Chuyển đổi giết mổ công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh: Còn nhiều lỗ hổng

(Banker.vn) Việc TP. Hồ Chí Minh triệt tiêu lò giết mổ thủ công là một chủ trương đúng đắn, nhưng quá trình chuyển đổi này cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết.
TP. Hồ Chí Minh: Giá thịt bên ngoài chợ đầu mối rẻ hơn rau, thương nhân trong chợ bất an Vì sao khó dẹp các điểm kinh doanh tự phát ngoài chợ đầu mối Hóc Môn? TP. Hồ Chí Minh: Kiến nghị lắp camera giám sát 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức

Gần 70% thịt heo ở các chợ được nhập về từ các tỉnh

Ngày 1/4/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành quyết định đưa các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư vào các nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung, nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường đô thị. Tuy nhiên, sau khi chấm dứt hoạt động các lò mổ thủ công, các thương lái buôn heo không đưa vào lò giết mổ công nghiệp mà tuồn đến các tỉnh lân cận để giết mổ, sau đó đưa ngược về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Điều đó khiến một chủ trương đúng đắn nhưng bộc lộ nhiều lỗ hổng, khiến các nhà máy giết mổ công nghiệp đầu tàu bị “đứng hình”. Ngược lại, các cơ sở giết mổ lậu, giết mổ thủ công tại các tỉnh được “đục nước béo cò”.

Gần 70% thịt heo ở các chợ TP. Hồ Chí Minh được nhập về từ các tỉnh
Gần 70% thịt heo ở các chợ TP. Hồ Chí Minh được nhập về từ các tỉnh. Ảnh: Ngân Nga

Đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, hiện nay TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày tiêu thụ khoảng 14.000 - 15.000 con heo, nhưng một nửa là heo từ Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh đưa về. Đơn cử, tại chợ đầu mối Hóc Môn, mỗi đêm tiêu thụ khoảng 5.000 con heo, nhưng nhà máy giết mổ của Công ty Cổ phần Chế biến Hóc Môn chỉ cung cấp được 2.000 con. Số heo còn lại được thương lái lấy từ các lò mổ lậu hoặc từ các tỉnh lân cận. Điều đáng nói là các tỉnh lân cận chưa có chủ trương bắt buộc giết mổ công nghiệp tập trung, nên các lò mổ thủ công, nhỏ lẻ vẫn hoạt động rầm rộ.

Chợ đầu mối Bình Điền cũng như hệ thống chợ thịt heo truyền thống toàn thành phố có hoàn cảnh tương tự. Theo lãnh đạo chợ đầu mối này, mỗi đêm có khoảng 14.000 đến 15.000 con heo được nhập vào các chợ ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng 3 nhà máy giết mổ công nghiệp (Nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng, Xuyên Á và Lộc An) chỉ cung cấp được khoảng 4.000 con, số còn lại chủ yếu từ các tỉnh nhập vào.

Lý giải vì sao thương lái ưa chuộng lò giết mổ thủ công hơn, đại diện nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng chia sẻ, lò giết mổ công nghiệp có quy trình khắt khe hơn, tất cả các khâu đều phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm nghiêm ngặt trước khi xuất chuồng đưa về nhà máy. Toàn bộ quá trình giết mổ được thực hiện trên dây chuyền tự động. Nhân viên kiểm dịch sẽ túc trực tại nhà máy, trực tiếp kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch lên thân thịt lợn khi đã kiểm tra đạt tiêu chuẩn. Còn đối với các lò giết mổ thủ công, việc kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình, quy định nhập xuất hàng ít được thực hiện hơn. Chưa kể nguồn heo chết, heo bệnh có thể được đưa vào các lò giết mổ thủ công, lò giết mổ không phép, còn nhà máy giết mổ công nghiệp thì không thể.

Nhà máy giết mổ công nghiệp Xuân Thới Thượng đang gồng lỗ vì chỉ đạt 50% công suất. Ảnh Ngân Nga
Nhà máy giết mổ công nghiệp Xuân Thới Thượng đang gồng lỗ vì chỉ đạt 50% công suất. Ảnh Ngân Nga

Ông Tô Văn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Hóc Môn, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng gia công giết mổ là 339.700 con. Công suất bình quân là 1.887 con/ngày, mới đạt 47,17% công suất thiết kế nên hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Nguồn heo sống tập trung chuyển về Long An giết mổ ở các cơ sở thủ công tại huyện Đức Lập rồi chuyển thịt heo mảnh về chợ đầu mối Hóc Môn với sản lượng hằng đêm chiếm hơn 50% tổng sản lượng heo nhập chợ. Trong khi trước đây, TP. Hồ Chí Minh chưa yêu cầu giết mổ công nghiệp 100%, các cơ sở giết mổ thủ công ở Long An chỉ giết mổ cung cấp không quá 50 con/ngày”, ông Liêm phân tích.

Đại diện Nhà máy giết mổ Xuyên Á (Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ - huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) cũng cho biết, hiện sản lượng heo giết mổ tại nhà máy chỉ đạt 1.000 con/ngày trong khi công suất thiết kế hơn 3.000 con/ngày. Mặc dù giá của chúng tôi bằng với giá giết mổ thủ công, chỉ 40.000 - 50.000 đồng/con, nhưng thương lái vẫn thích về tỉnh giết mổ do quy định kiểm soát ở tỉnh không chặt như TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều lỗ hổng truy xuất nguồn gốc thịt heo

Có mặt tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cùng đoàn giám sát công tác quản lý an toàn thực phẩm do ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hồ Chí Minh - chủ trì, ở khu vực kiểm soát hàng về chợ, ông Bình đã chọn ngẫu nhiên 2 xe lạnh chở heo mảnh về chợ thì phát hiện xe có vòng niêm phong truy xuất nguồn gốc, nhưng thông tin trên vòng không khớp với giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, kiểm tra 2 xe hàng từ tỉnh ngoài vao  ông Bình phát hiện thông tin trên vòng truy xuất và giấy kiểm dịch ko khớp nhau
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, kiểm tra 2 xe hàng từ tỉnh ngoài vào ông Cao Thanh Bình phát hiện thông tin trên vòng truy xuất và giấy kiểm dịch không khớp nhau. Ảnh: Ngân Nga

Tuy nhiên, đại diện đội quản lý an toàn thực phẩm tại chợ giải thích, giấy chứng nhận kiểm dịch có giá trị pháp lý nên vẫn cho lô hàng nhập vào chợ bình thường. Trong trường hợp này, đội chỉ nhắc nhở các bên liên quan nhập số liệu cho chính xác.

Đại diện Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cũng thông tin việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc chỉ là khuyến khích, không bắt buộc nên chưa có chế tài xử lý nếu chủ hàng không thực hiện.

Ông Cao Thanh Bình cho biết, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND sẽ giám sát kỹ hơn đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo bởi qua giám sát nhận thấy còn nhiều lỗ hổng. "Vì sao phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc? Nếu không đeo vòng này thì có làm sao không?”, ông Bình đặt vấn đề.

Các doanh nghiệp cho rằng, để các nhà máy giết mổ công nghiệp sống được theo chủ trương, TP. Hồ Chí Minh phải sớm có rào cản kỹ thuật, ví dụ như phân loại luồng xanh, luồng đỏ hoặc yêu cầu nguồn thịt heo từ các tỉnh về cũng phải được giết mổ công nghiệp. “Nếu chúng ta nói không có quyền ngăn thịt heo được giết mổ thủ công từ các tỉnh thì cơ sở nào lại bắt lò giết mổ thủ công ở thành phố phải đóng cửa? Điều này không công bằng”, đại diện Công ty An Hạ bức xúc.

Ông Bình đang truy xuất nguồn gốc Truy xuất nguồn gốc thịt heo nhập về chợ Bình Điền. Ảnh TTO
Ông Bình đang truy xuất nguồn gốc thịt heo nhập về chợ Bình Điền. Ảnh: TTO

Lật lại thời điểm thực hiện chủ trương ngừng giết mổ thủ công, chuyển sang giết mổ công nghiệp (ngày 1/4/2023), trả lời báo chí, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh - khẳng định, nếu thịt từ các tỉnh không đạt được những tiêu chí như giết mổ công nghiệp khi đưa thịt về các chợ ở TP. Hồ Chí Minh thì sẽ rất khó khăn. Sở sẽ quản lý chặt và hạn chế nguồn thịt giết mổ thủ công từ các tỉnh.

Ông Hiệp còn cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh đã trình UBND thành phố và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những tiêu chí cần phải đạt thì mới được đưa thịt heo về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Những tiêu chí này tương đương với tiêu chí giết mổ theo tiêu chuẩn giết mổ công nghiệp. Nếu thương lái chuyển các tỉnh lân cận giết mổ thủ công, sau đó vận chuyển thịt ngược về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ sẽ được kiểm soát sau khi những tiêu chí được thông qua và triển khai thực hiện.

Ngược lại với lời hứa, từ khi TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện chủ trương giết mổ công nghiệp, lượng thịt heo từ các tỉnh đổ về càng nhiều hơn trước bởi các thương lái không mặn mà với nhà máy giết mổ công nghiệp. Đáng nói hơn, những tiêu chí về kiểm soát nguồn hàng từ các tỉnh đổ về vẫn chỉ nằm trên giấy, việc truy xuất nguồn hàng hóa bằng cách đeo vòng chỉ làm cho có. Điều đó đồng nghĩa, TP. Hồ Chí Minh đang tự “mua dây buộc mình” khi cho ra đời một chủ trương đúng nhưng chưa trúng, chưa sát sao, khiến công tác quản lý an toàn thực phẩm thêm rối ren và các nhà máy giết mổ công nghiệp có nguy cơ “chết yểu”.

Ngân Nga

Theo: Báo Công Thương