Chứng khoán tuần từ 22-26/4: Thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc

(Banker.vn) Thị trường trải qua tuần giao dịch “đen tối” với 4 phiên nhưng cả 4 phiên đều giảm. Chốt tuần VN-Index đóng cửa tại mốc 1.174 điểm, giảm tới 101,75 điểm (-8%).
Chứng khoán tuần từ 8-12/4: Sau nhịp điều chỉnh, VN-Index có hướng đến vùng an toàn? Chứng khoán tuần từ 15-19/4: Nhà đầu tư kỳ vọng VN-Index phục hồi lên vùng 1.280 - 1.300 điểm

Với mức giảm trên, quy mô vốn hóa thị trường sàn HoSE mất mốc 5 triệu tỷ đồng, "bốc hơi" 413.329 tỷ đồng (tương đương 16,24 tỷ USD) xuống còn 4,78 triệu tỷ đồng. Đợt điều chỉnh mạnh tuần qua cũng đưa VN-Index vào nhóm 10 chỉ số giảm mạnh nhất thế giới trong một tháng trở lại đây với mức giảm 5,44%.

Chứng khoán tuần từ 22-26/4: Thị trường chưa thấy dấu hiệu hồi phục rõ ràng
Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch “đen tối” với 4 phiên giảm tới 101,75 điểm, tương đương 8%. Ảnh minh họa

Thị trường giảm điểm rất mạnh trong tuần qua khi không giữ được vùng giá hỗ trợ giá cao nhất năm 2023 tương ứng quanh 1.250 điểm, đồng thời kết thúc xu hướng tăng kéo dài trong 5 tháng qua khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên kém tích cực hơn bên cạnh các tin tức tiêu cực từ tình hình thế giới.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính, chứng khoán có mức giảm sâu, điển hình như: BSI (-20,70%), FTS (-18,70%), VDS (-17,31%), VIX (-16,41%)... Các cổ phiếu ngân hàng hầu hết cũng chịu áp lực bán mạnh và giảm khá sâu như: CTG (-11,98%), TPB (-11,23%), NVB (-10,68%), BID (-9,46%)... Trong khi đó, trong nhóm này cũng có một số cổ phiếu “lội ngược dòng” so với thị trường chung như: LPB (+2,81%), SGB (+0,68%)…

Cùng với nhóm tài chính ngân hàng, cổ phiếu bất động sản cũng dẫn đầu đà giảm với thanh khoản tăng đột biến. Ngoại trừ mã QCG tăng bất ngờ tăng 23,45%, thì nhiều mã bất động sản giảm trên 20% trong tuần như: FIR (-23,45%), CEO (-21,33%), DXG (-21,21%)… Dù mức giảm nhẹ hơn, song các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trong tuần cũng có diễn biến giảm sâu như: DTD (-16,20%), KBC (-16,17%), BCM (-15,41%), VGC (-13,23%)…

Ngoài ra, các mã cổ phiếu nhóm phân bón, hóa chất cũng giảm như: LAS (-12,89%), DPM (-10,09%), BFC (-9,92%), CSV (-14,94%), DGC (-9,40%)... Các mã ngành thủy sản, nông nghiệp cũng không ngoại lệ như: SBT (-16,02%), DBC (-15,86%), PAN (-13,53%), IDI (-12,35%), ANV (-10,84%)...

Trong tuần, thanh khoản trên HoSE đạt 130.590 tỷ đồng, tăng 36% so với tuần trước - trên mức trung bình, cho thấy áp lực bán gia tăng mạnh, đột biến hơn ở nhiều mã/nhóm mã. Nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch sôi động hơn, tiếp tục bán ròng với giá trị hơn 1.500 tỷ đồng trên HoSE.

Khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VNM với giá trị đạt 124,82 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 1,97 triệu đơn vị. Cổ phiếu dẫn đầu danh mục mua ròng theo khối lượng là GEX, đạt 5,17 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 105,37 tỷ đồng.

Một tuần giảm điểm sâu với thanh khoản tăng cao sẽ khiến tâm lý giao dịch những tuần tới bị ảnh hưởng và thị trường ở thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu hồi phục một cách rõ ràng.

Với việc VN-Index liên tục giảm điểm, lo ngại rủi ro chỉ số rơi về các ngưỡng sâu hơn trong các phiên giao dịch tuần tới trước áp lực tỷ giá, tăng lãi suất, các nhóm phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Vietcombank khuyến cáo các nhà đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư có tỷ trọng cao hoặc sử dụng margin nên tranh thủ các nhịp hồi phục để cơ cấu lại và hạ tỷ trọng danh mục về mức an toàn.

Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, các nhóm phân tích chứng khoán khuyến cáo không nên giải ngân trong bối cảnh hiện tại, không nên sử dụng margin và giải ngân bắt đáy sớm, kiên nhẫn chờ đợi nhịp tích lũy tin cậy hơn.

Sau khi thất bại trong phiên đầu tuần ngày 15/4 bởi khuyến nghị nhà đầu tư có thể mở mua thăm dò, Công ty Chứng khoán ASEAN cũng chuyển qua trạng thái dự báo thận trọng khi dự báo xu hướng giảm vẫn còn hiện hữu, đồng thời đưa ra lời khuyên nhà đầu tư tiếp tục quan sát, tránh mua mới quá sớm và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp đến trung bình.

Cùng chung quan điểm với các nhóm phân tích, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng đưa ra nhận định, một tuần giảm điểm sâu với thanh khoản tăng cao sẽ khiến tâm lý của các tuần giao dịch tiếp theo bị ảnh hưởng. Vì vậy bên bán khả năng sẽ vẫn áp đảo trong các phiên giao dịch tới đây. Hai vùng hỗ trợ 1.210 và 1.180 điểm bị phá vỡ chỉ sau hai phiên giao dịch cho thấy tâm lý bán áp đảo và mạnh mẽ.

“Nhà đầu tư chờ đợi phản ứng với các vùng hỗ trợ như 1.150 và 1.180 điểm, nếu có dấu hiệu tăng giá kèm thanh khoản mạnh mới có thể giải ngân”, đơn vị phân tích khuyến nghị.

Những thông tin dự báo về thị trường chứng khoán chỉ mang tính chất tham khảo!

Song Hà

Theo: Báo Công Thương