Chuyển đổi số - cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt

(Banker.vn) Từ các yếu tố định hình mới của kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2023 và đầu 2024, PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, “chuyển đổi số” đang là một trong số những cơ hội lớn của doanh nghiệp Việt.
chuyen-doi-so.jpg.jpeg
Chuyển đổi số - cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp từ công cuộc “chuyển đổi số”

Phát biểu tại Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 19/7, PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm: “Những đột phá của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và chuyển đổi số đã tạo ra những cơ hội tốt cho các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam – một quốc gia có dân số trẻ, dân số năng động và dân số đông. Việc tiếp cận công nghệ vì thế mà rất nhanh, và là cơ hội rất tốt để chúng ta bứt phá”.

Làm rõ hơn những nhận định trên, ông Tuấn cho biết, CMCN 4.0 xảy ra ở một số lĩnh vực đã đặt Việt Nam vào một khởi điểm bắt đầu như những quốc gia khác, thậm chí là nhanh hơn các quốc gia phát triển hơn mình.

Ngoài ra, CMCN 4.0 cũng tạo ra một cơ hội rất tốt cho quá trình toàn cầu hóa tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Công nghệ đóng vai trò làm cho thế giới “phẳng”, làm cho không gian biên giới trở nên mờ đi, đặc biệt là trong lĩnh vực về thông tin.

“Mặc dù chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, phân mảnh về chính trị do những xung đột gần đây, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, chúng ta vẫn thấy xu hướng bao trùm chung của thế giới là phát triển rất mạnh mẽ trong công cuộc toàn cầu hóa”, ông Tuấn cho biết thêm.

Có thể nhận thấy, dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, “chuyển đổi số” không chỉ còn là xu hướng tất yếu, mà đã trở thành vấn đề “sống còn” đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của “chuyển đổi số” đến đời sống xã hội và mọi ngành nghề hiện nay.

Trước đó, một trong 5 quan điểm được nêu ra tại Nghị quyết 58/NQ – CP của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 là: “Hỗ trợ doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; phát triển mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững...”.

Nghị quyết 58/NQ- CP cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025 đối với công tác “chuyển đổi số” của doanh nghiệp như: Khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; 100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số…

toan-canh.jpg
Quang cảnh Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”

Các trở ngại trong hành trình chuyển đổi số

Mặc dù được xác định là yếu tố “sống còn”, song các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều lúng túng trong việc bắt đầu tiến trình “chuyển đổi số” của mình.

Chia sẻ về những vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối mặt trên hành trình “chuyển đổi số”, ông Nguyễn Phước Hải – Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Công nghệ CMC, Tổng Giám đốc CMS chỉ ra hai vấn đề chính thường gặp phải:

Một là, việc tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Cho đến nay, đã có nhiều quốc gia trên thế giới có những bước tiến dài trong phát triển công nghệ thông qua các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của doanh nghiệp. Tỷ lệ chi cho R&D trên GDP chiếm tới 4,6% tại Hàn Quốc; 3% tại Mỹ và 2% tại Trung Quốc... Trong khi đó, ở Việt Nam, theo số liệu mới nhất từ Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ có một phần rất nhỏ nguồn vốn được dành cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn quốc tế. Trong top 10 công ty hàng đầu có hoạt động sáng lập và sử dụng Quỹ R&D nhiều nhất, các doanh nghiệp nhà nước chiếm đến 70%.

“Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam còn hạn chế trong đầu tư nghiên cứu và phát triển do tâm lý e ngại rủi ro, thiếu sự dẫn dắt từ các doanh nghiệp lớn để thúc đẩy hoạt động... Điều này khiến khả năng sáng tạo các giải pháp tiên tiến bị hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thậm chí, rất dễ bỏ lỡ hoặc đi chậm một bước so với thế giới trong các xu hướng công nghệ quan trọng như: AI, IoT, VR, Blockchain...”, ông Hải nhấn mạnh.

Hai là, vấn đề đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo ông Hải đánh giá, nhân lực chất lượng cao là nền tảng cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp. Mặc dù Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và năng động, nhưng lại đang gặp khó khăn trong việc thiếu nhân lực có kỹ năng chuyên môn sâu. Chính vì vậy, đào tạo nhân lực có chuyên môn cao sẽ là mục tiêu chung mà mọi doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) cần hướng tới.

Gỡ bỏ rào cản để doanh nghiệp “tăng tốc” chuyển đổi số

Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Phước Hải, việc cấp thiết đầu tiên cần thực hiện đó là cần có sự thay đổi, chủ động hơn về nhận thức của các doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp phải có tầm nhìn và sự kiên trì trong hoạt động đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ. Các doanh nghiệp cần xác định việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là một chiến lược quan trọng. Việc đầu tư cho hoạt động R&D là đầu tư mang tính chất dài hạn, có thể rủi ro, song lợi nhuận mang lại lớn và bền vững, tạo ra các giá trị có tính ứng dụng cao.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Nhằm đạt được hiệu quả cao trong việc gỡ bỏ rào cản của ngành công nghệ thông tin nói chung, công tác chuyển đổi số của doanh nghiệp nói riêng, cần có sự điều hướng và ủng hộ từ Chính phủ. Tại Việt Nam, việc dạy và học các nhóm ngành CNTT vẫn còn rất khó khăn.

Bởi lẽ, các trường đào tạo cần phải có kinh phí đầu tư cho các Phòng thí nghiệm, đầu tư nhân lực để đồng bộ và vận hành hài hòa. Do đó, cần đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, Viện nghiên cứu và trường đại học, chia sẻ kiến thức và tài nguyên, cùng với việc cung cấp các khoản hỗ trợ về cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu.

Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách kinh tế, như: thuế, tín dụng... nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận và triển khai cho doanh nghiệp. Cùng với đó, việc kết hợp những chính sách khác như: tạo môi trường, chế độ đãi ngộ thu hút chuyên gia và nhà khoa học... cũng rất quan trọng, giúp đạt được hiệu quả toàn diện.

“Nhìn vào tình hình hiện tại, chúng ta không thể phủ nhận rằng ngành CNTT và viễn thông đang đối mặt với những thách thức lớn. Tuy nhiên, tôi tin rằng, chúng ta có thể đóng góp vào quá trình tháo gỡ khó khăn để tạo ra không gian phát triển mới trong thời gian tới”, ông Nguyễn Phước Hải bày tỏ.

Thảo Linh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ