Chứng khoán tuần từ 22-26/1: Nhóm vốn hóa lớn có thể dẫn dắt VN-Index kháng cự tại mốc 1.190 điểm

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán vận động tích cực và đã hình thành nhịp tăng ngắn hạn mới, tuy nhiên VN-Index sẽ sớm gặp cản tâm lý 1.200 điểm nên có thể có rung lắc.
Chứng khoán tuần từ 8-12/1/2024: Vùng 1.160 điểm có thể gây áp lực cung lớn cho thị trường Chứng khoán tuần từ 15-19/1/2024: Ngưỡng kháng cự 1.150 điểm có thể chưa kết thúc

Trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 22/1), nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản có thể dẫn dắt VN-Index tăng và hướng lên kháng cự tại mốc 1.190 điểm.

Chứng khoán tuần từ 22-26/1: Nhóm vốn hóa lớn có thể dẫn dắt VN-Index kháng cự tại mốc 1.190 điểm
Thị trường chứng khoán vận động tích cực và khả năng hình thành nhịp tăng ngắn hạn mới

Nhìn lại thị trường chứng khoán tuần từ ngày 15-18/1, VN-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, tăng tổng cộng 26,8 điểm (tương đương 2,32%), đóng cửa ở mốc 1.181,5 điểm. HNX-Index kém tích cực hơn khi giảm 0,36% về mức 229,48 điểm.

Theo đó, thanh khoản trên HoSE đạt 70.340 tỷ đồng, giảm khá mạnh (28,4%) so với tuần trước. Thanh khoản HNX-Index giảm mạnh hơn (35,8%) với 5.840 tỷ đồng được giao dịch.

Điểm tích cực là dòng tiền có tín hiệu trở lại với nhóm trụ cột là ngân hàng khi các mã như BID, VCB và CTG là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index và đóng góp hơn 7 điểm cho chỉ số.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài sau 2 tuần bán ròng đã gia tăng giao dịch và mua ròng trở lại với giá trị 586,2 tỷ đồng trên HOSE, trong đó mua ròng trở lại khá tốt ở nhóm ngân hàng, bán lẻ, thép...; tiếp tục bán ròng trên HNX với giá trị 38,71 tỷ đồng.

Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường đã vượt qua vùng cản 1.170 điểm, thanh khoản tăng khi có rung lắc, cho thấy dòng tiền vẫn còn nỗ lực hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên với mức tăng điểm nhanh và dòng tiền phân bổ không đồng đều có khả năng sẽ tạo trạng thái tranh chấp và rung lắc trong các phiên giao dịch tiếp theo.

Dưới góc nhìn của Chứng khoán SHS về thị trường ngắn hạn, thị trường vận động tích cực và đã hình thành nhịp tăng ngắn hạn mới, tuy nhiên VN-Index sẽ sớm gặp cản tâm lý 1.200 điểm và có thể có rung lắc, cản mạnh thực sự của nhịp tăng ngắn hạn sẽ là cản trên của kênh tích lũy trung hạn quanh vùng 1.250 điểm.

“Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục nắm giữ danh mục, hạn chế mua đuổi gia tăng tỷ trọng khi VN-Index đang dần tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang dần củng cố và hình thành nền tảng tích lũy nhưng quá trình này sẽ kéo dài, nhà đầu tư trung dài hạn hoàn toàn có thể giải ngân nhưng với quan điểm mua tích lũy dần vì thời điểm hình thành uptrend mới sẽ còn khá dài”, SHS đưa ra lời khuyên.

Với quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cho rằng, sau một cú vượt hơn 10 điểm lên trên 1.180 thì thị trường có thể dao động nhẹ trở lại trong vài nhịp trong tuần tới và tiếp tục tạo nền quanh vùng này. Đà tăng thị trường hiện vẫn đang tiếp diễn vì vậy nhà đầu tư vẫn có thể yên tâm tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

"Nhịp tăng điểm vừa qua của thị trường vẫn chủ yếu dựa vào các nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là ngân hàng. Với nhiều mã ngân hàng tăng trên 20%, thậm chí có mã tăng đến 30- 40% như BID, CTG... đa số các mã nhóm này đã vào vùng quá mua. Điều này có tạo ra rủi ro khi các mã ngân hàng này điều chỉnh do áp lực chốt lời tăng không?", ông Nguyễn Hồng Khanh phân tích.

Nhận định về thị trường dài hạn, báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán mới công bố của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, trong năm 2024, chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng 1.140 - 1.400 điểm.

"Các biện pháp, chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng phát huy hiệu quả mạnh mẽ và có tính lan tỏa. Đặc biệt là các chính sách liên quan tới thị trường bất động sản, ngành ngân hàng", báo cáo nêu.

Từ những thông tin trên thị trường, ACBS khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào các nhóm ngành vốn hóa lớn, định giá hấp dẫn so với lịch sử, có khả năng hấp thụ dòng tiền và triển vọng phục hồi lợi nhuận so với năm 2023 như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ và tiêu dùng.

*Những thông tin nhận định thị trường chứng khoán chỉ mang tính tham khảo!

Song Hà

Theo: Báo Công Thương