Chứng khoán tuần từ ngày 27-31/5: Áp lực bán mạnh tiếp diễn?

(Banker.vn) Tâm lý nhà đầu tư luôn nhạy cảm với diễn biến trên thị trường tiền tệ nên có thể áp lực bán mạnh còn duy trì trong những phiên đầu tuần tới.
Chứng khoán tuần từ ngày 13-17/5: Xu hướng đảo chiều giảm điểm chưa được xác nhận Chứng khoán tuần từ ngày 20-24/5: Dự báo áp lực bán chốt lời song cơ hội tăng điểm vẫn còn

Thị trường trải qua một tuần tăng giảm đan xen. Tuy nhiên, sau phiên giảm mạnh kèm thanh khoản tăng cao trong phiên cuối tuần khiến rủi ro thị trường vào nhịp phân phối gia tăng.

Chứng khoán tuần từ ngày 27-31/5: Áp lực bán mạnh tiếp diễn?
Tâm lý nhà đầu tư luôn nhạy cảm với diễn biến trên thị trường tiền tệ nên có thể áp lực bán mạnh còn duy trì trong những phiên đầu tuần tới

Thị trường chứng khoán trải qua một tuần nhiều biến động và kết tuần bằng một phiên giảm sâu khiến chỉ số VN-Index có tuần giảm nhẹ. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 1.261,93 điểm, giảm 11,18 điểm so với phiên cuối tuần trước, tương đương với mức giảm khoảng 0,88%. HNX-Index cũng kết thúc chuỗi tăng giá tốt khi giảm điểm phiên cuối tuần, tuy nhiên tính chung cả tuần vẫn tăng nhẹ 0,09% lên mức 241,72 điểm.

Như vậy, chỉ số VN-Index đã không trụ được mức kháng cự 1.280 điểm, mà chính thức cắt đứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp trước đó.

Thanh khoản trên HoSE đạt 125.907,48 tỷ đồng, tăng mạnh 34,3% so với tuần trước, gia tăng trên mức trung bình, cho thấy mức độ đầu cơ ngắn hạn, xoay vòng gia tăng. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng mạnh với giá trị 3.134,9 tỷ đồng trên HoSE, phần lớn đến từ áp lực bán ròng của quỹ Fubon. Thời gian qua, quỹ này bán ròng liên tiếp, tập trung ở các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép trong VN30. Trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng với giá trị 62,02 tỷ đồng.

Trong 5 phiên giao dịch tuần qua, các cổ phiếu ngành bảo hiểm để lại dấu ấn tăng mạnh khi nhiều mã hướng đến vùng đỉnh cũ lịch sử, nổi bật như: MIG tăng 20,35%, BMI tăng 10,17%, BVH tăng 9,18%, ABI tăng 7,63, BIC tăng 7,52%...

Trái với diễn biến tăng giá mạnh trong những tuần trước, nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông đa số bắt đầu chịu áp lực bán, điều chỉnh mạnh với thanh khoản vược mức trung bình như: VTP giảm 8,13%, CTR giảm 5,88%, FOX giảm 3,05%, CMG giảm 2,61%...

Diễn biến tương tự xảy ra ở các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán khi chịu áp lực bán mạnh nhưng có sự phân hóa. Trong khi các mã VND giảm 8,45%, CSI giảm 6,74%, VFS giảm 6,67%, APG giảm 5,42%...., thì ngược lại cũng có một số mã vẫn tăng tích cực như: BVS tăng 10,50%, TVB tăng 9,22%, APS tăng 5,80%...

Trong khi đó các cổ phiếu bất động sản dân dụng, bất động sản khu công nghiệp, cao su đa số cũng chịu áp lực bán mạnh đột biến trong phiên cuối tuần và kết tuần giảm như: DRH giảm 7,51%, NTL giảm 6,61%, DIG giảm 4,96%, NDN giảm 4,59%... nhóm này vẫn có một số mã tăng khá như: CSC tăng 21,89%, NHA tăng 14,34%, DTD tăng 11,66%, HDG tăng 10,58%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến không nổi bật và có sự phân hóa. Các mã ngân hàng lớn không tạo được sự dẫn dắt, trong khi một số mã giảm như: BVB giảm 4,76%, TCB giảm 3,83%, SHB giảm 3,75%, TPB giảm 3,53%… Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng có một số mã có diễn biến tăng bất ngờ khi xuất hiện các thông tin tích cực như: ABB tăng 10,26%, KLB tăng 5,31%, ACB tăng 3,53%...

Trong tuần, thanh khoản toàn thị trường chứng khoán tăng rất mạnh so với tuần trước. Dòng tiền trong tuần có sự luân phiên giữa các nhóm ngành, song tập trung nhiều hơn vào các nhóm vốn hóa trung bình, nhỏ. Tính chung trên toàn thị trường, thanh khoản bình quân 3 sàn đạt tới 32.279 tỷ đồng/phiên, tăng tới +40,2% so với tuần trước.

Nhận định về thị trường chứng khoán tuần tới, theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, sau khi vượt lên trên vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm để quay trở lại kênh giá 1.250 điểm -1.300 điểm, VN-Index đang chịu áp lực kiểm tra lại vùng dưới của kênh giá này. Nếu giữ được vùng hỗ trợ 1.250 điểm trong các phiên sắp tới, chỉ số vẫn có thể duy trì kỳ vọng phục hồi trở lại hướng tới vùng 1.282 điểm – 1.287 điểm.

Mặc dù một số thông tin vĩ mô vẫn khá tích cực (như xuất nhập khẩu tăng trưởng, cán cân thương mại thặng dư 6,36 tỷ USD...) nhưng áp lực tỷ giá vẫn cao khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu mới và lãi suất trúng thầu tín phiếu đã tăng từ mức 4%/năm lên 4,2%/năm. Trong bối cảnh đó, SHS kỳ vọng VN-Index sẽ duy trì được vùng hỗ trợ 1.245 điểm -1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023, SHS phân tích.

Cùng chung quan điểm với SHS, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, thanh khoản tăng cao với khối lượng khớp lệnh trên HoSE tăng mạnh 70,8% so với mức trung bình 20 phiên trong phiên cuối tuần. Chỉ số giảm mạnh với khối lượng cao là một tín hiệu xấu nhưng điểm tích cực là VN-Index chưa xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.250-1.260 điểm nên xu hướng giảm điểm vẫn chưa được xác nhận.

“Hiện tại nhà đầu tư hạn chế việc mua thêm. Trong trường hợp giảm mạnh, kỳ vọng ngưỡng hỗ trợ 1.220 điểm sẽ là mốc giữ thị trường lấy lại cân bằng”, CSI đưa ra lời khuyên.

Những thông tin dự báo về thị trường chứng khoán chỉ mang tính chất tham khảo!

Song Hà

Theo: Báo Công Thương