Chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số |
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khoảng hơn 90% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số, và hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu.
Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy, Giảng viên cấp cao, Chủ nhiệm cấp cao chương trình Tiến sĩ, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho biết thêm, ngoài hạn chế về mặt nhận thức, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn cản trở quy trình chuyển đổi số, bao gồm vấn đề về tài lực, nhân lực có kĩ năng số, năng lực quản trị, bảo mật thông tin...
Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy, Giảng viên cấp cao, Chủ nhiệm cấp cao chương trình Tiến sĩ, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam |
Do đó, chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số nên bắt đầu bằng việc đánh giá kĩ lưỡng và sâu sắc hiện trạng tổ chức của họ, bao gồm tư duy số của chính bản thân lãnh đạo, nhằm có thông tin đầy đủ để lập lộ trình chuyển đổi hợp lý.
Tư duy số ở đây được định nghĩa bằng sự kết hợp của tư duy kinh doanh (khả năng ra quyết định và mạo hiểm), tư duy thị trường (khả năng thấu hiểu khách hàng và thiết kế sản phẩm phù hợp), và tư duy học hỏi (khả năng cởi mở đón nhận cái mới và thử thách cái cũ). Cả ba loại tư duy này cần hiện hữu cùng lúc để người chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể ra quyết định và lèo lái hành trình chuyển đổi số của tổ chức mình.
“Hiểu rõ được tư duy số của chủ doanh nghiệp là quan trọng vì một lợi thế đặc biệt của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chính là khả năng ra quyết định và chuyển biến nhanh nhẹn, đặc biệt khi chủ doanh nghiệp là người nắm quyền kiểm soát vận hành và có mối quan tâm mạnh mẽ về sự thành công của doanh nghiệp mình”, TS. Duy nói.
Bên cạnh đó, việc đánh giá hiện trạng tổ chức của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên tập trung vào ba loại năng lực quan trọng, bao gồm năng lực cảm nhận (hiểu rõ được tình hình nội bộ cũng như nắm bắt được các cơ hội trong thị trường), năng lực nắm bắt cơ hội chuyển đổi số và năng lực chuyển đổi.
Theo TS. Duy, khi phát triển ba loại năng lực này, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể thực hiện tốt các hoạt động cần thiết cho chuyển đổi số, ví dụ như thực hiện kiểm toán nội bộ để xác định hạ tầng kĩ thuật của tổ chức, mở rộng mối quan hệ qua các hoạt động giao lưu kết nối, xác định các hoạt động kinh doanh nào là cốt lõi và hoạt động nào nên thuê ngoài, và tiến hành thử nghiệm các dự án chuyển đổi số nhanh và nhỏ thay vì các dự án lớn và tốn nhiều tài nguyên.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022. |
Trang Trịnh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|