Chuyên gia chứng khoán gợi ý 3 nhóm cổ phiếu tiềm năng trong năm 2023

(Banker.vn) Chia sẻ trong chương trình "Bí mật đồng tiền", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán SSI đưa ra nhận định về tiềm năng nhóm cổ phiếu hàng không, tiêu dùng và bất động sản trong năm 2023.

Đối với nhóm cổ phiếu hàng không, ông Hưng cho biết việc, Trung Quốc mở cửa sẽ giúp lượng khách quốc tế tăng trở lại, biên lợi nhuận của ngành hàng không thu được từ các chuyến bay nước ngoài sẽ cao hơn so với chuyến bay nội địa. Bên cạnh đó là bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang ở xu hướng giảm khá mạnh và thậm chí đến Goldman Sachs phải giảm mức dự báo giá dầu xuống liên tục trong thời gian vừa qua.

Chuyên gia chứng khoán gợi ý 3 nhóm cổ phiếu tiềm năng trong năm 2023

Do đó, triển vọng ngành hàng không nói chung khá tốt vì “miếng mồi ngon nhất” là khách du lịch nước ngoài có thể phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, đối với từng doanh nghiệp cụ thể, nhà đầu tư vẫn cần phải theo dõi thêm.

Ví dụ như với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) cần phải xem xét khả năng tăng vốn, hay chờ kết quả kinh doanh quý IV của công ty, vì nếu lỗ thì đây sẽ là năm lỗ thứ ba liên tiếp của Vietnam Airlines, dẫn tới việc phải huỷ niêm yết trên sàn HOSE.

Với nhóm cổ phiếu tiêu dùng, Kinh tế trưởng SSI cho biết triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn thế giới có khả năng thấp hơn so với năm nay. Ở Việt Nam, tiêu dùng chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP, do đó không thể kỳ vọng mức tăng trưởng của ngành cao như thời kỳ 2021. Bên cạnh đó, có khá nhiều mặt hàng như điện tử, đồ gỗ,... những mặt hàng tồn kho tăng cao ở Mỹ hiện có nhu cầu khá thấp, do đó ít nhất trong nửa đầu năm 2023, tình hình ngành tiêu dùng nói chung vẫn còn tương đối khó khăn.

Về giá cổ phiếu ngành tiêu dùng, ông Hưng nhận định mức giảm của nhiều cổ phiếu là khá mạnh, do đó sẽ có sự hồi phục như giai đoạn vừa qua, nhưng sự hồi phục sẽ ở mức tương đối.

Kinh tế trưởng SSI nêu quan điểm: "Triển vọng ngành tiêu dùng không mấy sáng sủa cho năm 2023, tuy nhiên tuỳ theo mức độ định giá thì vẫn có thể tìm được những cơ hội đầu tư, nhưng không phải cổ phiếu nào cũng mua được do ngành tốt thì câu chuyện đó là không có".

Về nhóm cổ phiếu bất động sản, ông Hưng cho biết, các chỉ thị từ Thủ tướng cũng như Chính phủ về thị trường bất động sản đều theo xu hướng chung là để phát triển thị trường. Trong dài hạn, sửa đổi luật đất đai có khá nhiều điểm mới có thể làm thị trường phát triển hơn như phân khúc bất động sản liên quan du lịch (như codotel,...) có thể được cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Chuyên gia chứng khoán gợi ý 3 nhóm cổ phiếu tiềm năng trong năm 2023
ông Phạm Lưu Hưng

Trong ngắn hạn, thanh khoản cho ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa qua, nhà đầu tư cảm thấy tích cực hơn khi room tín dụng được nới và sắp tới có thể sửa đổi Nghị định 65.

Nói thêm về việc nới room tín dụng, ông Hưng giải thích room tín dụng 2% không có nghĩa sẽ chảy hết về ngành bất động sản để cứu thanh khoản đợt này, vì Ngân hàng Nhà nước cho biết các tiêu chuẩn, tiêu chí về cho vay vẫn được giữ nguyên, do đó doanh nghiệp phải tốt ngân hàng mới cho vay được. Về việc sửa Nghị định 65, hầu hết các điểm đều mang tính chất tích cực để giúp cho thị trường trong ngắn hạn, nhưng không phải bất cứ sự sửa đổi nào cũng đi vào cuộc sống ngay lập tức để cứu được thanh khoản thị trường trong ngắn hạn, do đó nhà đầu tư vẫn cần phải theo dõi thêm.

Chia sẻ chi tiết hơn về việc dời, lùi thời gian áp dụng một số quy định trong Nghị định 65, với đề xuất giãn thời gian áp dụng tiêu chuẩn mới về nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông Hưng nhận định hiện tâm lý nhà đầu tư khá kém nên việc thuyết phục một nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại là khá khó. Do đó, việc sửa hay không là không có tác dụng nhiều ít nhất trong ngắn hạn, quan trọng hiện nay là lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư, việc này là khá khó.

Về vấn đề cho phép chuyển trái phiếu thành khoản nợ hoặc các tài sản khác, ông Hưng nhận định điều này giống như tạo ra một cơ sở pháp lý để khi nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp có thể đàm phán với nhau và thực hiện một số quyết định như gia hạn thêm hay đổi sang các tài sản khác như nhà,...

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải có sự đồng thuận từ phía các trái chủ mới xử lý được, không phải như nhiều nhà đầu tư nghĩ là sau khi có quyết định thì lập tức tất cả các trái phiếu sẽ được ra hạn hai năm. "Nhà nước đưa ra một khuôn khổ pháp lý để mọi người thực hiện trong một, hai năm tới, nhưng còn có thực hiện được hay không vẫn là mối quan hệ giữa nhà đầu tư và nhà phát hành", ông Hưng nhấn mạnh.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán