Chuyên gia gợi ý nhóm ngành triển vọng đáng đầu tư trong thời gian tới

(Banker.vn) Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI cho biết, nhà đầu tư cần chắt lọc cơ hội đầu tư. Nhóm ngành phòng thủ tốt trong thời gian tới, ông Hưng vẫn ưa thích ngành điện, bởi khả năng có tăng trưởng và hoạt động tốt quý 4 vẫn cao, hiện nay áp lực tăng giá điện cũng có. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng điều này xảy ra trong quý 4, nếu xảy ra, thì lợi nhuận nhóm này sẽ rất khá.

Trong Bí mật Đồng Tiền số 43 với chủ đề "Đại hội phái 'mạnh' trên thị trường chứng khoán", host Ngọc Trinh, BTV Hoàng Nam và Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI, cùng chị Nguyễn Thị Thu Dung - Giám đốc Kinh doanh - Hội sở, Công ty CP Chứng khoán SSI đã bàn luận chuyện phái nữ đầu tư và các cơ hội đầu tư trong thời gian tới.

Chuyên gia gợi ý nhóm ngành triển vọng đáng đầu tư trong thời gian tới

Ông Phạm Lưu Hưng cho biết, nhà đầu tư cần chắt lọc cơ hội đầu tư. Nhóm ngành phòng thủ tốt trong thời gian tới, ông Hưng vẫn ưa thích ngành điện, bởi khả năng có tăng trưởng và hoạt động tốt quý 4 vẫn cao, hiện nay áp lực tăng giá điện cũng có. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng điều này xảy ra trong quý 4, nếu xảy ra, thì lợi nhuận nhóm này sẽ rất khá.

Chuyên gia gợi ý nhóm ngành triển vọng đáng đầu tư trong thời gian tới
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI Research.

Còn với ngành nước, có 3 trong 4 doanh nghiệp trong ngành đã công bố nhận lợi nhuận sau thuế giảm. Đây cũng là nhóm có thanh khoản không quá nổi bật, chỉ có TDM và BWE thoả mãn tiêu chí để nhiều nhà đầu tư đưa vào theo dõi. Trong đó, TDM có doanh thu tăng trưởng, nhưng lợi nhuận giảm trong 9 tháng đầu năm 2022 chủ yếu không có khoản cổ tức từ BWE. Tương tự, nhìn BWE, tổng sản lượng tiêu thụ vẫn tăng trưởng, doanh thu và lợi nhuận tương tự.

Bà Nguyễn Thị Thu Dung đánh giá, BWE hưởng lợi từ tốc độ đô thị hoá cao và đẩy mạnh bất động sản khu công nghiệp ở Bình Dương, là đơn vị có tỷ lệ thất thoát nước thấp chỉ 5%, trong khi trung bình ngành 15-17%. Để tiếp tục duy trì tăng trưởng thì ngoài các yếu tố như trên, BWE cũng có kế hoạch M&A thêm doanh nghiệp trong ngành.

Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành nước có tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tầm 5-8%, nếu thị trường tăng trưởng thì dòng tiền có thể không ưu tiên lựa chọn, nhưng khi thị trường giảm như hiện nay thì với doanh nghiệp liên tục tăng trưởng, khi giá cổ phiếu điều chỉnh sẽ lại hấp dẫn nhà đầu tư.

"Trong quý 4, có những doanh nghiệp dù kết quả kinh doanh tăng so với cùng kỳ nhưng giá cổ phiếu vẫn neo ở vùng phù hợp, là cơ hội khi thị trường điều chỉnh. Chẳng hạn, nhóm cổ phiếu phân bón, hoá chất vẫn tạo ra cơ hội từ nay tới cuối năm", bà Dung chia sẻ.

Theo bà Dung, phân bón hay chạy theo giá hàng hoá, với việc giá dầu giảm không như kỳ vọng, OPEC cũng có thể can thiệp để giữ giá dầu ở mức cao, nên kỳ vọng vào nhóm hàng hoá cũng khá hơn.

Ngoài ra, bà Dung cho rằng, cũng có thể xem xét ngành bất động sản khu công nghiệp, nhưng cần phải chắt lọc. Chẳng hạn, với khu vực miền Bắc thiên về ngành công nghệ, miền Nam là dệt may, da giày, gỗ… Xu hướng dòng vốn FDI vẫn dịch chuyển từ Trung Quốc sang quốc gia khác, nhưng sẽ chậm lại và không tập trung nhiều vào các ngành truyền thống như dệt may, gỗ, thay vào đó là công nghệ. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có đất sẵn sàng cho thuê, chọn cổ phiếu dẫn dắt, tăng trưởng đi trước thị trường như IDC, BCM… và né tránh cổ phiếu đang có những thông tin chưa rõ ràng ở thời điểm này.

Với nhóm ngành công nghệ, như FPT, theo bà Dung, báo cáo kết quả kinh doanh đang tăng trưởng tốt ở mọi thị trường, nếu cổ phiếu này điều chỉnh thêm một chút nữa sẽ là cơ hội đầu tư.

Với nhóm ngành bán lẻ có kết quả kinh doanh quý 3 khá tốt. Yếu tố mùa vụ của nhóm này trong quý 4 là tích cực.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư đối với riêng cổ phiếu PVD trong nhóm cổ phiếu dầu khí, bà Dung cho rằng, trong bối cảnh tăng lãi suất và tỷ giá như hiện nay, PVD có khoản nợ bằng USD giá trị tương đương 3.600 tỷ đồng, nên trong nửa đầu năm, dù có tăng trưởng doanh thu, nhưng lợi nhuận ghi nhận số âm, trong đó lỗ tỷ giá 67 tỷ đồng (lỗ cao hơn cùng kỳ 60 tỷ đồng). Chưa kể, PVD có khoản nợ xấu của CrisEnergy, nếu năm nay PVD phải dự phòng khoản này thì kết quả sẽ không tích cực.

Không chỉ PVD, nhiều doanh nghiệp có vay lớn bằng đồng USD và không nhận diện kịp biến động nhanh về tỷ giá, cũng sẽ đối diện với rủi ro, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh năm nay.

Ông Hưng chia sẻ thêm, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hay hỏi liên quan tỷ giá. Mọi người đang nhìn tỷ giá theo hướng một chiều, với diễn biến hiện nay thì đang cho là tiêu cực.

"Các nhà đầu tư mới chỉ nhìn tỷ giá giữa tiền Việt và đồng USD, chứ chưa nhìn rộng ra mức độ mất giá các đồng tiền khác trên thế giới so với đồng USD lớn hơn nhiều. Do đó, VND chỉ mất giá so với đồng USD, còn với các đồng tiền khác như Yên Nhật, Bảng Anh, EURO, thì VND đang lên giá. Mọi người nghĩ rằng áp lực tỷ giá làm xấu đi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng điều này còn tùy vào diễn biến sắp tới. Độ mất giá của VND với USD khá lớn trong tháng 10, nên chưa ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý 3, còn về quý 4 thì còn phải xem diễn biến tỷ giá của 2 tháng cuối năm".

“Nếu USD yếu đi trong tháng 11, tháng 12 và thời điểm chốt số báo cáo quý 4, thì mức ảnh hưởng của các doanh nghiệp vay nhiều USD sẽ không lớn như chúng ta nghĩ. Chưa thể dự báo ngay tại thời điểm 31/12/2022 tỷ giá lên hay xuống, các đánh giá hiện nay chỉ mang tính chất tham khảo”, ông Hưng nói.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán