Chứng khoán Việt Nam thường khá hưng phấn trước khi đóng cửa “ăn Tết”

(Banker.vn) Theo thống kê trong lịch sử hơn 22 năm đã qua, chỉ số VN-Index có tới 16 lần tăng điểm trong vòng 5 phiên trước Tết, thậm chí mức tăng còn rất tích cực so với những lần ít ỏi giảm điểm.

Chỉ còn vài phiên giao dịch nữa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chính thức nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhắc đến Tết, nhà đầu tư thường có tâm lý lo ngại khi tâm lý nghỉ lễ khiến thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền trong tài khoản để phục vụ cho các hoạt động sắm Tết và phòng tránh rủi ro từ thị trường quốc tế hay dịch bệnh.

“Thị trường sắp bước vào kỳ nghỉ Tết, thông thường nhà đầu tư có tâm lý giảm tỷ trọng cổ phiếu trong thời gian này nên vận động của VN-Index trong những phiên trước Tết có khả năng biến động không cao”, chứng khoán SHS nhận định.

Chứng khoán Việt Nam thường khá hưng phấn trước khi đóng cửa “ăn Tết”

Tuy nhiên, theo thống kê trong lịch sử hơn 22 năm đã qua, chỉ số VN-Index có tới 16 lần tăng điểm trong vòng 5 phiên trước Tết, thậm chí mức tăng còn rất tích cực so với những lần ít ỏi giảm điểm.

Nhìn chung, chứng khoán Việt Nam thường khá hưng phấn trước khi đóng cửa “ăn Tết”. Hầu hết mức tăng đều ghi nhận trên 2%. Thậm chí trong năm 2008, VN-Index bứt phá đầy mạnh mẽ với đà tăng xấp xỉ 11% chỉ trong 5 phiên; năm 2001 cũng ghi nhận tăng gần 9%. Gần hơn, liên tiếp trong 6 năm gần nhất thì có tới 5 năm chỉ số chính của TTCK Việt Nam diễn biến khởi sắc vào tuần sát Tết, riêng năm 2019 VN-Index gần như đi ngang với mức giảm chỉ 0,02%.

Mặc dù thống kê chỉ mang tính chất tham khảo, song những con số trong quá khứ ghi nhận tích cực phần nào giúp giới đầu tư chứng khoán Việt Nam có thêm niềm tin, đặc biệt có thể tận dụng khoảng thời gian quý giá này để duy trì chiến lược, giữ những cổ phiếu kỳ vọng còn dư địa tăng, thậm chí mua vào những mã tiềm năng.

Thực tế cũng cho thấy, ngay từ những phiên đầu năm 2023, VN-Index hầu hết giữ sắc xanh tích cực dù thanh khoản giảm sút, thậm chí có phiên “vỏ đỏ” nhưng vẫn “xanh lòng”.

Hơn nữa, dù có đợt hồi phục tích cực từ giữa tháng 11/2022 tới nay, nhưng định giá chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở vùng tương đối thấp so với quá khứ. Hiện P/E của VN-Index đạt 11,02 lần, tương đương với các đợt khủng hoảng trong quá khứ và thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm.

Điều này được kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền đầu tư dài hạn giải ngân quyết liệt hơn trong năm 2023, qua đó tạo động lực phục hồi cho thị trường.

Cẩn trọng với mức P/E thấp hiện nay

Trong báo cáo triển vọng đầu tư 2023, với mức định giá đã ngang bằng đáy chỉ số năm 2008 và 2012, Chứng khoán DSC kỳ vọng dòng tiền đầu tư dài hạn sẽ giải ngân quyết liệt hơn trong năm 2023, tạo động lực phục hồi.

Bên cạnh đó, năm 2023 với nhiều diễn biến vĩ mô phức tạp kỳ vọng sẽ tiếp tục là một năm có nhiều “sóng”, cả lên và xuống, tạo cả cơ hội lẫn thách thức. Với nền định giá rẻ và nhiều pha điều chỉnh, DSC cho rằng nhà đầu tư giá trị sẽ không thiếu các cơ hội tham gia mua nắm giữ dài hạn. Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, thị trường biến động sẽ là cơ hội sinh lời khi tận dụng các đợt sóng để ra, vào vị thế hợp lý.

Tuy nhiên, DSC cũng lưu ý nhà đầu tư rằng mức định giá thấp của VN-Index được kéo chủ yếu bởi nhóm ngân hàng (P/E hiện tại 8). Trong 12 tháng trở lại, lợi nhuận sau thuế (LNST) nhóm ngân hàng chiếm tới 49% tổng LNST của các nhóm cổ phiếu thuộc VN-Index. Nếu không tính ngành ngân hàng và bất động sản, P/E của VN-Index đạt 12,3, thấp so với lịch sử nhưng không phải quá hấp dẫn.

Nếu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp suy yếu trong 2023 (như đã thấy trong quý III/2022), P/E có thể tăng vọt, biến định giá từ rẻ thành đắt. P/E “rẻ” từ đó có thể là cái bẫy, đánh lừa các nhà đầu tư giá trị. Vì vậy, nếu tham gia mua dài hạn, nhà đầu tư cần xem xét kĩ về mặt cơ bản để tìm ra những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt, tránh mua vào những cổ phiểu “rẻ, nhưng xứng đáng rẻ”.

Thanh Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán