Chuỗi cung ứng châu Á - Thái Bình Dương vẫn bền bỉ trong đại dịch COVID-19

(Banker.vn) Trong một nghiên cứu mới do Citi tài trợ và do bộ phận Nghiên cứu Dự báo của Tạp chí The Economist (EIU) vừa thực hiện chỉ ra rằng chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang hoạt động bền bỉ hơn dự kiến bất chấp những cú sốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng gây ra bởi đại dịch COVID-19.

Báo cáo mới công bố mang tên "Sự gián đoạn, Số hóa, Khả năng phục hồi: Tương lai của chuỗi cung ứng châu Á-Thái Bình Dương" dựa trên khảo sát đối với 175 nhà quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu trong sáu ngành công nghiệp chính là: Ô tô, da giày và may mặc, thực phẩm và đồ uống, sản xuất, công nghệ thông tin/công nghệ /điện tử, chăm sóc sức khỏe/dược phẩm/công nghệ sinh học - để tìm hiểu những thay đổi trong chiến lược chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tất cả những người được hỏi đều là người trực tiếp tham gia hoặc giám sát các quyết định về chuỗi cung ứng trong khu vực.

Hơn một nửa số nhà quản lý chuỗi cung ứng ở châu Âu và Bắc Mỹ nói rằng họ ngày càng quan tâm tới sự bền bỉ của các chuỗi cung ứng hiện tại và đó là yếu tố hàng đầu quyết định chiến lược chuỗi cung ứng ở châu Á - Thái Bình Dương của họ, trong khi đó chỉ có 3,2% nhà quản lý ở châu Á nói như vậy. Thay vào đó, 46,4% trong nhóm này cho rằng tác động đang diễn ra của đại dịch là động lực hàng đầu đối với chiến lược chuỗi cung ứng của họ.

Điều này phản ánh quan điểm lạc quan hơn về toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng quốc tế của các nhà quản lý ở châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ 9% các nhà quản lý chuỗi cung ứng trong khu vực này lo ngại về sự đổ vỡ đối với thương mại toàn cầu, so với con số 52% của các nhà quản lý ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Nghiên cứu cho thấy chuỗi cung ứng ở châu Á - Thái Bình Dương có vẻ tương đối bền bỉ trong đại dịch nhưng COVID-19 đang dẫn đến việc phải tái tư duy rộng hơn về các chiến lược chuỗi cung ứng trong dài hạn.

Trong khi những thay đổi dài hạn trong chuỗi cung ứng được quyết định bởi các yếu tố địa chính trị và kinh tế, đã được tiến hành trước khi virus bùng phát, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đang đẩy nhanh những thay đổi này và khiến các công ty phải đánh giá lại những chiến lược của họ cho tương lai.

Một phần ba trong số tất cả các công ty được hỏi đang tiến hành xem xét lại toàn bộ chuỗi cung ứng của họ và những thay đổi này hướng tới dài hạn. Chỉ 22,9% các nhà quản lý chuỗi cung ứng cho biết họ không thực hiện bất kỳ thay đổi chiến lược đáng kể nào.

Xem xét theo nhóm ngành, hơn là 48,3% các nhà quản lý chuỗi cung ứng trong lĩnh vực ô tô và 40% trong ngành giày dép và may mặc đang tiến hành xem xét lại toàn bộ chiến lược chuỗi cung ứng của họ; cao hơn mức trung bình của cuộc khảo sát là 32,6%. Con số này cũng cao hơn so với mức 16,7% đối với ngành công nghệ thông tin/công nghệ/điện tử, 23,1% đối với ngành sản xuất và 33,3% trong cả lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sức khỏe/dược phẩm/công nghệ Sinh học.

Điều này tương ứng với mức độ gián đoạn mà các lĩnh vực này phải hứng chịu, ngành công nghiệp ô tô chịu tác động mạnh nhất khi phải đối mặt với việc ngừng sản xuất, hạn chế thương mại và khó khăn trong việc tiếp cận các đầu vào chính cho sản xuất.

Cách các nhà quản lý tư duy lại về chuỗi cung ứng của họ khác nhau ở các khu vực khác nhau. Trong khi 40% các nhà quản lý ở châu Âu và 48% ở Bắc Mỹ cho biết các công ty của họ đang theo đuổi sự đa dạng trong các chiến lược chuỗi cung ứng hàng đầu của họ, tỷ lệ này chỉ là 24% trong số các nhà quản lý ở châu Á - Thái Bình Dương.

Các nhà quản lý chuỗi cung ứng có trụ sở tại châu Á - Thái Bình Dương đang theo đuổi sự kết hợp đa dạng hơn của các chiến lược bao gồm đa dạng hóa, nội địa hóa, quay lại nơi sản xuất trước đây và Trung Quốc cộng một. Đa dạng hóa là một chiến lược chuỗi cung ứng được theo đuổi rộng rãi tại thời điểm này, nhưng nghiên cứu phát hiện ra rằng các công ty lớn hơn muốn bớt phụ thuộc vào “một nguồn cung ứng đơn lẻ” nhiều hơn, trong khi các công ty nhỏ hơn thích nội địa hóa và rút ngắn chuỗi cung ứng.

Đại dịch cũng dẫn đến việc tập trung nhiều hơn vào số hóa chuỗi cung ứng và đầu tư vào công nghệ với các mục tiêu như tạo thuận lợi thương mại, dự báo cung cầu, quản lý tài chính và quản lý hàng tồn kho.

Trong số tất cả các nhà quản lý chuỗi cung ứng được khảo sát, 32,5% nói rằng các công ty của họ đã tăng hơn 50% đầu tư vào các công cụ hoặc quy trình kỹ thuật số do hậu quả của đại dịch. Các nhà quản lý châu Á thực hiện việc này nhiều hơn với 40% trong khi con số này là 12% trong số các nhà quản lý ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các khoản đầu tư này phần lớn tập trung vào các mảng như tạo thuận lợi thương mại, dự báo và dự đoán, quản lý hàng tồn kho và quy trình sản xuất.

“Mặc dù các ngành đang phản ứng khác nhau với hàng loạt thách thức mà họ đang đối mặt, nhưng họ làm như vậy với mục tiêu chung – khiến cho chuỗi cung ứng linh hoạt hơn. Đầu tư thêm vào công nghệ và số hóa sẽ giúp các công ty xây dựng khả năng phục hồi trong khi thúc đẩy thương mại điện tử và chuỗi cung ứng rộng hơn, những lĩnh vực tương đối chậm chạp trong việc bắt kịp thay đổi công nghệ,” ông Rajesh Mehta, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Luồng tiền và Thanh toán Quốc tế của Citi châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

Chris Clague, Trưởng ban biên tập vấn đề Thương mại và Toàn cầu hóa tại Bộ phận Nghiên cứu Dự báo của The Economist khu vực châu Á, đồng thời là Biên tập viên của báo cáo, cho biết: “Các nhà quản lý chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rõ ràng là lạc quan hơn về sự bền bỉ của chuỗi cung ứng ở khu vực này so với các nhà quản lý ở nơi khác. Điều này bắt nguồn từ các yếu tố như niềm tin lớn hơn vào toàn cầu hóa và sự hiểu biết dưới nhiều góc độ hơn về các thị trường khác nhau ở đây. Điều đó nói lên rằng, đại dịch đã khiến các công ty phải suy nghĩ sâu sắc về những tác động của nó cũng như các xu hướng địa chính trị và kinh tế dài hạn có thể có tác động tới tính bền vững trong chuỗi cung ứng của họ”.

Thanh Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ