Chứng khoán tuần từ 11-15/3: Thị trường sớm phục hồi sau nhịp rung lắc mạnh?

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán đều tin rằng xu hướng tăng trung hạn của thị trường chưa bị phá vỡ. Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn và mua vào cổ phiếu tốt.
Chứng khoán tuần từ 5-7/2: Thị trường giao dịch giằng co do tâm lý nghỉ Tết? Chứng khoán tuần từ 19-23/2: Thị trường có gặp khó bởi rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 1.200 điểm?

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch biến động mạnh với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chỉ số VN-Index sau khi vượt đỉnh của năm 2023 đã trải qua tuần giao dịch tăng, giảm đan xen với biên độ khá lớn. Áp lực chốt lời tăng mạnh khi chỉ số VN-Index chưa chinh phục ngưỡng kháng cự 1.280 điểm (vùng đỉnh tháng 9/2022). Kết thúc phiên cuối tuần, VN-Index giảm 21,11 điểm, đóng cửa tại mốc 1.247,35 điểm khiến chỉ số VN-Index có một tuần giảm nhẹ.

Chứng khoán tuần từ 11-15/3: Sau nhịp rung lắc mạnh, thị trường sớm có cơ hội hồi phục trở lại?
Kết thúc phiên cuối tuần ngày 8/3, VN-Index giảm 21,11 điểm, đóng cửa tại mốc 1.247,35 điểm. Ảnh minh họa

Trong tuần, trong khi một số nhóm ngành duy trì sự tích cực thì nhiều nhóm ngành quay lại diễn biến tiêu cực hơn, điển hình là nhóm ngân hàng chịu áp lực bán mạnh - đây là nguyên nhân tạo áp lực khiến chỉ số giảm mạnh phiên cuối tuần. Nhiều mã kết thúc tuần giảm khá mạnh so với tuần trước như: TPB (-6,30%), BVB (-6,09%), MSB (-5,71%), BID (-4,49%)...

Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có diễn biến kém tích cực so với thị trường chung. Ngoài một số mã tăng giá tốt với VRC (+25,69%), NBB (+13,79%), NHA (+5,52%), NLG (+5,01%)... thì đa số chịu áp lực điều chỉnh, giảm điểm như AGG (-5,39%), NVL (-4,62%), CEO (-3,98%), DIG (-3,63%)...

Trong khi các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có diễn biến phân hóa tích cực hơn với BCM (+8,96%), KBC (+6,09%)... ; thì nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh giảm như VGC (-2,34%), DTD (-2,05%), IDC (-1,87%)...

Với nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến tăng giá vượt trội, nhiều mã tăng giá rất mạnh như: AGR (+16,02%), AGR (+14,54%), DSC (+13,27%), CTS (+9,77%), PSI (+7,95%)... Trong khi đó, các mã chịu áp lực điều chỉnh, nhất là trong phiên cuối tuần như: SSI (-1,47%), BSI (-1,03%)...

Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia cuộc đua gom cổ phiếu chứng khoán, nhưng áp lực bán cổ phiếu lớn và chứng chỉ quỹ, đã khiến khối này vẫn bán ròng gần 650 tỷ đồng.

Thống kê trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 2 phiên và bán ròng 3 phiên. Tổng cộng, khối này đã bán ròng 10,42 triệu đơn vị, tăng gấp hơn 8,4 lần so với tuần trước; tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 653,47 tỷ đồng, trong khi tuần trước mua ròng 108,42 tỷ đồng.

Trong đó, khối này mua vào 373,59 triệu đơn vị, giá trị đạt 11.403,46 tỷ đồng (giảm 11,85% về lượng và 2,86% về giá trị so với tuần trước) và bán ra 384 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 12.056,93 tỷ đồng (giảm 9,62% về lượng nhưng tăng 3,66% về giá trị so với tuần trước).

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2 phiên và mua ròng 3 phiên. Tổng cộng trong tuần, khối này đã mua ròng 2,72 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 36,77 tỷ đồng, tăng 56,25% về lượng và 62,2% về giá trị so với tuần trước.

Khối này mua vào 22,57 triệu đơn vị, giá trị 509,18 tỷ đồng (tăng 27,18% về lượng và 15,22% về giá trị so với tuần trước); và bán ra 19,85 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 472,41 tỷ đồng (tăng 24% về lượng và 12,68% về giá trị so với tuần trước).

Điểm nhấn thị trường tuần qua là thanh khoản gia tăng đột biến, giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt hơn 30.000 tỷ đồng mỗi phiên, tăng khoảng 16% so với tuần trước.

Dữ liệu Fiintrade cho thấy, đây là tuần có giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 4/2022. Giá trị giao dịch bình quân phiên tăng ở ngành bất động sản, chứng khoán, xây dựng, ngân hàng, hóa chất, thực phẩm, bán lẻ. Trong khi thép, nuôi trồng nông và hải sản, dầu khí có thanh khoản gần như không đổi so với tuần trước. Còn về giá, cả ngân hàng, thép, bất động sản "rủ nhau" giảm điểm trong tuần này.

Nhận định về hình thái thị trường chứng khoán trong tuần tới, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, áp lực điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index đang ở mức cao. Dù vậy, khi xu hướng vẫn đang được duy trì, chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm có cơ hội hồi phục trở lại tại các vùng hỗ trợ, gần là quanh 1.240 điểm và sâu hơn là 1.215 điểm (+-10 điểm). Nhà đầu tư được khuyến nghị nên giải ngân từng phần, tăng tỷ trọng giao dịch lướt sóng cho vị thế nắm giữ khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ.

Theo quan điểm của Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), xét trên biểu đồ tuần, xu hướng tăng điểm vẫn chưa bị bẻ gãy, nên khả năng cao là nhịp điều chỉnh hình thành bởi phiên giảm mạnh hôm nay cũng chỉ ngắn hạn. CSI kỳ vọng mốc hỗ trợ 1.180 - 1.200 điểm cho đợt điều chỉnh lần này, sau đó thị trường sẽ quay lại xu hướng tích cực. Vì vậy ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần kiên nhẫn, chưa vội vàng mở vị thế mua quay trở lại và chỉ ưu tiên vị thế quan sát.

Song Hà

Theo: Báo Công Thương