Chuyến công tác tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ý nghĩa quan trọng và thiết thực

(Banker.vn) Chuyến công tác tham dự Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trên nhiều mặt, nhiều bình diện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN +1 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp có các chuyến công tác đến Trung Quốc, Hoa Kỳ và thăm Brazil

Chuyến công tác tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ý nghĩa quan trọng và thiết thực - Ảnh 1.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (tháng 6/2023) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyến công tác tham dự Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trên nhiều mặt, nhiều bình diện, cả song phương và đa phương; đặc biệt là tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam-Trung Quốc, nhất là Tuyên bố chung tháng 11/2022 trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhận lời mời của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc từ ngày 16-17/9/2023.

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự CAEXPO và CABIS lần thứ 20 thể hiện sự coi trọng của cả hai nước đối với quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, quan hệ hợp tác ASEAN-Trung Quốc và quan hệ giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; thể hiện sự tin cậy chính trị cao độ giữa Việt Nam và Trung Quốc; khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam tham gia CAEXPO với quy mô lớn nhất ASEAN

Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS được Trung Quốc và ASEAN đồng tổ chức hằng năm tại Nam Ninh, Quảng Tây, là một trong 10 hội chợ triển lãm hàng đầu của Trung Quốc. Trong 19 kỳ hội chợ, Việt Nam luôn có Lãnh đạo Chính phủ tham dự và là nước có số lượng gian hàng, doanh nghiệp tham gia nhiều nhất trong ASEAN.

CAEXPO và CABIS lần thứ 20 có chủ đề "Cùng xây dựng ngôi nhà chung, Cộng đồng chung vận mệnh hướng đến tương lai-Thúc đẩy Sáng kiến "Vành đai và Con đường" phát triển chất lượng cao và xây dựng Trung tâm tăng trưởng kinh tế".

Đây là hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN, đồng thời kỷ niệm 20 năm CAEXPO và CABIS. Diện tích mặt bằng cho khu triển lãm rộng 102.000 m2 với 05 khu, gồm các khu: Gian hàng thương mại, hợp tác đầu tư, công nghệ cao, công nghiệp dịch vụ, thành phố đẹp.

Giống như các kỳ Hội chợ trước đây, năm nay, đoàn doanh nghiệp của Việt Nam tham gia Hội chợ với quy mô lớn nhất ASEAN (250 gian hàng, diện tích 5.000 m2).

Chuyến công tác của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam Trung Quốc thời gian qua tiếp tục duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-01/11/2022) tiếp động lực mạnh mẽ cho quan hệ hai nước. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi, tiếp xúc thường xuyên, củng cố tin cậy chính trị.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc, dự Hội nghị WEF Thiên Tân của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 6/2023) vào đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, khuôn khổ quan hệ cao nhất của Việt Nam với các nước đối tác trên thế giới, cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa các nhận thức chung của hai đồng chí Tổng Bí thư, nhất là Tuyên bố chung tháng 11/2022 về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng vừa thăm tỉnh Vân Nam và dự Lễ Khai mạc Hội chợ Trung Quốc-Nam Á lần thứ 7 và Hội chợ xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 27 (15-17/8) .

Giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên. Từ đầu năm 2023 đến nay, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (từ 25-28/4) và một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng đã thăm Trung Quốc. Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu thăm Việt Nam (04-06/9). Các cấp, các ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng dịch.

Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN

Về thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%). Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1%. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Trong 08 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 105,5 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 32,2 tỷ USD, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Về đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 399 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau Singapore). Lũy kế đến ngày 20/8/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 06/143 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.949 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25,8 tỷ USD.

Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam). Từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội-Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến Trung Quốc. Tháng 6, Việt Nam đã đón hơn 158.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 108% so với tháng 5, đưa tổng số khách Trung Quốc trong 06 tháng đầu năm lên hơn 557.000 lượt khách.

Chuyến công tác tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ý nghĩa quan trọng và thiết thực - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta (ngày 6/9/2023)

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước

Phân tích thêm về ý nghĩa của chuyến công tác, ông Đỗ Nam Trung-Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh cho biết, kỳ hội chợ lần này đánh dấu những mốc kỷ niệm quan trọng. Hội chợ thể hiện mô hình hợp tác hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân ASEAN-Trung Quốc. Đây cũng là kỳ hội chợ đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau đại dịch COVID-19.

Sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thể hiện sự đặc biệt coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế hội chợ nói chung và dịp kỷ niệm 20 năm CAEXPO-CABIS nói riêng, góp phần tăng cường hợp tác thực chất giữa ASEAN và Trung Quốc. Đồng thời, thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc duy trì và tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những biến động bất lợi hiện nay.

Cùng với đó, sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội chợ lần này nhằm tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao, qua đó thúc đẩy tin cậy chính trị vững chắc hơn, hợp tác thực chất và hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Chuyến công tác cũng thể hiện sự coi trọng hợp tác địa phương giữa hai nước nói chung và các địa phương Việt Nam với Quảng Tây - địa phương Trung Quốc đi đầu trong hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt nhận thức chung về việc khuyến khích các địa phương hai nước, đặc biệt là các tỉnh (khu) giáp biên giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi. Được định vị là cửa ngõ hướng ra ASEAN, nhất là Việt Nam trong hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, Quảng Tây có vai trò quan trọng trong hợp tác giữa hai nước, có những đóng góp thiết thực thúc đẩy phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung.

Với vai trò là cửa ngõ Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, cầu nối giữa Cộng đồng kinh tế ASEAN và Trung Quốc, đối với Việt Nam, Hội chợ CAEXPO là sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng giúp tăng cường liên kết với các nước trong khu vực, khai thác tối đa lợi ích do Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc đem lại, đồng thời tăng cường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sang Trung Quốc và các nước ASEAN.

Về triển vọng và cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam, Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung cho biết CAEXPO 2023 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước, cũng như Trung Quốc và ASEAN và các đối tác ngoài khu vực. Trung bình mỗi kỳ hội chợ, các doanh nghiệp của Việt Nam có cơ hội tiếp cận tới khoảng 50.000 thương nhân Trung Quốc và các nước ASEAN.

CAEXPO luôn là "sân chơi" được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, thể hiện qua việc Việt Nam tham gia tích cực và đầy đủ các hoạt động trong khuôn khổ của Hội chợ nhiều năm liên tiếp, là quốc gia có số lượng doanh nghiệp tham gia và số gian trưng bày hàng hóa đông đảo nhất trong khối ASEAN.

baochinhphu.vn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục