Chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạn trong tháng 9/2021?

(Banker.vn) Tổ chức xếp hạng MSCI vừa công bố kết quả phân loại thị trường chứng khoán thế giới. Theo kết quả được công bố, thị tường chứng khoán Việt Nam tiếp tục "lỡ hẹn" với cơ hội nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier markets) lên thị trường mới nổi (Emerging markets). Đây là điều đã được các tổ chức sớm dự báo khi ngày 10/6 vừa qua, trong báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu 2021, MSCI vẫn giữ nguyên các đánh giá của mình tại các tiêu chí đánh giá với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ở một diễn biến khác, MSCI đang xem xét khả năng đưa thị trường Pakistan từ thị trường mới nổi về thị trường cận biên trong kỳ đánh giá tháng 11/2021 do không còn đáp ứng được các tiêu chí về quy mô và thanh khoản. Ngoài ra, không có cổ phiếu nào của Pakistan đáp ứng tiêu chí về quy mô và thanh khoản trong khung phân loại của MSCI.

Thị trường Pakistan vừa được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 11/2020. Khi đó, Pakistan đang là thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong khu vực cận biên với tỷ trọng khoảng 30%.

Trong trường hợp trở lại thị trường cận biên, MSCI ước tính Pakistan sẽ chiếm tỷ trọng 2,3% trong rổ MSCI Frontier Markets Index với số lượng 4 cổ phiếu. Trong khi đó, thị trường Việt Nam vẫn giữ vị trí lớn nhất trong rổ chỉ số này, nhưng tỷ trọng giảm nhẹ từ 31% xuống 30,3% và số lượng cổ phiếu vẫn giữ nguyên ở con số 20.

Với rổ MSCI Frontier Markets 100 Index, thị trường Pakistan có thể chiếm tỷ trọng 5,8% với số lượng 13 cổ phiếu trong khi thị trường Việt Nam giữ vững vị trí số 1 với tỷ trọng 31,4% (tăng nhẹ 0,4% so với hiện tại) và số lượng cổ phiếu giữ nguyên ở con số 34.

Ước tính danh mục MSCI Frontier Markets 100 Index khi Pakistan xuống hạng

Cũng trong kỳ đánh giá này, MSCI cũng thông báo sẽ đưa Argentina từ thị trường mới nổi sang thị trường độc lập (Standalone Markets) trong đợt đánh giá tháng 11/2021. Đây là thông tin có phần tích cực với thị trường Việt Nam khi điều này sẽ không ảnh hưởng tới tỷ trọng thị trường Việt Nam trong rổ chỉ số Frontier Markets.

Cửa sáng nhưng chưa mở

Được biết, ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi (Emerging Markets) trước năm 2025.

Hiện, thị trường Việt Nam vẫn nằm trong danh sách thị trường cận biên (Frontier Markets).

Việc nâng hạng thị trường là yếu tố quan trọng để giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dòng vốn quốc tế nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), Việt Nam có thể là ứng cử viên tiềm năng cho việc nâng hạng thị trường mới nổi năm 2021 hoặc muộn nhất là 2022.

Theo đánh giá của MASVN, nếu vào MSCI Emerging Markets Index, tỉ trọng danh mục cổ phiếu Việt Nam sẽ ở mức 0,4% - 0,6%, tương đương cổ phiếu Việt Nam sẽ được mua vào 100 - 149 triệu USD.

Nếu vào FTSE Emerging Markets Index, cổ phiếu Việt Nam sẽ được mua vào 250 - 450 triệu USD.

MASVN cho rằng, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện các tiêu chí để đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường của MSCI và FTSE.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) nhận định TTCK Việt Nam có cơ hội được xét nâng hạng FTSE vào tháng 9/2021.

Việt Nam đã có 3 năm trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE kể từ khi lần đầu tham gia vào tháng 9/2018. Theo bộ tiêu chí FTSE Russell (cập nhật tháng 9/2020), TTCK Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng.

Về MSCI, Việt Nam vẫn còn 9/17 tiêu chí cần phải cải thiện. Nếu so với Kuwait mới được nâng hạng năm 2020, Việt Nam vẫn còn 5 tiêu chí còn phải cải thiện để có thể nâng hạng.

Gỡ nút thắt để nâng hạng thị trường

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường mới nổi, Việt Nam cần mở rộng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Việc này sẽ giúp tăng quy mô vốn hóa thị trường và tăng tỉ trọng của thị trường Việt Nam trong rổ chỉ số của thị trường mới nổi.

Yếu tố thứ hai liên quan đến triển vọng nâng hạng là cơ chế thanh toán DvP (Delivery versus payment), không yêu cầu ký quỹ thanh toán (pre-fund trades).

Theo BSC, việc khắc phục hai tồn tại trên sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai mô hình đối tác trung tâm (CCP) mà Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đang thực hiện với đối tác Hàn Quốc.

Trường hợp VSD vận hành mô hình CCP và cho phép nhà đầu tư ứng trước tiền trước thời điểm xét hạng vào tháng 9.2021 thì Việt Nam có cơ hội sẽ được nâng hạng.

BSC cũng cho biết FTSE Russell ghi nhận tính xây dựng của cơ quan quản lý Việt Nam trong 12 tháng qua (2020).

Cuối cùng, cấu trúc tài khoản tổng (omnibus account) cho phép đại diện các quỹ đầu tư nước ngoài được giao dịch đồng thời cho nhiều tài khoản ẩn danh. Cấu trúc tài khoản tổng đã trở thành một điều kiện nâng hạng đối với trường hợp của Kuwait, trong khi các quốc gia được nâng hạng trước đây như UAE, Qatar và Arab Saudi không cần điều kiện này.

PV

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán