nhà đầu tư bởi trong đó có nhiều điểm ám chỉ việc các nhà đầu tư có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý cho dự án năng lượng tái tạo sai quy định.

“Chúng ta cứ hô hào phải làm sao thu hút vốn tư nhân, thị trường hóa, xã hội hóa, phá bỏ thế độc quyền của EVN, nhưng dường như cơ chế, chính sách lại không hỗ trợ các nhà đầu tư có thể làm điều đó”, ông Sơn nêu cảm nhận.

Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Cần có một chính sách mà nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng đều dự tính được. Việc chính sách thiếu ổn định, nay giá FIT này, mai giá FIT khác khiến nhà đầu tư hoang mang, lo lắng và khó “hút” dòng vốn đầu tư”.

Ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, các doanh nghiệp đang không hành động theo tư duy “kinh tế thị trường” nên mới chờ chính sách. Theo đó, cần coi việc thiếu điện tại miền Bắc là cơ hội đầu tư, kinh doanh chứ không phải nút thắt để kìm hãm sự phát triển. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, nhà đầu tư không nên tự đặt “vòng kim cô” cho mình mà phải chủ động tìm cách vượt qua khó khăn.

Lịch cắt điện Hà Nội 10/6: Nhiều quận thoát cảnh mất điện

Phạm vi cắt điện trên địa bàn TP Hà Nội đã được thu hẹp lại và thời gian mất điện trong ngày 10/6 đã giảm ...

Một doanh nghiệp nhiệt điện sắp chi 492 tỷ trả cổ tức

Kết phiên 9/6, cổ phiếu HND tăng 0,63% lên 15.900 đồng/cp.

"Ém" thông tin quan trọng về trái phiếu, Tân Hoàn Cầu Bến Tre của đại gia Mai Văn Huế bị phạt tiền

Tân Hoàn Cầu Group là tập đoàn lớn của miền Trung, có trụ sở chính tại Quảng Bình, và gắn liền với tên tuổi của ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục