Cơ hội giúp Chính phủ chống tham nhũng
Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai” - TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho hay, tại Việt Nam thanh toán không tiền mặt tăng tương đối nhanh. Về số lượng giao dịch tăng đến 70% trong 3 năm, giá trị giao dịch tăng 35%.
“Chúng ta đang nhanh hơn khu vực (châu Á - Thái Bình Dương chỉ xoay quanh 20- 25%). Vì sao lại như vậy? Chúng ta phải nhìn thấy nhờ cơ chế chính sách thúc đẩy của Ngân hàng Nhà nước trong những năm qua. Bên cạnh đó, ở Việt Nam cho phép các hình thức thanh toán tương đối khác nhau, đa dạng như: thẻ, ví điện tử, mobile… " - ông Lực phân tích.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt là phương án chống tham nhũng hiệu quả |
Cũng theo vị chuyên gia, Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển thanh toán không tiền mặt nói chung. Dẫn số liệu, ông Lực cho hay, năm 2022, thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch cá nhân của Việt Nam vẫn chiếm đến 47%, tương đương Indonesia. Như vậy, còn nhiều dư địa để giảm thanh toán bằng tiền mặt xuống bằng Malaysia, Ấn Độ 30%.
“Năm nay có 3 luật quan trọng là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và nhà ở được thông qua, chúng tôi đều tư vấn thanh toán không tiền mặt trong các giao dịch khi 3 luật này thực thi. Hiện nay, giới trẻ đa số ưa thanh toán không tiền mặt, "sính nhất" QR code, ví điện tử. Đây là bài toán thách thức với thẻ. Thẻ nằm trong hệ sinh thái, vai trò, vị trí của thẻ giữ ở đâu và thế nào? Cơ quan nhà nước sẽ định vị. Chúng ta nên tham khảo Ấn Độ, Trung Quốc là 2 mô hình thú vị. Muốn phát triển thẻ nội địa, trong đó có thẻ tín dụng nên cân nhắc” - ông Lực nói.
Trong nước, ông Lực cho hay, hành lang pháp lý, định hướng của Ngân hàng Nhà nước rất rõ, nghị định, thông tư rất rõ về thanh toán không tiền mặt, tuy nhiên cần phải làm nhanh hơn.
“Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng, cũng là cơ hội giúp cho Chính phủ chống tham nhũng. Đây là phương án chống tham nhũng hiệu quả thứ hai” - TS. Lực nhấn mạnh.
Ngoài ra, với thông tin dữ liệu, theo vị chuyên gia đây là vấn đề luôn đau đáu của người dân, doanh nghiệp, ngân hàng.
“Bây giờ có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ sở này tiếp tục hoàn thiện, nếu tích hợp mọi thứ có được không? cơ sở có đảm bảo không? Năng lực có đảm bảo hơn? Chúng ta về lâu về dài phải tích hợp nhưng phải đồng bộ. Phải làm sao tiện lợi, chi phí thấp. Liên quan đến thẻ, tôi mong nghiên cứu thẻ gắn với xu hướng thanh toán số, kể cả tiền kỹ thuật trong tương lai” - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đề xuất thêm.
Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai” |
GenZ sẽ ưu tiên sử dụng thẻ tín dụng nội địa, như khẳng định “Người Việt dùng hàng Việt”
Chia sẻ về tiềm năng phát triển thị phần và sản phẩm thẻ phục vụ nhóm khách hàng trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank cho biết, sản phẩm của Vietcombank đáp ứng sự yêu thích tự do và thể hiện cá tính của giới trẻ Vietcombank luôn theo đuổi định hướng lấy khách hàng làm trọng tâm và cho ra đời nhiều sản phẩm dịch vụ để phục vụ nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Trong đó, nhóm khách hàng trẻ là đối tượng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Hiện nay, nhóm khách hàng trẻ chiếm hơn 50% tập khách hàng trung cấp của Vietcombank.
“Nhóm khách hàng Gen Z luôn yêu thích và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, có hứng thú với công nghệ số, mong muốn khẳng định phong cách cá nhân và sự độc lập của mình. Do đó, Vietcombank chú trọng vào việc phát triển sản phẩm dịch vụ đa dạng để đáp ứng những nhu cầu riêng của nhóm này trên tất cả các kênh, đặc biệt kênh số” - bà Oanh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank cho rằng, nhóm khách hàng Gen Z luôn yêu thích và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi |
Cũng nói về tệp khách hàng trẻ, ông Lê Phương Hải, Phó tổng giám đốc VietCredit cho hay, tệp khách hàng của đơn vị này định vị hướng tới là người làm công ăn lương, sinh viên, hộ kinh doanh cá thể… có thu nhập chưa cao, chưa ổn định hoặc mới bước đầu có thu nhập.
“Trong đó, sinh viên là phân khúc có tỷ lệ trả nợ tốt nhất. Hạn mức cho sinh viên là 5 triệu đồng, mức trả thấp nhất hàng tháng 300.000 đồng” - ông Hải nói.
Việc để sinh viên tiếp cận với thẻ tín dụng từ sớm, biết thế nào là vay nợ, trả nợ, theo ông Hải sẽ giúp các em có thể đương đầu với bài toán lớn hơn khi bước vào đời.
Bên cạnh những ưu điểm, ông Hải chỉ ra khó khăn khi tiếp cận đối tượng khách hàng sinh viên. Cụ thể, nếu làm theo phương thức trực tiếp thì chi phí khá lớn so với hạn mức chỉ 5 triệu đồng. Hạn mức như vậy không đem lại doanh thu lớn. Tuy nhiên, với sự góp sức công nghệ, chuẩn hóa căn cước công dân quốc gia, xác thực bằng chữ ký, đơn vị này tiết kiệm được nhiều chi phí thẩm định.
Ông Hải chia sẻ thông tin gây bất ngờ, với sinh viên, công ty ông không cần quản lý nhiều, nhưng nợ quá hạn lúc nào cũng dưới 1%. “Các em quản lý chi tiêu tốt hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Trong khi đó, nhóm thu nhập cao, sống ở thành thị có nợ lớn hơn” - ông Hải nói.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Anh Tuấn tin rằng, xu hướng thanh toán trong tương lai của giới trẻ Việt Nam, các bạn thế hệ Gen Z+ sẽ có cái nhìn đúng và ưu triên sử dụng thẻ tín dụng nội địa, như để khẳng định “Người Việt dùng hàng Việt”.
Ngân Thương
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|