Chuyên gia khuyến cáo gì sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội?

(Banker.vn) Sau vụ cháy chung cư mini xảy ra ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đặt ra câu hỏi làm thế nào để hạn chế rủi ro tối đa về cháy nổ?
Bộ Y tế đề nghị bệnh viện tập trung cứu chữa nạn nhân vụ cháy chung cư mini, chưa thu phí Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy khuyến cáo, đăng thông tin hướng dẫn sau vụ cháy chung cư mini Vụ cháy chung cư Hà Nội: Ngẫm về chiếc thang dây cứu sống 4 người thoát “án” tử?

Làm rõ nguyên nhân tại sao việc cháy nổ xảy ra liên tiếp

Ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đánh giá vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy được xử lý nghiêm, song cũng nhấn mạnh số vụ cháy, số người chết do cháy tăng mạnh.

Phát biểu về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, chúng ta đã nói nhiều nhưng thấy rằng tình hình các vụ cháy xảy ra liên tục và nghiêm trọng. Tình hình cháy nổ trên phạm vi cả nước diễn biến rất phức tạp.

Trong năm 2023, mới có 8 tháng đã xảy ra 2.031 vụ cháy, tăng tới 38% và làm 83 người chết, tăng 48%. Qua theo dõi, có thời điểm xảy ra liên tiếp các vụ cháy dẫn đến 3-4 người cùng 1 gia đình chết do cháy nổ.

Theo báo cáo của Chính phủ, cả nước hiện còn trên 38.000 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy và khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy.

Đây là câu chuyện chúng ta thấy các ngành đã ra rất nhiều văn bản và có những biện pháp mạnh chỉ đạo nhưng số cơ sở đưa vào sử dụng còn vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy còn tương đối nhiều - bà Nguyễn Thị Thanh nêu.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, chúng ta phải tiếp tục xem nguyên nhân tại sao số lượng các cơ sở và tình trạng vi phạm cũng như việc cháy nổ xảy ra liên tiếp và còn nhiều đến như vậy. Đồng thời, đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân và hiệu quả của các biện pháp trong phòng, chống cháy nổ thời gian qua.

Liên quan đến tình trạng cháy nổ trong thời gian vừa qua gia tăng, đặc biệt có nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng, ông Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, ngay tối hôm qua vụ cháy một chung cư mini ở phường Khương Đình gây hậu quả rất nặng nề. Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Bộ Công an đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo Công an Hà Nội khẩn trương dập tắt đám cháy và cứu người bị nạn.

Về thiệt hại, mặc dù số liệu hiện nay Công an Hà Nội đang thống kê nhưng rất nặng nề, số người chết và số người bị thương ở các bệnh viện hiện nay rất lớn.

Sáng nay, Bộ Công an đã có báo cáo nhanh đầu giờ với đồng chí Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, Thường trực Ban Bí thư để nắm tình hình. Đồng thời, sáng nay lãnh đạo Bộ cũng đã họp với Công an Hà Nội và các Bộ, sở, ngành để chỉ đạo giải quyết vụ việc- ông Lê Văn Tuyến cho hay.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong việc tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy theo chức năng của các cơ sở kinh doanh có điều kiện cũng như các cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí Công an các địa phương đã đình chỉ hoạt động của một số đơn vị không đảm bảo. Theo số liệu, trên 38.000 cơ sở tồn tại chưa khắc phục được

Vừa qua, Bộ Xây dựng tham mưu ban hành một tiêu chuẩn mới về phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, những tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cao hơn.

Mặc dù, đã rất cố gắng nhưng nếu đình chỉ hết các cơ sở này cũng rất khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, doanh nghiệp. Bộ Công an đã bàn với Bộ Xây dựng để tháo gỡ những việc này.

"Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với Bộ Xây dựng để có hướng tháo gỡ, mặc dù nếu theo tiêu chuẩn chưa đảm bảo, nhưng nếu đình chỉ hoạt động cũng rất khó khăn" - ông Tuyến nói.

Cần phải nghiên cứu và đề ra các giải pháp khả thi

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương chiều ngày 13/9, Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, qua vụ cháy ở chung cư mini ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội khẳng định, chủ trương của Bộ Công an vừa qua phát động phong trào phòng cháy, chữa cháy trên toàn quốc là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp.

Cháy chung cư mini ở Hà Nội
Hình ảnh từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Ông Vinh cho rằng, đối với các nhà chung cư, khi đã xảy ra cháy thì dù có thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ cũng không thể nào xử lý được mà bắt buộc phải có các giải pháp tập trung hơn. Ví dụ, có các biện pháp thang cao đưa người dân xuống, nhưng các ngõ nhỏ của chúng ta hiện không đủ điều kiện. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu các thiết bị gọn nhẹ và các ngõ nhỏ có thể bắt thang lên được, để cứu được người nhiều hơn.

Đặc biệt, đối với các chung cư mini, phải có lối thoát hiểm thứ hai.Bộ Xây dựng nên có hướng dẫn và cho phép các nhà cao tầng, được phép lắp lối thoát hiểm thứ hai bên ngoài không gian trước mặt nhà, gần đến mặt đất (cách mặt đất khoảng 5m để người dân bên dưới vẫn có thể đi lại bình thường không bị ảnh hướng), để khi có sự cố, người ở tầng 1 chỉ cần móc thang sn vào, người trên sẽ xuống được - ông Vinh đề xuất.

Cũng theo Luật sư Nghiêm Quang Vinh, hiện nay đa số các chung cư, nhà cao tầng đều có 3 mặt giáp nhà, chỉ còn 1 mặt giáp đường, vì vậy nên cho phép sử dụng không gian này, có thể về mặt hình thức nhìn không có mỹ quan, nhưng lại cứu sống được nhiều người và có lối thoát hiểm thứ hai cho các nhà ở ngoài mặt phố hay nhà ở các khu vực xây theo kiểu nhà liền kề.

Bên cạnh đó, hiện nay, ở Hà Nội, mọi khu phố đều xây dựng các “tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” và các địa điểm phòng cháy công cộng, có các bình cứu hỏa, tuy nhiên, những giải pháp này chỉ có tác dụng với các đám cháy nhỏ, còn với các đám cháy lớn đều không hữu ích.

Do đó, phương án cứu hỏa tập trung bằng phương tiện cứu hỏa của nhà nước ở các khu vực ngõ nhỏ, xóm nhỏ, đường nhỏ, Bộ Công an cần phải nghiên cứu và đề ra các giải pháp khả thi để có thể sử dụng được. “Các vụ hỏa hoạn có nguy cơ ngày càng tăng, do người dân sử dụng ngày càng nhiều các thiết bị điện, xe khác nhau, thậm chí bây giờ còn có xe máy điện, ô tô điện, pin điện, trạm sạc điện… - ông Vinh lưu ý.

Về phía người dân, ông Vinh cũng bày tỏ, hiện nay, người dân đều rất sợ cháy, lo cháy nhưng còn bàng quang, cho nên không chịu học hỏi, nghiên cứu. 90% số người dân không biết sử dụng bình cứu hỏa. Theo đó, cần tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân và nhất là các học sinh, sinh viên các trường về vấn đề này.

Ngoài ra, với các hộ gia đình, khi ra khỏi nhà nên tắt hết các thiết bị điện và khi xây dựng, phải lắp dây điện có đường kính phù hợp, không nên tiết kiệm sẽ dẫn đến việc các dây điện quá tải gây nóng, cháy…

Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: Tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy rất cần thiết, nhưng tuyên truyền chưa đủ, cần phải nghiên cứu có các giải pháp kỹ thuật và các chủ trương để tạo lối thoát hiểm thứ hai ở các tòa nhà cao tầng.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương