Chung tay tiết kiệm điện - chia sẻ khó khăn với ngành điện

(Banker.vn) Tình hình nắng nóng ngày càng phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, gây nên tình trạng quá tải, hoá đơn điện tăng cao…
TP. Hồ Chí Minh: Phấn đấu tiết kiệm điện ít nhất 2% tổng sản lượng điện tiêu thụ Ngành điện Bình Dương tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện - chủ động ứng phó nguy cơ thiếu điện

Tổng công ty Điện lực miền Nam vừa phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm, giao lưu trực tuyến “Cảnh báo sử dụng điện mùa nắng nóng”. Chương trình đã nhận được nhiều câu hỏi về các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm trong sinh hoạt, sản xuất mùa nắng nóng.

Chung tay tiết kiệm điện - chia sẻ khó khăn với ngành điện

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao - chủ động ứng phó nguy cơ thiếu điện

Thông tin về tình hình cung ứng điện năm 2024, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng điện thương phẩm đạt 14,5%, tăng gấp 3 lần so với 2023. Đáng chú ý, hai lĩnh vực tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội là khách hàng công nghiệp và khách hàng thương mại dịch vụ đều tăng trưởng 2 con số.

Năm nay dự báo thời tiết nắng nóng, nhiệt độ toàn quốc duy trì mức cao, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện khách hàng tăng cao. Chính vì vậy, vấn đề cung ứng, sử dụng điện trong năm 2024 trở nên cấp bách.

Theo ông Võ Quang Lâm, hiện hệ thống điện quốc gia có 3 nhóm nguồn năng lượng chính là thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo. So với 2023, ngành điện tập trung huy động lớn nguồn nhiệt điện nhằm đảm bảo điện cho kinh tế - xã hội, đồng thời nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải huy động ngay nguồn điện đắt tiền là nhiệt điện vào đầu mùa khô. Trong đó, nguồn nhiệt điện sẽ huy động với mức tăng trưởng 145% so với 2023.

Đối với năng lượng tái tạo, ngành điện sẽ huy động tối đa nguồn năng lượng này vào các ngày trong tuần, trừ các ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ. Theo đó, ngành điện sẽ huy động nguồn điện gió cao hơn năm ngoái 25%, cùng với đó nguồn điện mặt trời cũng sẽ được huy động cao hơn năm ngoái 19%.

Chung tay tiết kiệm điện - chia sẻ khó khăn với ngành điện
Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương)

Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho biết: Năm nay, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho người dân, doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nhiều giải pháp để bảo đảm cung ứng điện.

Theo ông Nguyễn Thế Hữu, từ cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án cung cấp điện cho năm 2024 kể cả phương án phụ tải tăng cao.

Cụ thể, đối với các nhà máy thủy điện đã tích đầy nước để chuẩn bị cho mùa khô, không chỉ sản xuất điện mà phục vụ nước cho sản xuất. Còn đối với các nhà máy nhiệt điện, nhà máy tuabin khí, các đơn vị cũng đã rà soát về nhiên liệu, hệ thống để xử lý ngay các sự cố... "Ngành điện cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến truyền tải điện, đường dây 500kV, đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt" - ông Nguyễn Thế Hữu cho hay.

Khuyến nghị nhiều giải pháp tiết kiệm điện

Chương trình đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc trên khắp mọi miền đất về các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm trong sinh hoạt, sản xuất… cũng như đảm bảo an toàn hệ thống điện vào mùa nắng nóng.

Chung tay tiết kiệm điện - chia sẻ khó khăn với ngành điện
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh

Trả lời các câu hỏi về cách sử dụng thiết bị điện thế nào cho tiết kiệm, hiệu quả, cách xác định khung giờ cao điểm, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị: Để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đối với các hộ gia đình sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng "đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu", đồng thời sử dụng máy lạnh khi thật sự cần thiết và cài đặt nhiệt độ từ 26 độ C trở lên…

Ngoài ra, ưu tiên mua sắm các thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; sử dụng đèn led trong chiếu sáng và hạn chế tối đa sử dụng bóng đèn sợi đối; sử dụng các thiết bị hẹn giờ để bật, tắt thiết bị điện gia dụng; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời…

Về cách xác định khung giờ cao điểm, ông Bùi Trung Kiên thông tin: Giờ cao điểm là từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 và 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày. Còn giờ thấp điểm là từ 22 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau. Còn lại là giờ bình thường. “Với mỗi khung giờ sẽ áp dụng giá điện khác nhau, do đó vào giờ cao điểm hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn, chuyển nhu cầu sử dụng vào những giờ thấp điểm hoặc là giờ bình thường” - ông Bùi Trung Kiên khuyến cáo.

Góp ý tại tọa đàm về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, TS. Nguyễn Công Tráng - Giảng viên Khoa Điện - Điện tử (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) lưu ý: Mùa nắng nóng, các thiết bị làm mát được gia tăng cả về số lượng, thời gian sử dụng. Trong đó, hệ thống máy lạnh chiếm hơn 60% hóa đơn tiền điện mà các hộ gia đình chi trả.

Do đó, để tiết kiệm điện, người dân nên chọn máy lạnh phù hợp với công suất sử dụng cho hợp lý. Ngoài ra, cần chọn các máy lạnh tiết kiệm điện, lắp đặt đúng kỹ thuật sẽ giúp tiết kiệm điện. "Khi sử dụng máy lạnh nên cài nhiệt độ từ 26 độ trở lên, tránh cài nền nhiệt quá thấp gây tiêu hao điện quá lớn. Trường hợp không sử dụng máy lạnh nữa nên tắt nguồn điện máy lạnh" - TS. Nguyễn Công Tráng khuyến nghị.

Chung tay tiết kiệm điện - chia sẻ khó khăn với ngành điện
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam

Trả câu hỏi của bạn đọc ở tỉnh Cà Mau về cách để tiết giảm tiền điện trong hoạt động nuôi tôm, ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - cho biết: Ngay từ năm 2015, ngành điện xác định nuôi tôm công nghiệp là phụ tải đặc thù, phát triển nóng trên địa bàn các tỉnh nuôi trồng thủy sản. Do đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị triển khai các mô hình thí điểm về tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt (đã triển khai và đánh giá hiệu quả trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng).

Năm 2018, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã được Bộ Công Thương công nhận sáng kiến về tiết kiệm điện trong nuôi tôm. Hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Nam tuyên truyền các giải pháp cơ bản để tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp như: Thay thế con lăn truyền thống; giải pháp thay đổi thiết kế để đồng trục giữa động cơ và hệ thống quạt; lắp đặt Tụ bù phù hợp; thay thế động cơ hiệu suất cao; giải pháp về thiết kế hệ thống dây dẫn điện: an toàn, chất lượng và đảm bảo công suất truyền dẫn; tránh sử dụng động cơ vào khung giờ cao điểm. Theo ông Bùi Quốc Hoan, nếu thực hiện triệt để, đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm như trên sẽ tiết kiệm được 30-50%.

“Tổng công ty Điện lực miền Nam đã triển khai tài liệu hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm trong nuôi tôm đến 21 Công ty Điện lực trực thuộc, trong đó có Công ty Điện lực Cà Mau. Do đó, chỉ cần khách hàng nhắc máy gọi số điện thoại nóng (19001006 hoặc 19009000) chúng tôi sẽ hỗ trợ và chuyển tài liệu liên quan đến tiết kiệm điện trong nuôi tôm” - ông Bùi Quốc Hoan cam kết.

Tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo các đơn vị ngành điện ngoài việc cung cấp cho bạn đọc, doanh nghiệp các thông tin về các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong mùa nắng nóng, còn khuyến khích mọi người thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, nâng cao nhận thức nhằm tạo ra những thay đổi tích cực trong cách tiêu thụ điện. Qua đó, đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và giảm áp lực lên hệ thống điện trong mùa nắng nóng.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục