''Chuyện buồn'' của chủ đầu tư khu dân cư gần 1.500 tỷ đồng ở Long An

(Banker.vn) Thắng Lợi Group và HACC1 những năm qua đều chứng kiến sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt HACC1 mới đây còn bị Bộ NN&PTNN cấm đấu thầu trong 2 năm.
Chấp thuận cho Long An chuyển 73,42 ha đất lúa để làm Dự án Khu đô thị Long An: Công ty Văn Ánh bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn Vụ AIC: Kỷ luật nguyên lãnh đạo Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định

Cái kết định sẵn

Sau nhiều chờ đợi, mới đây UBND tỉnh Long An đã ký quyết định chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án Đường N18 kết hợp khu dân cư thị trấn Cần Giuộc (thị trấn Cần Giuộc).

Đây là dự án khu dân cư có diện tích xây dựng khoảng 9,2 ha, trong đó, diện tích đất ở xây dựng khoảng 3,1 ha, cung cấp 366 căn nhà liền kề, nhà biệt thự, nhà phố thương mại; ngoài ra, còn 0,5 ha được sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội.

''Chuyện buồn'' của chủ đầu tư khu dân cư gần 1.500 tỷ đồng ở Long An
Cả Thắng Lợi Group lẫn HACC1 đều gặp những chuyện kém vui trong các năm gần đây. Ảnh minh họa

Tổng vốn đầu tư của dự án trên 1.450 tỷ đồng, quy mô dân số gần 1.500 người. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo đó, Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group) và Công ty Cổ phần Xây dựng Số 1 Hà Nội (HACC1, UPCoM: HC1) được chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án này. Tỷ lệ vốn góp tại dự án của Thắng Lợi Group và HACC1 là 85% và 15%, tương đương lần lượt 247 tỷ đồng và 44 tỷ đồng. Còn lại là số vốn huy động bên ngoài.

Trước đó, Liên danh này cũng là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nên áp lực cạnh tranh không tồn tại.

"Chuyện buồn" của nhà đầu tư

Đôi nét về chân dung nhà đầu tư, HACC1 chắc hẳn là cái tên không xa lạ đối với giới đầu tư chứng khoán. Doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với mã HC1, tiền thân là Công ty Kiến trúc Hà Nội, trực thuộc Bộ Xây dựng, được thành lập năm 1958 tới nay đã 66 năm tuổi.

HACC1 được cổ phần hóa năm 2005. Tuy nhiên sau đó 14 năm, đến tận cuối năm 2019 doanh nghiệp mới chính thức lên sàn. Hiện, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (UPCoM: HAN) vẫn là công ty mẹ với tỷ lệ sở hữu 50,36% tương ứng trên 4 triệu cổ phiếu; theo sau là Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh thương mại Phú Thịnh (nắm 9,64% vốn điều lệ), Công ty Cổ phần Bất động sản BRG (nắm 8,8%) và Công ty TNHH Thung lũng Vua (5,25%).

Với cơ cấu cổ đông cô đặc, cổ phiếu HC1 thường xuyên "mất hút" thanh khoản trên thị trường. Thị giá vẫn đang giữ ở mức 7.100 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường đạt 56 tỷ đồng.

Những ngày gần đây, ngoài việc được chấp thuận dự án gần 1.500 tỷ đồng ở Long An như đã đề cập, HACC1 lại gặp khá nhiều chuyện không vui. Chẳng hạn, doanh nghiệp vừa trải qua năm 2023 khó khăn với doanh thu giảm mạnh 59% so với năm trước đó xuống mức 600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế theo đó "bốc hơi" một nửa còn 11 tỷ đồng, đều không đạt kế hoạch kinh doanh đặt ra.

Khốn đốn là vậy, cách đây ít ngày, HACC1 còn bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN) cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong vòng 2 năm, theo Quyết định số 850/QĐ-BNN-XD ký bởi Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp.

''Chuyện buồn'' của chủ đầu tư khu dân cư gần 1.500 tỷ đồng ở Long An
Quyết định số 850/QĐ-BNN-XD ký bởi Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh chụp màn hình

Bộ NN&PTNN cho biết, HACC1 đã vi phạm quy định tại điểm a, khoản 8 Điều 89, Luật Đấu thầu 2013 tại dự án thành phần tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới, thuộc dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, vay vốn World Bank (SAHEP) do Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư.

Kết cục, HACC1 sẽ không được tham gia các dự án do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quyết định đầu tư, hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư. Bộ này giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam có trách nhiệm gửi, đăng tải quyết định này đến tổ chức bị xử lý và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định.

Trường hợp của Thắng Lợi Group cũng không khá khẩm hơn. Sau khi bất ngờ tăng vọt doanh thu và lợi nhuận lên mức "đỉnh" vào năm đại dịch Covid-19 hoành hành (2020), lần lượt đạt 484 tỷ đồng và 78,8 tỷ đồng (tăng 42% và 97% so với năm 2019), kết quả kinh doanh bắt đầu "trượt dốc".

Năm 2021 - 2022, doanh thu của họ giảm còn 423 tỷ đồng và 99 tỷ đồng, tương ứng giảm sâu 12% và 76,5% cùng kỳ. Thậm chí, lợi nhuận sau thuế năm 2022 đã giảm xuống 19 tỷ đồng, thấp hơn 76% kết quả đạt được năm 2020.

Đây là những con số đáng quên của Thắng Lợi Group - doanh nghiệp có tiếng trên vai trò là chủ đầu tư loạt dự án tại Long An như The Win City (quy mô 13,18 ha tại huyện Đức Hòa), Thắng Lợi Central Hill (quy mô 5 ha tại huyện Bến Lức), The Diamond City (quy mô 12,3 ha thuộc huyện Đức Hòa và huyện Bến Lức...

''Chuyện buồn'' của chủ đầu tư khu dân cư gần 1.500 tỷ đồng ở Long An
Hoạt động kinh doanh của Thắng Lợi Group "đổ đèo" sau năm 2020 thăng hoa.

Theo tìm hiểu, trụ sở chính Thắng Lợi Group đang đặt ở 51 Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp thành lập ngày 14/7/2010, được chèo lái bởi dàn lãnh đạo gồm: Ông Dương Long Thành (SN 1984) - Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Thanh Quyền (SN 1984) - Tổng giám đốc, ông Lê Thanh Giàu (SN 1984) và ông Nguyễn Văn Tùng (SN 1979) - hai Phó tổng giám đốc.

Thời điểm cuối năm 2022, Thắng Lợi Group có vốn điều lệ 574,5 tỷ đồng, trong đó, ông Dương Long Thành góp 165,6 tỷ đồng (28,83% vốn điều lệ), Công ty TNHH Đầu tư Long Holding góp 229,82 tỷ đồng (40% vốn điều lệ), Công ty Cổ phần Gỗ An Cường góp 74,5 tỷ đồng (12,97%), ông Nguyễn Đức Thắng góp 26,39 tỷ đồng (4,59%), ông Dương Văn Mộc góp 26 tỷ đồng (4,54%), ông Nguyễn Thanh Quyền góp 20 tỷ đồng (2,48%), ông Công ty TNHH MTV Young Group góp 17,61 tỷ đồng (3,07%), còn lại 2,52% là các cổ đông khác.

Đến ngày tháng 7/2023, Thắng Lợi Group tăng vốn lên gần 632 tỷ đồng từ việc phát hành thêm 57,45 triệu cổ phần, tương đương 57,45 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2022. Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, doanh nghiệp đã đăng ký giảm vốn điều lệ xuống 526,9 tỷ đồng.

Cuối năm 2022, tổng tài sản của Thắng Lợi Group ghi nhận tăng 41% so với năm 2021 lên 5.126 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng tồn kho tăng khá mạnh, cao gấp đôi lên 3.028 tỷ đồng. Danh mục dự án dang dở của họ gồm có: dự án KDC - Tái định cư - Nhà ở công nhân Hải Sơn (The Sol City) 940 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Bình An Đức hòa 908 tỷ đồng; dự án Khu dân cư thương mại thị trấn Cần Đước (J-Dragon) 282,2 tỷ đồng; dự án The Diamond City 251 tỷ đồng; dự án chỉnh trang đô thị thị trấn Tân Trụ 81,3 tỷ đồng; dự án Bắc Kim Thang 68,5 tỷ đồng; dự án Sky West View 99,3 tỷ đồng...

Dồn vốn đầu tư phát triển dự án, đổi lại, Thắng Lợi Group phải tăng cường vay mượn khiến nợ phải trả tăng 43% so với năm 2021 lên gần 4.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ hơn 1.100 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ trên vốn của doanh nghiệp đang là 3,55 lần, nôm na là 1 đồng vốn bảo đảm cho 3,5 đồng nợ.

Thắng Lợi Group là đối tác thân thiết của Gỗ An Cường - doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán ACG. Mới đây ở Long An, bộ ba Gỗ An Cường cùng Công ty Cổ phần Thắng Lợi Homes (thành viên của Thắng Lợi Group), Công ty Cổ phần Xây Dựng Central đăng ký làm khu đô thị gần 9.300 tỷ đồng, trên diện tích gần 13,2ha ở xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa.

Không chỉ sở hữu lượng cổ phần lớn tại Thắng Lợi Group và Thắng Lợi Homes, Gỗ An Cường còn ghi nhận sự tham gia của ông Nguyễn Thanh Quyền - Tổng giám đốc Thắng Lợi Group trong vai trò Thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Ông Quyền được bầu vào Hội đồng quản trị Gỗ An Cường từ tháng 12/2022.

Vân Oanh

Theo: Báo Công Thương