Chuyên gia hiến kế giúp doanh nghiệp tư nhân xây dựng thương hiệu

(Banker.vn) Nhiều doanh nghiệp tư nhân vươn lên mạnh mẽ, trở thành những thương hiệu quốc gia tiêu biểu, có sức lan tỏa và được thị trường trong nước và quốc tế ghi nhận.
Doanh nghiệp tư nhân được hành nghề công chứng: Vẫn còn nhiều băn khoăn Doanh nghiệp tư nhân: Đừng 'ham' đa ngành khi nguồn lực yếu Gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân chờ cú huých từ Chính phủ

Doanh nghiệp tư nhân - trụ cột mới của thương hiệu quốc gia

Năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam với chủ đề “Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo”. Thông qua chủ đề này, Bộ Công Thương mong muốn thúc đẩy một làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, nâng cao giá trị thương hiệu, từ đó nâng tầm vị thế của thương hiệu quốc gia Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Trên thực tế, đóng góp vào thành công chung của chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong những năm qua là sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành và bền bỉ của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Những năm qua, các doanh nghiệp tư nhân với tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, đã tiên phong đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ, chất lượng sản phẩm và chiến lược thương hiệu để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ không chỉ đạt chất lượng cao, mà còn mang đậm bản sắc Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp tư nhân bứt phá, thương hiệu quốc gia thêm đà
Doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Ảnh: Hoàng Tuấn

Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, doanh nghiệp tư nhân có đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia.

Ông Tuấn phân tích, người dân của quốc gia này biết đến quốc gia khác thông qua những sản phẩm mà họ sử dụng, những hình ảnh, tên tuổi doanh nghiệp mà họ biết đến qua truyền thông, báo đài, internet.

“Rất nhiều người Việt Nam chưa từng đi nước ngoài, nhưng lại ấn tượng về một Nhật Bản đẹp, sản phẩm hàng hóa chất lượng, giá trị cao” - ông Tuấn dẫn chứng và cho rằng, hàng hóa Việt Nam, những sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang hiện diện ở 200 quốc gia trên thế giới, cũng đã tạo dựng hình ảnh quốc gia rất lớn.

Các doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam là những đại sứ về thương hiệu, là người truyền bá những giá trị tốt đẹp nhất của đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, nếu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam tốt, chất lượng cao, giá cả phù hợp thì sẽ xây dựng được hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia tốt. Ngược lại, sẽ tạo ra cảm xúc tiêu cực cho người dùng và ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm không chỉ đơn thuần là của riêng doanh nghiệp mà còn là xây dựng uy tín, tạo niềm tin cho quốc gia.

Doanh nghiệp tư nhân bứt phá, thương hiệu quốc gia thêm đà
Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm không chỉ đơn thuần là của riêng doanh nghiệp mà còn là xây dựng uy tín, tạo niềm tin cho quốc gia. Ảnh: Minh Tú

Tương tự, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng chia sẻ, nếu nhìn rộng ra dưới góc độ kinh tế xã hội thì các sản phẩm, dịch vụ mà chúng ta đang dùng phần lớn được cung cấp bởi các doanh nghiệp tư nhân. Chưa kể, tỷ trọng việc làm do khối doanh nghiệp tư nhân tạo ra đang chiếm đa số; các hoạt động an sinh xã hội cũng đều có bóng dáng của khối doanh nghiệp tư nhân…

Như vậy, có thể khẳng định rằng, doanh nghiệp tư nhân có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia.

Tư nhân bứt phá, thương hiệu quốc gia thêm đà

Các nền kinh tế đang phát triển, kinh tế tư nhân chiếm 70%, thậm chí đến 90% GDP, trong khi đó ở Việt Nam con số này chỉ ở khoảng 50% - tương đối thấp. Nhìn nhận thực tế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, mức độ đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.

Chẳng hạn, nếu tính doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hiện tại chỉ đóng góp khoảng hơn 20% vào tăng trưởng GDP. Tính cả hộ kinh doanh, cá nhân, tổ chức kinh doanh thì con số đạt khoảng 51% GDP.

Dưới góc độ xuất khẩu, năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu đạt hơn 400 tỷ USD, nhưng khu vực doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 72% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, sự đóng góp của doanh nghiệp tư nhân còn rất nhỏ bé, mặc dù tiềm năng rất lớn.

“Chúng ta phải xác định rằng, một nền kinh tế thì phải dựa vào khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Doanh nghiệp tư nhân là giường cột, là sức mạnh của một nền kinh tế. Phát triển kinh tế phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước” - ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm và cho rằng, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ và trở thành những trụ cột quan trọng hơn nữa của nền kinh tế là công việc ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, làm được điều đó, ông Tuấn đặt câu hỏi: “Giải pháp nào để doanh nghiệp Việt Nam muốn lớn, chịu lớn?”.

Khu vực kinh tế tư nhân có ba khu vực chính: doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế cá thể và khu vực kinh tế tập thể. Để có nhiều hơn doanh nghiệp tư lớn, phải thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ phát triển. Nhưng thực tế, nhiều hộ kinh doanh chỉ chọn mô hình hộ, ngại lớn lên bởi sự “phiền phức” và chi phí vận hành lớn.

Chính vì vậy, để có vài triệu doanh nghiệp tư nhân thì phải tạo động lực, cơ chế đủ mạnh để các hộ kinh doanh, khu vực kinh tế cá thể, tập thể lớn lên, trở thành doanh nghiệp lớn. Giải pháp trước mắt là cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, không gây phiền hà… cho doanh nghiệp.

Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, có lẽ giải pháp đầu tiên mà như Tổng Bí thư đã nói là phải tháo bỏ điểm nghẽn của điểm nghẽn, tạo đột phá của đột phá về thể chế. “Khi chúng ta gọi điểm nghẽn - quy định luật pháp chồng chéo là điểm nghẽn của điểm nghẽn thì giải pháp của nó không phải như lâu nay là chúng ta hoàn thiện nó, vì chúng ta không thể hoàn thiện điểm nghẽn được nữa, cho nên phải bỏ, rồi mới đến hoàn thiện.

Có nghĩa rằng, chúng ta phải mạnh dạn - có thể rất đau, nhưng bỏ đi những luật không cần thiết, những nghị định thực sự đang là rào cản, cản tự do kinh doanh, cản đổi mới sáng tạo, cản huy động nguồn lực và cản phát triển đất nước, nên chúng ta phải bỏ”- TS Nguyễn Đình Cung hiến kế.

Về phía Bộ Công Thương, đưa ra giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển cũng như thúc đẩy kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững của doanh nghiệp tư nhân.

Cùng với đó, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Phải thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường vai trò của các tổ chức hội, hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững…

Trải qua hơn 20 năm triển khai, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã không ngừng lan tỏa, góp phần nâng tầm nhận thức của các cấp, ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và của xã hội về vai trò của thương hiệu trong phát triển kinh tế. Và trong hành trình đó, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí có thể nói là lực lượng chủ lực trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Hoàng Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục