CTS cho biết, thông qua việc sử dụng mô hình định lượng, các kết quả đều cho thấy GDP có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Dựa trên kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP 2023 được dự báo đạt 6.8%, trong khi đó có thể đạt 7.3% ở kịch bản tích cực. Kịch bản tiêu cực hơn, GDP có thể đạt mức tăng trưởng 6.2%.
CTS cũng đánh giá động lực tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 phụ thuộc vào việc giảm lãi suất mà vẫn đảm bảo tỷ giá và lạm phát ổn định nên biện pháp tăng cung tiền qua kích cầu đầu tư công và giảm thuế đối với một số mặt hàng chủ chốt bao gồm hàng hóa nhập khẩu, xăng dầu, điện, nước để tăng cầu nội địa trong khi vẫn sử dụng mạnh mẽ chính sách thắt chặt tiền tệ. Lãi suất huy động được dự báo có xu hướng giảm dần về cuối năm 2023, đặc biệt chiều hướng này sẽ gia tăng khi Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất điều hành vào quý 4/2023.
Đánh giá về lạm phát 2022, CTS cho biết chỉ tiêu này được kiểm soát tốt, đạt mục tiêu của Chính phủ, nhưng áp lực lạm phát vẫn tồn tại khi Ngân hàng Trung ương các nước vẫn trên lộ trình tăng lãi suất điều hành. Dự báo lạm phát có thể đạt đỉnh trong năm 2023.
Dựa trên các kết quả phân tích định lượng, kịch bản cơ sở cho dự phóng CPI có xu hướng tăng, dự kiến tăng mạnh đến cuối năm 2023 lên mức 5.8%. Về phân tích định tính, trên kịch bản cơ sở CTS dự báo CPI có thể tăng 4.5%. Trong kịch bản tiêu cực hơn tăng 5%, ngược lại ở kịch bản tích cực có thể tăng 4.3%.
Kịch bản nào sẽ xảy ra thì còn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế và sự phục hồi du lịch.
CTS cũng lưu ý giá cả hàng hóa của một số mặt hàng thiết yếu trong nước bao gồm giá điện, xăng dầu, lương thực cũng có thể sẽ tăng giá.
Về tăng trưởng tín dụng, năm 2023, mức tăng có thể đạt 15%, cao hơn 0.8 điểm phần trăm so với năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang bức thiết và kênh dẫn vốn từ thị trường trái phiếu suy giảm. Tính đến ngày 30/01/2023, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 46.5 ngàn tỷ đồng trên cả hai kênh tín phiếu và thị trường mở. Số liệu thống kê này thấp hơn gần gấp 3 lần so với tháng 12/2022.
Cùng với những nhận định về yếu tố vĩ mô trên, CTS đặt dự báo khả quan rằng giải ngân vốn đầu tư công có khả năng đạt được mục tiêu 80-85%. Trong 2 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt 6.55% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, khoảng 49,247 tỷ đồng.
“Chúng tôi dự báo vốn đầu tư công cần đạt 80-85% trong năm 2023 so với kế hoạch của Thủ tưởng Chính phủ thì tăng trưởng nền kinh tế mới đạt ngưỡng tích cực”, CTS cho biết.
Về dự trữ ngoại hối, dự báo đến cuối năm có thể phục hồi về gần 105 tỷ USD khi thặng dư thương mại hồi phục nhờ Trung Quốc hoàn toàn mở cửa trở lại và kỳ vọng lạm phát ở Mỹ kiểm soát về mức 2% như các nhà hoạch định chính sách đề ra. Đến giữa tháng 02/2023 ghi nhận dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 91.78 tỷ USD.
Xu hướng tỷ giá VND/USD được CTS dự báo tiếp tục đi ngang hoặc dao động trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 24,000 - 24,500 trong hầu hết cả năm 2023 trước khi đón nhận diễn biến tích cực từ tình hình kinh tế toàn cầu.
Thanh Hằng
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|