Chuyên gia 'mách nước' giúp doanh nghiệp tránh 'bẫy' lừa đảo trong thương mại quốc tế

(Banker.vn) Hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội giao thương song, doanh nghiệp trong nước cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau trong thương mại quốc tế.
Cảnh báo thủ đoạn giả mạo cán bộ cơ quan thuế để lừa đảo Sập bẫy lừa đảo đầu tư tài chính trên mạng xã hội, nạn nhân mất nhiều tỷ đồng Xuất hiện chiêu trò lừa đảo làm hộ chiếu, visa đi nước ngoài để chiếm đoạt tài sản

Thủ đoạn lừa đảo mới

Nhắc lại những thủ đoạn trong lừa đảo thương mại quốc tế, bà Nguyễn Thị Điệp Hà - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, với thủ đoạn giả mạo doanh nghiệp, đối tượng lừa đảo sẽ lừa doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền để mua nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu và lừa doanh nghiệp Pakistan xuất khẩu nguyên liệu chất lượng thấp sang Việt Nam.

Hành vi này dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam bị chiếm đoạt tiền và doanh nghiệp Pakistan không thể tiêu thụ được lô hàng kém chất lượng tại Việt Nam và cũng không thể lấy lại được lô hàng vì vướng tranh chấp.

Khi vướng phải bẫy lừa đảo, doanh nghiệp cả hai bên đều chịu thiệt hại nặng nề khi chi phí lưu hàng tại cảng, tiền phạt của hãng tàu và tiền cắm điện chạy container lạnh đang tăng lên từng ngày.

Chuyên gia 'mách nước' giúp doanh nghiệp tránh 'bẫy' lừa đảo trong thương mại quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội giao thương song, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau trong thương mại quốc tế. Ảnh minh họa

Để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp hai nước, Thương vụ đã đề xuất 2 doanh nghiệp đàm phán một thỏa thuận để giảm thiểu tổn thất. Một là doanh nghiệp Việt Nam ký quỹ một số tiền để doanh nghiệp Pakistan đồng ý giao hàng hoặc là doanh nghiệp Pakistan ký quỹ một số tiền để doanh nghiệp Việt Nam đồng ý cho tái xuất lô hàng.

Nhưng đề xuất như vậy chẳng khác nào đề nghị doanh nghiệp Việt Nam thanh toán lần 2 cho lô hàng không sử dụng được hoặc đề nghị doanh nghiệp Pakistan mua lại chính lô hàng của mình” - bà Nguyễn Thị Điệp Hà lo ngại và cho biết, vụ việc đang tiếp tục diễn biến theo hướng các ngân hàng liên quan của Việt Nam và Pakistan có nguy cơ sẽ trở thành nạn nhân.

Bởi, đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều nghiệp vụ chuyên môn để gây nhầm lẫn, sai sót cho cả ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Pakistan. Nhờ vậy đối tượng lừa đảo đã vượt qua được các hàng rào an ninh của ngân hàng để mở tài khoản và nhận tiền và rút tiền thành công ra khỏi ngân hàng.

Để mở tài khoản giả mạo doanh nghiệp tại ngân hàng Pakistan đối tượng lừa đảo thành lập một doanh nghiệp tự doanh (PROPRIETORSHIP COMPANY) để lách luật Pakistan về tên doanh nghiệp có thể trùng tên với bất cứ doanh nghiệp nào.

Và để chắc chắn lừa được ngân hàng đối tượng lừa đảo còn bớt đi một dấu gạch ngang trong tên doanh nghiệp. Đáng chú ý, để rút được tiền ra khỏi tài khoản mà không phải xuất trình bộ chứng từ giao hàng và các giấy tờ cần thiết theo quy định nghiêm ngặt của luật Pakistan về thanh toán quốc tế và kiểm soát chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối tượng lừa đảo hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam đưa vào thông báo chuyển tiền của ngân hàng Việt Nam 2 chữ: “ADVANCE PAYMENT” (thanh toán trước).

Theo pháp luật Pakistan và tập quán thanh toán quốc tế doanh nghiệp xuất khẩu không cần và không thể xuất trình bộ chứng từ giao hàng khi rút khoản tiền thanh toán trước mang tính chất đặt cọc để triển khai thực hiện việc giao hàng.

Tuy nhiên, căn cứ vào các nội dung khác của thông báo chuyển tiền của ngân hàng Việt Nam và các quy định khác về quản lý thanh toán quốc tế của Việt Nam và Pakistan thì cả ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Pakistan đều có nguy cơ phải chịu trách nhiệm vì đã có nhầm lẫn, sai sót.

Ngân hàng Việt Nam đã không kiểm tra hợp đồng xuất khẩu và hóa đơn thanh toán hàng xuất khẩu trong đó ghi rõ số tiền chuyển ra nước ngoài là: “BALANCE PAYMENT/REMAINING BALANCE” (tất toán) nên đã sai sót đưa vào thông báo chuyển tiền 2 chữ: “ADVANCE PAYMENT” (thanh toán trước), tạo kẽ hở cho đối tượng lừa đảo rút được tiền ra khỏi ngân hàng Pakistan.

Ngân hàng Pakistan đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tìm hiểu khách hàng và giám sát hoạt động thanh toán theo quy định thanh toán quốc tế (URC 522, URBPO 750) và quy định KYC-CDD (KNOW YOUR CUSTOMER-CUSTOMER DUE DIGILANCE) của Ngân hàng Nhà nước Pakistan.

Đối với cơ quan Thương vụ, thật đáng tiếc là Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã thua đối tượng lừa đảo mặc dù đã phát hiện được đối tượng và thủ đoạn lừa đảo, đã kịp thời cảnh báo và kiến nghị chấm dứt quan hệ với đối tượng lừa đảo nhưng doanh nghiệp Việt Nam đã không xem xét thông tin cảnh báo và không thực hiện kiến nghị của Thương vụ.

Lời cảnh báo đối với các cơ quan Thương vụ là thủ đoạn lừa đảo này nguy hiểm ở chỗ doanh nghiệp sở tại cũng bị lừa. Vì vậy nếu Thương vụ đến trụ sở đối tác và đến ngân hàng thẩm tra xác minh khi nhận được đề nghị hỗ trợ thẩm tra xác minh đối tác của doanh nghiệp Việt Nam thì nguy cơ chính Thương vụ cũng bị lừa theo rất cao vì tất cả thông tin đối tác đều là thật.

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan phát hiện kịp thời được đối tượng và thủ đoạn lừa đảo mới này là nhờ có một chút may mắn: Ngay trước đó đối tượng lừa đảo đã dùng chính thủ đoạn lừa đảo này để lừa doanh nghiệp Việt Nam nhưng đối tác Pakistan không bị lừa và đã phối hợp với Thương vụ vạch mặt kẻ lừa đảo.

Doanh nghiệp cần làm gì để tránh bẫy lừa đảo quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã mở ra nhiều cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau trong thương mại quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, trong những năm gần đây, những vụ lừa đảo quốc tế không hiếm và đã lan rộng ra khắp nơi. Các vụ lừa đảo hầu như đều xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ hoặc quá tin tưởng vào đối tác. Trong khi đó, nhiều đối tượng nước ngoài có sự lừa đảo khá tinh vi, khiến doanh nghiệp dễ dàng tin tưởng, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, ít đơn hàng như hiện nay.

Để bảo vệ quyền lợi, trước hết doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác và phải tự bảo vệ chính mình, bằng cách phối hợp với các Cơ quan Thương vụ, Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài để xác minh đối tác. Cùng đó, nhà nước cũng cần có thêm cơ chế hỗ trợ cho các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài để nâng cao năng lực hơn nữa, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Chuyên gia 'mách nước' giúp doanh nghiệp tránh 'bẫy' lừa đảo trong thương mại quốc tế
Để bảo vệ quyền lợi, trước hết doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác và phải tự bảo vệ chính mình, bằng cách phối hợp với các Cơ quan Thương vụ, Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài để xác minh đối tác. Ảnh minh họa

Ông Châu Văn Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chỉ rõ, nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC và nhiều trường hợp trong số đó, doanh nghiệp Việt là bên chịu bất lợi.

Qua những vụ việc tranh chấp thương mại với đối tác nước ngoài, ông Châu Văn Bắc khuyến cáo doanh nghiệp cần xem xét kỹ với hợp đồng giá trị lớn, đối tác tìm kiếm qua mạng. Ngoài ra, trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, liên hệ các Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại hoặc kiêm nhiệm để được hỗ trợ thêm thông tin về đối tác. Mặt khác, doanh nghiệp nên chú ý điều khoản về chế tài trong hợp đồng ký kết, tính đến rủi ro có thể phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện giao dịch.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng, bộ, ban, ngành liên quan tới cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp cho doanh nghiệp thông tin, kinh nghiệm trong giao dịch thương mại quốc tế.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ triển khai hoạt động liên quan đến đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại quốc tế. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng giao cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình thị trường cũng như khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Thương vụ cũng sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp xác minh thông tin liên quan đến đối tác, bạn hàng mà doanh nghiệp đang tiến hành giao dịch quốc tế.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương