Chứng khoán Việt Nam ở “giai đoạn vàng” tìm kiếm cơ hội sinh lời

(Banker.vn) Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong “giai đoạn vàng” để tìm kiếm cơ hội sinh lời từ dòng vốn nhàn rỗi.
Nhà đầu tư cá nhân Đài Loan muốn tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam

Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm Đầu tư Tài Chính 2022: “Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 29/6.

Khắc phục “lỗ hổng”

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nửa năm 2022 đã đi qua với những dấu ấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam và cả những biến động trên thị trường chứng khoán. Trong đó, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng GDP tích cực, ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo mục tiêu, môi trường kinh doanh thuận lợi và doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ.

Phó Chủ tịch VCCI cho biết, riêng với thị trường chứng khoán, sau 2 năm bùng nổ trong đại dịch, những lỗ hổng, các vấn đề chưa được hoàn thiện trên thị trường đã bộc lộ. Nhưng với sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, bằng những hành động và thông điệp cụ thể, đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả.

Đại diện VCCI cũng cho biết, thực tế các vụ việc gần đây cho thấy, một số tổ chức, cá nhân có những vi phạm, pháp luật như bắt tay nhau thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián không công bố, tác động đến giá chứng khoán để trục lợi… Việc cơ quan chức năng vào cuộc không chỉ để xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định, mà còn là tiếng chuông cảnh báo đối với những hành động và dòng tiền có mục đích tương tự.

Tọa đàm “Đầu tư tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán”
Tọa đàm “Đầu tư tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán”

Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, đi cùng với hướng phục hồi của điểm số, chính trong thử thách, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài. Những diễn biến này thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường. Niềm tin đó của nhà đầu tư nước ngoài, hướng phục hồi mạnh là sự ủng hộ của thị trường đối với những giải pháp, bước đi quyết liệt của Chính phủ trong chủ trương thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn thị trường vốn toàn cầu nói chung và thị trường vốn Việt Nam cần phát huy vai trò của mình là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm cơ hội sinh lời từ dòng vốn nhàn rỗi” - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động chủ yếu bởi việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất, hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu chính sách tiền tệ được gọi là Monetary Policy là chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia. Trả lời câu hỏi "chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán của Việt Nam ra sao?" TS Hiếu lý giải, với Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng bị tác động mạnh bởi việc Fed tăng lãi suất. VN-Index giảm khoảng 20% từ đầu năm, và xuống mức thấp nhất 1.169 điểm ngày 22/6, 1 tuần lễ sau khi Fed tăng lãi suất.

Có thể thấy, sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động chủ yếu bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Kinh tế đang trên đà phục hồi với GDP Quý II dự báo tăng 5,6% cao hơn quý I là 5%. Lạm phát quý II dự báo tăng 3,1% so với 1,9% của quý I/ 2022. Nhưng cuối cùng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn là một thị trường non trẻ, có phần chịu tác động bởi khối ngoại. Khi Fed tăng lãi suất làm các tài sản định nghĩa trên đồng đô la trở nên hấp dẫn hơn và đã thúc đẩy một phần các nhà đầu tư ngoại trên các thị trường rút tiền đầu tư với lợi suất cao hơn và an toàn hơn. Điều này đưa đến việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trên thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng thường bị ảnh hưởng bởi các xu hướng tại các thị trường lớn. Do đó, khi các thị trường lớn đi vào trạng thái “bearish” (thị trường giảm giá) thì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chạy theo với một độ trễ.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, về tình hình thế giới, bức tranh phục hồi năm 2021 rất tốt, tuy nhiên năm nay đã khó khăn hơn nhiều và tiếp tục không đồng đều.

Trong khó khăn có cơ hội

Theo dự báo mới đây của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), giá xăng dầu tăng bình quân khoảng 55%, thấp hơn một chút so với mức tăng của năm ngoái là 67%, kéo theo giá cả hàng hóa khác cũng tăng ở mức tương đối. Do đó, các nước đã phải đưa ra một loạt chính sách thay đổi, nhất là tăng lãi suất ở nhiều nước khác nhau.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đông tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, về tình hình thế giới, bức tranh phục hồi năm 2021 rất tốt, tuy nhiên năm nay đã khó khăn hơn nhiều và tiếp tục không đồng đều.
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, về tình hình thế giới, bức tranh phục hồi năm 2021 rất tốt, tuy nhiên năm nay đã khó khăn hơn nhiều và tiếp tục không đồng đều

TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra động lực tăng trưởng của Việt Nam cả về phía cung về phía cầu được thể hiện rõ nét, trong đó phía cung có hai trụ cột là công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ, cụ thể là du lịch trong nước đã phục hồi nhanh cùng với lưu trú, ăn uống, bán lẻ đã quay trở lại mức gần bằng trước dịch. Ở phía cầu, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt, đầu tư và tiêu dùng phục hồi khá hơn.

Tình hình doanh nghiệp phục hồi cũng rất rõ nét, lượng doanh nghiệp thành lập mới và những doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng rất mạnh. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tiếp tục tăng ở mức trên 40% để thấy rằng, một số lĩnh vực ngành nghề vẫn còn rất khó khăn.

“Một điểm băn khoăn lớn hiện nay là thị trường chứng khoán đã, đang điều chỉnh và giảm điểm tương đối mạnh từ đầu năm, trong đó chỉ số VN-Index giảm khoảng 20% còn chỉ số HNX giảm khoảng 40%. Giá cổ phiếu của một số ngành phục hồi còn chậm, giá cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán thậm chí đã giảm trong những tháng đầu năm, cho thấy mức độ băn khoăn của nhà đầu tư đối với lĩnh vực này ngày càng lớn. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và việc lành mạnh hóa thì thị trường sẽ tốt lên" - TS. Cấn Văn Lực cho hay.

TS. Cấn Văn Lực phân tích, bên cạnh đó, các tác động của thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là xung đột Nga - Ukraine và chính sách tài khóa tiền tệ của các nước khi thu hẹp chính sách nới lỏng định lượng và tăng lãi suất. Điều này tác động tới mặt bằng lãi suất, tỷ giá và chứng khoán, dẫn đến hiện tượng dịch chuyển kênh đầu tư, tài sản đến khu vực an toàn hơn. Đặc biệt, hành vi của nhà đầu tư cũng thay đổi khi bắt đầu tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn, thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Chứng khoán Việt Nam ở “giai đoạn vàng” tìm kiếm cơ hội sinh lời

Về cơ hội cho lĩnh vực chứng khoán, trong khó khăn thách thức vẫn có nhiều cơ hội khi kinh tế phục hồi, lạm phát cơ bản được kiểm soát và đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, thể chế pháp luật hoàn thiện ở mức độ tốt hơn. Cùng với đó, những sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới đã và đang được Uỷ ban chứng khoán nhà nước bổ sung đa dạng hóa. Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm nay vẫn có thể tăng từ 20 - 25%, chỉ thấp hơn mức 30 - 33% của năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn tích cực.

TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị: "Vẫn còn rất nhiều cơ hội để đầu tư trên thị trường, nhưng nhà đầu tư phải xác định được khẩu vị rủi ro để có chiến lược phù hợp, đồng thời tiếp cận theo hướng đa dạng hóa hơn, đòn bẩy tài chính hợp lý hơn, hạn chế tâm lý đám đông và tích lũy thêm kiến thức kinh nghiệm...

Theo bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát hành Thị trường, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2022 có nhiều diễn biến phức tạp và không thuận lợi như năm 2021, một năm bùng nổ của thị trường chứng khoán.

Theo Vụ trưởng Vụ Phát hành Thị trường, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, với bối cảnh hiện nay, diễn biến của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2022 sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc điều hành thị trường trong thời gian tới, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ có những thay đổi chính sách, trong đó chú trọng nâng cao các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển bền vững.

Cùng với đó, từ nay đến cuối năm, sẽ khẩn trương đưa hệ thống công nghệ thông tin vào vận hành. Đây là giải pháp công nghệ cho toàn bộ thị trường chứng khoán, cung cấp sự thay đổi cho thị trường giao dịch và thị trường thanh toán; nhằm giải quyết tăng trưởng và hỗ trợ triển khai các giải pháp giao dịch mới cũng như giải pháp thanh toán bù trừ mới; hỗ trợ tốt hơn cho việc nâng hạng thị trường trong thời gian tới.

Trang Anh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục