“Chúng tôi là shipper ngân hàng chính hiệu”

(Banker.vn) - Từ ngày 23 tháng Chạp đổ ra, đối với nhân viên đi tiếp tiền ATM thực sự là nỗi “cực nhọc” cả về thể chất lẫn tinh thần. Bởi càng những ngày cận Tết thì đường phố lại càng chật như nêm. Có những lúc xe gần như “nằm” yên trên đường cả tiếng đồng hồ, trong khi không thể bước xuống xe do các quy định nghiêm ngặt đối với xe vận chuyển hàng đặc biệt trên đường.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Giang Phạm, công tác tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ban Truyền thông và Thương hiệu.

Trong dịp Lễ, Tết, khi người người nhà nhà tranh thủ đi du lịch, dành thời gian sum họp với gia đình thì vẫn có một vài bộ phận phải hoàn thành nhiệm vụ để phục vụ khách hàng.

Trong đó, Trung tâm Quản lý và Dịch vụ kho quỹ (TTQLDVKQ) là một bộ phận điển hình phải làm việc vào ngày Tết để đảm bảo nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng. "Nhiều khi chúng tôi hay trêu đùa nhau: chúng mình là những “shipper” chính hiệu, chỉ khác hàng hóa của chúng tôi là hàng hóa đặc biệt đó là TIỀN”- chị Hương Giang– Trung tâm Quản lý và Dịch vụ kho quỹ chia sẻ.

Giang thường nói vui với đồng nghiệp như vậy để giảm bớt căng thẳng, áp lực trong quá trình áp tải những chuyến hàng đặc biệt này và bảo đảm sự an toàn cũng như đúng địa chỉ. Trong dịp Tết Nguyên đán, những chuyến hàng của chúng của trung tâm thường tăng lên gấp bội cả về số “đơn hàng” và khối lượng “hàng đặc biệt”. Những chàng trai, cô gái dáng thoạt nhìn thư sinh, nhỏ nhắn nhưng tới lúc “bốc hàng” mới thấy được hết được sức mạnh nội lực. Chị Giang kể, những “bao hàng” nặng đến 20kg, cồng kềnh mà các “shippers” có thể bốc, xếp nhẹ nhàng, gọn gàng trên các xe đẩy tiền cao hơn đầu mình. Càng cận kề Tết, những chàng trai, cô gái của Trung tâm kho quỹ nhìn càng nhỏ bé đối với những xe tiền chất ngất, che khuất cả người. Không chỉ có vậy, việc vận chuyển, bốc xếp của chúng tôi ở mọi địa hình (tại NHNN, tại địa điểm các PGD, máy ATM…) luôn phải nhanh gọn, đảm bảo an toàn trong mọi tình huống, nhất là trong điều kiện tội phạm cướp giật ngày càng tinh vi.

Ngoài ra, Trung tâm cũng thực hiện tập trung và ưu tiên mọi nguồn lực để chuẩn bị khối lượng tiền mặt lớn phục vụ nhu cầu rút tiền chi nhánh trên địa bàn và tiếp quỹ ATM.

“Thường ngày, đặc thù của Trung tâm sẽ chia giờ làm việc theo ca. Tuy nhiên, mọi cán bộ Trung tâm luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ nếu được huy động, không ngại đến sớm hay về muộn so với ca làm việc của mình. Trong các ngày nghỉ cuối tuần, Trung tâm bố trí thực hiện tiếp quỹ và xử lý sự cố máy ATM với 50% cán bộ Trung tâm đi làm để phục vụ tối đa nhu cầu rút tiền của khách hàng qua máy ATM. Vậy nên, tiền thưởng Tết của cán bộ ngân quỹ như chúng tôi thường được “giải ngân” vào sau dịp Tết” - chị Hồng Anh kể.

“Ngoài ra, từ ngày 23 tháng Chạp đổ ra, đối với nhân viên đi tiếp tiền ATM thực sự là nỗi “cực nhọc” cả về thể chất lẫn tinh thần. Bởi càng những ngày cận Tết thì đường phố lại càng chật như nêm. Có những lúc xe gần như “nằm” yên trên đường cả tiếng đồng hồ, trong khi không thể bước xuống xe do các quy định nghiêm ngặt đối với xe vận chuyển hàng đặc biệt trên đường.”- chị Giang chia sẻ thêm.

Những nguy hiểm và rủi ro trong quá trình tiếp quỹ luôn rình rập đối với cán bộ Trung tâm quản lý dịch vụ và kho quỹ, nhưng với tình yêu và trách nhiệm với nghề, các cán bộ của Trung tâm vẫn không quản ngại khó khăn, vất vả để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo nhu cầu tiền mặt cho khách hàng 24/7 và cả những ngày nghỉ cuối năm…

GIANG PHẠM 

Theo Tạp Chí Thị Trường Tài chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ