Chuyên gia kinh tế lạc quan về dòng vốn FDI vào Việt Nam

(Banker.vn) GS. TSKH Nguyễn Mại lạc quan về dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2025, dù bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thay đổi.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 Quảng Ninh: Thu hút FDI tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế Nhận diện xu hướng FDI vào Việt Nam trong năm 2025

Việt Nam vẫn là điểm đến "vàng"

Quý I/2025, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, FDI vào Việt Nam trong quý I/2025 tăng đều trên cả dòng vốn FDI đăng ký tăng thêm, vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và vốn giải ngân.

Trong đó, điển hình là vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đã cấp phép đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần cùng kỳ năm 2023; vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,49 tỷ USD, tăng 83,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

GS, TSKH Nguyễn Mại: Lạc quan về FDI vào Việt Nam
Vốn FDI giải ngân tại Việt Nam trong quý I/2025 đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa

Vốn FDI giải ngân tại Việt Nam trong quý I/2025 đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính): Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất ba tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,05 tỷ USD, chiếm 81,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.

Dự báo về dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong những tháng tới, GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - vẫn lạc quan với dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2025. Sự lạc quan này không phải không có cơ sở, vì nhìn vào kết quả thu hút FDI quý I/2025 cho thấy, mọi con số đều tăng trưởng rất nhanh. Trong đó, đặc biệt là vốn FDI giải ngân và vốn FDI tăng thêm của các dự án cũ. Điều đó cho thấy nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Cũng theo chia sẻ của GS. TSKH Nguyễn Mại, hiện có khoảng 13 - 14 dự án FDI về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, khai thác đất hiếm với tổng số vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD đang lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

"Đây là những dự án rất quan trọng và theo đúng định hướng của Chính phủ Việt Nam thời gian qua. Tôi rất lạc quan với cơ hội thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới’"- GS. TSKH Nguyễn Mại khẳng định.

Đặc biệt, theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam đang hưởng lợi rất lớn từ chính sách chuyển dịch chuỗi cung ứng khu vực đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong tổng số gần 200 dự án dịch chuyển của các doanh nghiệp Nhật Bản sang khu vực ASEAN trong năm 2024, có tới 90 dự án được dịch chuyển sang Việt Nam.

Cũng lạc quan về dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2025, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho rằng: Trước mắt, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư đang được các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến, nhờ những lợi thế về cơ chế, chính sách, chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

GS, TSKH Nguyễn Mại: Lạc quan về FDI vào Việt Nam
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư đang được các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến, nhờ những lợi thế về cơ chế, chính sách, chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Ảnh minh họa

Tận dụng cơ hội, vững vàng trước thách thức mới

Mặc dù rất lạc quan về môi trường đầu tư Việt Nam, tuy nhiên, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam vẫn nên thận trọng trước những diễn biến mới của nền kinh tế, thương mại toàn cầu. Đồng thời, cần thận trọng theo dõi những biến động của nền kinh tế, thương mại thế giới để có sự điều chỉnh và ứng phó kịp thời với những tình huống mới, bối cảnh mới.

Cũng dự báo về cơ hội thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, còn quá sớm để khẳng định dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ chịu tác động như thế nào, nhất là trong bối cảnh chính sách thuế đang có nhiều thay đổi.

Ông Nguyễn Bá Hùng cũng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng đầu tư dài hạn. Do đó, để tác động đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp, phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và nguồn lao động…

Theo đó, để "giữ chân" nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng điện; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thu hút, cấp phép đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tăng thêm sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp… Nếu đáp ứng được những yêu cầu đó, Việt Nam không chỉ hấp dẫn được dòng vốn FDI bền vững mà còn gia tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Đồng tình với quan điểm này, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, những năm gần đây, Việt Nam đã rất tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực thì những chính sách thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, với Indonesia, các dự án FDI từ 70 triệu USD trở lên và giải quyết được việc làm cho từ 300 lao động thì được phê duyệt rất nhanh trong 1 - 2 ngày. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam đang bắt đầu mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ thông tin cho đến năm 2030, nhưng các quốc gia khác đã thực hiện rồi. Vì thế, để tăng sức hấp dẫn với FDI, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng Việt Nam cần nhanh hơn nữa trong triển khai các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong quý I/2025, Việt Nam ghi nhận có 401 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn FDI tăng thêm đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục