Chuyên gia chỉ cách “Hiểu đúng về mì ăn liền”

(Banker.vn) Mặc dù mì ăn liền là món ăn được nhiều người lựa chọn, với sự đa dạng, tiện lợi, thế nhưng, thời gian qua, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều cho rằng mì ăn liền có nhiều tác hại không ngờ. Chuyên gia nói gì về vấn đề này?
Chiều nay (28/7), Báo điện tử VTC News đã tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề "Hiểu đúng về Mì ăn liền" với sự tham gia của chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu hiện nay: PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia và chị Kiều Vui - phụ huynh Trạng nhí Muối Dubai.
Chuyên gia chỉ cách “Hiểu đúng về mì ăn liền”
Khách mời tại Chương trình tọa đàm với chủ đề "Hiểu đúng về Mì ăn liền" do Báo điện tử VTC News tổ chức chiều nay (28/7)

Chia sẻ tại sự kiện này, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm cho rằng có nhiều gia đình không thích cho con sử dụng mì ăn liền, nhưng cũng có gia đình đã biết cách chế biến gói mì để bữa ăn đa dạng, đủ chất dinh dưỡng hơn.

“Theo quan điểm của tôi, mì gói hoàn toàn có thể đưa vào bữa ăn trong gia đình, có thể thay thế bữa chính hoặc bữa phụ đều được. Vấn đề là chúng ta cần chọn loại mì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ nguyên liệu đến cơ sở chế biến có uy tín. Các khâu từ chọn lựa đến sản xuất, đóng gói đều đứng về khía cạnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, kiến thức từ người tiêu dùng cũng quan trọng. Khi chúng ta đã lựa chọn được gói mì tốt rồi, thì còn phải biết chế biến cho dinh dưỡng hơn”, bà nói.

PGS.TS. BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh: Khổng Chí).
PGS.TS. BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh: Khổng Chí).

Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung nhận định chúng ta cũng không thể cấm trẻ con không nên ăn mà chúng ta lựa chọn an toàn cũng như chế biến hợp lý để có bữa ăn lành mạnh.

“Với mì gói thì việc đọc nhãn mác cũng có rất nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Ví dụ như mì gói có loại sản xuất từ lúa mì, lúa mạch… Như ở Nhật thì mì gói còn sản xuất từ gạo, cũng giống như nhóm ngũ cốc. Do vậy chúng ta phải có thêm các thực phẩm như nhóm vitamin và khoáng chất như rau, củ, quả, cho thêm nhóm đạm vào thì mới có 1 bát mì đầy đủ chất dinh dưỡng”, bà nhấn mạnh.

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: Khổng Chí)
PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: Khổng Chí)

Chuyên gia dinh dưỡng này phân tích thêm đối với bất kì một xu hướng nào, chúng ta cũng không nên cực đoan ở một góc độ này hay một góc độ khác. Nếu như chúng ta luôn luôn khuyến khích các bạn nhỏ ăn, chúng ta cũng biết nhược điểm của chế độ các bạn quay sang ăn nhanh của các nước đang phát triển sẽ thiếu đi sự đa dạng.

Vì vậy, ngay cả các bữa sáng, chúng ta cũng phải phân bố một cách đồng đều các món bún, miến, phở mỗi ngày. Chúng ta cũng khuyến khích mỗi ngày một món thay đổi, cũng có những bữa là mì. Chúng ta không cấm cản đến nỗi các bạn thèm quá và đến lúc ăn được thì lại không khống chế được.

Ở góc nhìn phụ huynh, chị Kiều Vui (mẹ của bé Gia Bảo, nghệ danh Muối Dubai) thừa nhận trong những giai đoạn như dịch bệnh, thiên tai, mì gói được coi là món “lương khô” đối với tất cả mọi nhà. Đối với con trẻ, kể cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp như bé Muối Dubai, mì gói được sử dụng thường xuyên trong những tình huống vội, gấp.

“Đó đã là thói quen của người Việt. Để thay đổi, chúng ta phải từng bước để thay đổi một thói quen xấu thành thói quen tốt, thay vì loại bỏ hoàn toàn thói quen đó. Cái gì quá cũng không tốt, nhưng nếu như mình biết và hiểu được đúng cách sử dụng cũng như chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng thì đấy không phải là vấn đề lớn với các con hay với các bậc phụ huynh khi sử dụng các sản phẩm đó”, chị Kiều Vui nêu quan điểm.

Chị Kiều Vui (phụ huynh Trạng nhí  - Muối Dubai).
Chị Kiều Vui (phụ huynh Trạng nhí - Muối Dubai).

Qua phần chia sẻ của các chuyên gia tại tọa đàm, chúng ta đã phần nào hiểu hơn hơn về mì ăn liền và những nỗi "oan" mà món ăn này phải chịu trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên một điểm đáng lưu ý là các món ăn hay thực phẩm mà dùng không đúng cách cũng sẽ đi kèm với những tác hiệu không mong muốn.

Và người tiêu dùng cần phải nắm rõ nguyên tắc chung là cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.

Thực tế không có riêng một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể. Bởi lẽ, khi ăn quá nhiều/hoặc quá ít một loại thực phẩm sẽ khiến cơ thể dư một số chất dinh dưỡng và thiếu những dưỡng chất khác do không có cơ hội ăn món khác. Việc lạm dụng bất cứ món ăn hay thực phẩm nào đó đều tạo ra những tác động không tốt cho sức khỏe con người.

Vì vậy, khi chế biến cần nắm những kiến thức cơ bản về thành phần các loại thực phẩm trong bữa ăn cũng như nhu cầu dinh dưỡng của bản thân để có chế độ ăn phù hợp.

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán