Chứng khoán Việt Nam tưng bừng khai Xuân, kỳ vọng gì vào năm 2022?

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch đầu năm (4/1/2022) diễn ra trong tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư với sự đồng thuận của hầu hết các nhóm ngành. VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử mới trong phiên này.

VN-Index lên đỉnh lịch sử mới với thanh khoản tăng mạnh

Kết thúc phiên giao dịch đầu năm 2022, chỉ số VN-Index tăng 27,30 điểm (1,82%) lên 1.525,58 điểm. Toàn sàn có 332 mã tăng (29 tăng trần), 137 mã giảm và 47 mã đứng giá.

Chỉ số HNX-Index tăng 0,11 điểm (0,02%) lên 474,10 điểm. Toàn sàn có 144 mã tăng, 89 mã giảm và 55 mã đứng giá. UPCOM-Index tăng 1,03 điểm (0,91%) lên 113,72 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt hơn 34.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng HOSE vượt 28.600 tỷ đồng, tăng gần 9,7% so với phiên trước.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên 4/1/2022. (Nguồn: VNDirect).

Phiên giao dịch đầu năm 2022 diễn ra trong tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư với sự đồng thuận của hầu hết các nhóm ngành.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục sôi động khi sắc tím chiếm hữu nhóm này. DIG, GEX, CII, HBC, LDG, POW… nối đà tăng trần từ năm trước.

Tuy nhiên, vốn hóa lớn mới là nhóm kéo thị trường mạnh nhất. Bộ 3 “họ Vin” gồm VIC, VHM, VRE tăng mạnh kéo thị trường gần 10 điểm. Bên cạnh đó là hàng loạt mã vốn hóa lớn khác như GAS, SAB, BSR, ACV… đều tăng mạnh trong hôm nay.

Cổ phiếu điện, nước cũng có một phiên tích cực. Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều tăng mạnh trong phiên hôm nay.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu đầu tư công vẫn đang là điểm sáng và còn nhiều dư địa trong tương lai trong bối cảnh gói kích thích kinh tế sắp được thông qua.

Sáng nay 4/1/2022, tại kỳ họp Quốc hội bất thường, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự thảo, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô khoảng gần 350.000 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2022 - 2023.

4 nhiệm vụ trọng tâm cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022

Sáng nay 4/1, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước tổ chức Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022. Buổi lễ có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam Nguyễn Thành Long, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cùng toàn thể các Bộ, ban, ngành.

Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022 có sự tham gia của

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có những đánh giá đối với thị trường chứng khoán năm 2021 và đặt ra 4 nhiệm vụ cho thị trường chứng khoán năm 2022.

Bộ trưởng nêu ra một số thành tích nổi bật như VN-Index tăng mạnh 35,7% lên mốc 1.498 điểm trong năm 2021. Cùng với đó, thanh khoản trên thị trường tăng gấp 2,6 lần, đạt trung bình 26.600 tỷ đồng/phiên, đặc biệt tháng 9 luôn giao dịch trên 1 tỷ USD và có những phiên trên 2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, quy mô vốn hoá trên thị trường cổ phiếu đạt 7,77 triệu tỷ, tăng 46,8% và đạt 123% GDP (GDP chưa điều chỉnh). Số tài khoản mở mới đạt hơn 1,3 triệu tài khoản, bằng 4 năm trước cộng lại. Huy động vốn trên thị trường chứng khoán tăng 25% so với năm 2022, đặc biệt phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.558 tỷ, tăng 2,3 lần.

Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vẫn có những lỗ hổng cần phải xử lý. Bộ Tài chính đã đề xuất với chính phủ sửa lại Nghị định 153, siết lại các điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Trong năm qua, nhiều công ty chìm trong thua lỗ, tỷ lệ nợ xấu cao, vốn ít nhưng vẫn phát hành cổ phiếu để huy động vốn, ảnh hưởng đến thị trường và toàn nền kinh tế.

Trong 100 ngày chiến đấu, các cơ quan đã xử lý thành công vấn đề nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Room hiện tại tăng lên 3 triệu lệnh/ngày tuy nhiên đến nay đã đạt 2,5 triệu lệnh. Nếu như không tiếp tục cải tiến thì trong tương lai gần sẽ tiếp tục nghẽn lệnh. Bộ trưởng đã chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), HOSE và Chủ tịch CTCP FPT nhanh chóng khắc phục để luôn đón đầu những khó khăn.

Năm 2022, thị trường vẫn đứng trước những nguy cơ như đại dịch, lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, Bộ trưởng đặt ra một số nhiệm vụ cần phải hoàn thành.

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý từ luật đến các nghị định, thông tư, chiến lược phát triển của ngành chứng khoán để đạm bảo bịt các lỗ hổng và thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và minh bạch.

Thứ hai, với sự ra đời của VNX, cần phải sắp xếp công tác tổ chức và bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và chất lượng. Cần cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và chuyên môn hoá cao.

Thứ ba, xây dựng thị trái phiếu riêng lẻ chuyên nghiệp thuận lợi cho công tác kinh doanh và quản lý.

Thứ tư, là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trục lợi trên thị trường chứng khoán.

Tại sự kiện sáng nay, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cũng đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, khẳng định nhiệm vụ Bộ trưởng giao là những mục tiêu quan trọng để ngành chứng khoán thực hiện trong năm 2022, những năm tiếp theo và cho giai đoạn 10 năm tới.

Chủ tịch UBCKNN cam kết, Ủy ban và ngành chứng khoán sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động cho năm 2022 và thể hiện đầy đủ trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán trong 10 năm tới.

Hồng Giang

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục