Chứng khoán Việt Tín gặp sự cố đường truyền vì ảnh hưởng bão Yagi

(Banker.vn) Công ty Chứng khoán Việt Tín mất kết nối với HoSE do ảnh hưởng từ bão Yagi. Sự cố đường truyền đã được khắc phục trong ngày, gây gián đoạn hoạt động tạm thời.

Ngày 9/9, Công ty CP Chứng khoán Việt Tín (VTSS) phát thông báo về sự cố gián đoạn kết nối giữa công ty và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) do bão Yagi gây ra. Cơn bão số 3 đã làm đứt cả hai đường truyền chính và dự phòng do cây đổ làm hỏng hệ thống cáp của nhà cung cấp dịch vụ VNPT và FPT.

Công ty đã thông báo tình trạng gián đoạn vào lúc 9h sáng ngày 9/9 và nhanh chóng phối hợp với các nhà cung cấp để khắc phục. Đến 20h cùng ngày, đường truyền đã được khôi phục và VTSS kết nối lại thành công với HoSE.

Trong một diễn biến khác, ngày 22/8,Chứng khoán Việt Tín thông báo ông Ronald Nguyễn Anh Đạt đã đệ đơn xin từ nhiệm khỏi HĐQT vì lý do cá nhân. Ông Đạt, sinh năm 1972, quốc tịch Australia, đã giữ chức Chủ tịch VTSS từ tháng 9/2015, tức đã 9 năm đảm nhiệm vai trò này.

Ông Ronald Nguyễn Anh Đạt (giữa) đảm nhiệm Chủ tịch VTSS khoảng 9 năm
Ông Ronald Nguyễn Anh Đạt (giữa) đảm nhiệm Chủ tịch VTSS khoảng 9 năm.

Trước đó, tại cuộc họp bất thường vào tháng 7, ĐHĐCĐ đã thông qua việc miễn nhiệm hai thành viên HĐQT là ông Boyd-Bowman Charles James và bà Hoàng Ngân Hà, sau khi cả hai đệ đơn từ nhiệm vào ngày 14/6 vì lý do cá nhân. Đồng thời, ĐHĐCĐ đã bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Thanh Thủy và bà Võ Huỳnh Ngọc vào HĐQT. Trong đó, bà Thủy do Công ty CP Du lịch Minh Thành đề cử và sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Ronald Nguyễn Anh Đạt.

Về cơ cấu sở hữu, trước cuộc họp cổ đông tháng 7, bà Hoàng Ngân Hà đã chuyển nhượng toàn bộ gần 6,8 triệu cổ phiếu (tương đương 49% vốn) cho Công ty Tin Global Pte.Ltd với giá trị giao dịch là 169,5 tỷ đồng, trung bình 25.229 đồng/cp. Sau giao dịch này, VTSS hiện có ba cổ đông chính: Công ty Tin Global nắm giữ 49%, Du lịch Minh Thành 49%, và bà Nguyễn Thị Thùy Trang sở hữu 2%. Công ty Tin Global được thành lập vào ngày 25/9/2023 tại Singapore và hoạt động theo mô hình holdings (sở hữu cổ phần các công ty khác).

Chứng khoán Việt Tín có trụ sở tại Hà Nội. Dù tình hình kinh doanh không khả quan trong những năm trước như năm 2023, công ty lỗ sau thuế hơn 311 triệu đồng, năm 2022 trước đó lỗ gần 4 tỷ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh doanh của công ty chứng khoán này đã khởi sắc hơn khi lãi ròng đạt gần 25 tỉ đồng, cùng kỳ báo lỗ hơn 1,5 tỉ đồng. Tại thời điểm cuối quý 2/2024, Chứng khoán Việt Tín có tổng tài sản gần 116 tỉ đồng, chiếm phần lớn là tiền và các khoản tương đương tiền. Nợ phải trả của Việt Tín chỉ hơn 48 triệu đồng. Còn vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối tháng 6 đạt 116 tỉ đồng.

Lịch sử vi phạm và xử phạt

Hồi đầu năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Chứng khoán Việt Tín. Theo đó, Công ty bị phạt 125 triệu đồng vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng. Công ty cho một số khách hàng thực hiện lệnh mua chứng khoán khi không có đủ tiền trên tài khoản.

Bên cạnh đó, Công ty cũng bị phạt 85 triệu đồng do không báo cáo UBCKNN bằng văn bản trong vòng 3 ngày kể từ ngày xảy ra sự kiện đầu tư vượt quá hạn mức. Ngoài ra, Việt Tín phải đóng phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn khi nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Với 3 vi phạm trên, tổng số tiền phạt đối với Chứng khoán Việt Tín là 270 triệu đồng.

Bão Yagi gây thiệt hại nặng nề

Về bão Yagi, đây là cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm 2024 cho đến hiện tại và đổ bộ vào bờ biển đông bắc Việt Nam vào thứ Bảy, sau khi gây ra sự tàn phá ở Trung Quốc và Philippines.

Chứng khoán Việt Tín gặp sự cố đường truyền vì ảnh hưởng bão Yagi
Đến thời điểm hiện tại, tình hình thiệt hại ở mức rất lớn và chưa thể thống kê chính xác, tuy nhiên, toàn dân vẫn đang tích cực cùng nhau khắc phục hậu quả.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 18h ngày 9/9 đã có 71 người chết, mất tích (49 người chết, 22 người mất tích) do bão số 3, lũ quét và sạt lở đất. Trong đó, do bão 12 người; sạt lở đất, lũ quét 53 người; do lũ cuốn 6 người. Có 732 người bị thương, trong đó Quảng Ninh nhiều nhất với 536 người, Hải Phòng 81 người. Về nông nghiệp có hơn 136.000ha lúa, 26.000ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại và 6.800ha cây ăn quả bị hư hại.

Trên 1.530 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Bão số 3 cũng làm hơn 46.000 nhà ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn... hư hỏng, thiệt hại. Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng. Hơn 540.000 con gia cầm ở Hải Dương và Hải Phòng bị chết.

Tại Cao Bằng, trên địa bàn huyện Nguyên Bình từ đêm 8/9 đến sáng 9/9 xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Đặc biệt nghiêm trọng, sạt lở đất đã khiến 20 người mất tích (chưa xác định danh tính), trong đó 11 người tại xóm Lũng Súng, 9 người tại xóm Lũng Lỳ (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình).

HoSE lên tiếng về sự cố gián đoạn giao dịch với công ty chứng khoán

Phiên sáng 5/7, một số công ty chứng khoán bất ngờ gặp tình trạng lệnh giao dịch bị gián đoạn trên Sở Giao dịch Chứng ...

Nóng cuộc đua tăng vốn, Chứng khoán VIX sắp chen chân vào top đầu

Ngày 15/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký phát hành và chào bán 789,9 triệu cổ phiếu ra ...

VNDirect bị tấn công mạng: Đây không phải lần đầu công ty chứng khoán này gặp sự cố

Trong nhóm chứng khoán, VNDirect có thể được coi là một trong những công ty top đầu về vốn điều lệ lẫn thị phần. Đáng ...

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán