Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 19 – 23/7/2021, VN-Index giảm 30,48 điểm, tương đương giảm 2,35%, xuống 1.268,8 điểm. Chỉ số chỉ tăng điểm tại 2 trên 5 phiên giao dịch trong tuần với 143 mã tăng và 220 mã giảm. VCB, VPB và BID là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi lần lượt -5,52, -3,99 và -2,50 điểm. Trong khi đó, VNM, FPT và DGC là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho chỉ số, đóng góp +0,96, +0,91 và +0,48 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 18.125,5 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng 2.628,51 tỷ đồng trên sàn HSX trong tuần này.
Trên sàn HNX, Hnx-Index đóng cửa tuần này tại mức 301,77 điểm, giảm -5,99 điểm, tương đương -1,95%. Chỉ số cũng chỉ tăng điểm tại 2 trên 5 phiên giao dịch trong tuần với 106 mã tăng và 173 mã giảm. SHB, BAB và NVB là 3 mã có tác động tiêu cực nhất cho chỉ Hnx-Index, lấy đi -3,62, -1,32 và -0,91 điểm. Ở chiều ngược lại, VND, IDC và THD là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho chỉ số, đóng góp +0,36, +0,29 và +0,25 điểm. Giá trị giao dịch đạt 2.239,9 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 395,98 tỷ đồng trên sàn HNX trong tuần này.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt BVSC trong tuần này, VN-Index dự báo có thể gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh mạnh trong những phiên đầu tuần trước khi hồi phục tăng điểm trở lại về cuối tuần. Vùng 1.200-1.240 điểm vẫn đóng vai trò là vùng hỗ trợ mạnh cho thị trường trong giai đoạn này. Mặt khác, chỉ số cần vượt qua vùng kháng cự 1.296-1.305 điểm để xác nhận cho khả năng kéo dài nhịp hồi phục hiện tại. Tình hình kiểm soát dịch COVDI-19, diễn biến thị trường chứng khoán thế giới, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của HOSE-Index và thông tin kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là các yếu tố chính chi phối thị trường trong tuần cuối tháng 7.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ hồi phục chậm và chuyển qua trạng thái tích lũy tạo nền giá mới trong ngắn hạn. Dòng tiền sẽ tập trung chú ý nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong giai đoạn tới. BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 25-40% cổ phiếu, có thể xem xét nâng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục nếu thị trường kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.200-1.240 điểm hoặc vượt thành công vùng kháng cự 1.296-1.305 điểm.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDirect nhìn nhận tuần qua chỉ số VN-Index tiếp tục điều chỉnh và kết thúc phiên ngày thứ sáu đạt 1.268,8 điểm, giảm tới 30,5 điểm (-2,3%) so với cuối tuần trước trước đó. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do hoạt động cắt lỗ của nhà đầu tư mua vào ở vùng giá cao trước đó, bao gồm VIB (-4,5%), VCI (-5,3%), VPB (-6,3%), LPB (-6,6%), AGR (-7,8%), CTG (-8,8%). Các cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí cũng chịu áp lức bán khi giá dầu điều chỉnh, gồm PVD (-7,7%), PVT (-2,7%) và PXS (-1.9%). Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin và bất động sản có dấu hiệu khởi sắc, như là FPT (+4.7%), CRE (+6.9%), NLG (+4.9%), KDH (+7.0%).
Trong tuần trước, thị trường tiếp tục giảm điểm nhưng lực bắt đáy cũng đã xuất hiện giúp làm chậm lại gà giảm của thị trường. Bắt đầu xuất hiện sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu khi kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết dần được hé lộ. Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó với trung bình khoảng 18.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Thanh khoản giảm là do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước diễn biến khó lường của tình hình dịch bệnh trên cả nước. Một bộ phận nhà đầu tư đã chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu và đứng ngoài thị trường quan sát để giảm thiểu và hạn chế rủi ro trong lúc này.
“Trong tuần tới, nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ dần thông báo kết quả kinh doanh quý II/2021. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng những thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II đã được phản ánh vào diễn biến giá trước đó. Trong tuần tới, chúng tôi cho rằng vùng đấy trước đó là 1.230-1.240 điểm. Hiện chưa có đủ cơ sở để thị trường bật tăng mạnh trở lại. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng, giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải (khoảng 30-60% cổ phiếu) và hạn chế sử dụng đòn bẩy tại thời điểm này” – ông Đinh Quang Hinh nhận định.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|