Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số

(Banker.vn) Ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Họp báo công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024. Theo đó, sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 8/5 tới, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh 3 khó khăn hàng đầu các tổ chức Việt Nam đối mặt trong quá trình chuyển đổi số Nếu không muốn bị hụt hơi trước "cuộc chơi" mới, ngành ngân hàng cần chuẩn bị gì?

Tiếp nối thành công năm 2023, sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 nhằm lan tỏa những kết quả tích cực của ngành ngân hàng trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngân hàng nhà nước cho biết, chủ đề năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” - có sự tiếp nối với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023. “Chủ đề này khẳng định sự quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021), Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) cũng như Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước; đồng thời góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tại Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), hướng đến nền kinh tế số, xã hội số”​​​​, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số
Họp báo công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2023, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch, chuẩn hóa cũng như thu thập, mở rộng thêm cơ sở dữ liệu khách hàng. Với cơ sở dữ liệu đã được chuẩn hóa, làm sạch sẽ giúp ngân hàng khai thác hiệu quả trong cung ứng sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích, phục vụ nhu cầu cá nhân hóa và đơn giản hóa quy trình, tăng hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, tích hợp mở rộng kết nối, phát triển hệ sinh thái và khai thác, xử lý hiệu quả dữ liệu số đã và đang là xu hướng phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại (ngân hàng mở, ngân hàng hợp kênh...) tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hướng tới mục tiêu đa dạng cung ứng sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo cho khách hàng đi đôi với tăng cường an ninh, an toàn bảo mật.

Hiện nay, ngân hàng số không chỉ bao gồm các dịch vụ ngân hàng được số hóa mà còn tích hợp cả hệ sinh thái số bao gồm hàng trăm sản phẩm, dịch vụ liên kết với đối tác thứ ba, đem lại lợi ích tối đa cho người dùng. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái số đa dạng, đa tiện ích và an toàn đang là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Sau 3 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Về khuôn khổ pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng. Từ năm 2020 - 2022, Ngân hàng Nhà nước xếp thứ hạng cao trong các Bộ, ngành về chỉ số kiến tạo thể chế chuyển đổi số. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...). Nhiều tổ chức tín dụng tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số
Chủ đề của sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”

Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt tỷ lệ tăng trưởng khá: Giao dịch thanh toán ko dùng tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 51,60% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.

Bên cạnh đó, thời gian qua, ngành ngân hàng đã rất tích cực và nỗ lực để triển khai Đề án 06 và các nhiệm vụ đặt ra tại Kế hoạch 01, góp phần tăng cường an ninh, an toàn trong quá trình phổ cập các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, qua đó đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của ngành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến nay, có 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ Căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 58 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ Căn cước công dân gắn chíp qua thiết bị tại quầy; 14 tổ chức tín dụng đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: Mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 7 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tin. Về làm sạch dữ liệu: 23 tổ chức tín dụng đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline.

Ngân hàng Nhà nước đã triển khai hệ thống kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến (cấp chứng thư số) từ tháng 12/2022. Hiện nay, hệ thống đã kết nối, khai thác dữ liệu dân cư phục vụ xử lý hơn 560 lượt hồ sơ. Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch 48,5 triệu thông tin tín dụng.

Theo Ban tổ chức, sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 nhận được sự đồng hành của các ngân hàng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, VIB, TPBank, OCB, HDBank, MSB, Nam A Bank, Techcombank, SHB, VNPay, Epay, FPT, Napas, LPBank, ACB, Eximbank…

Sự kiện sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành, với chương trình VIP tour (trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ trực tiếp tại các gian hàng), phần tham luận của các ngân hàng thương mại… “Điểm mới của sự kiện năm nay là bên cạnh Hội nghị tổng kết thành tựu chuyển đổi số như năm 2023, Lễ trao Bằng khen của Thống đốc cho một số tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng tại Quyết định 810/QĐ-NHNN, sẽ có tiết mục trình diễn nghệ thuật đặc sắc kết hợp cùng công nghệ với sự tham gia của các nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam”, Ban tổ chức cho hay.

Đặc biệt, Hội thảo chuyên đề lần đầu tiên được tổ chức với Chủ đề “Chuyển đổi số ngành ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” với sự tham gia thuyết trình của các chuyên gia tài chính, công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đến từ Google, IBM, Fidelity, SAP,… sẽ là điểm nhấn quan trọng của sự kiện năm nay. Bên cạnh đó, tại sự kiện sẽ có 16 gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới nhất của các ngân hàng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Triển lãm sẽ mở cửa rộng rãi đón khách tham quan từ 8h - 18h ngày 8/5/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục