Chứng khoán tuần 23 từ 3/6-9/6/2024: VN-Index tạo đà để tăng điểm trước khi vượt qua vùng đỉnh?

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán đã có tuần khởi sắc đón nhận những tín hiệu tích cực nhưng VN-Index vẫn chưa đủ sức để chinh phục được mốc 1.290 điểm.
Chứng khoán tuần từ ngày 27-31/5: Áp lực bán mạnh tiếp diễn? Chứng khoán tuần từ 27/5 -2/6: Thị trường vẫn cần thời gian tích lũy?

Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch đầu tiên của tháng 6 với xu hướng tích cực chiếm ưu thế (4/5 phiên tăng điểm). Thị trường đón nhận những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, tỷ giá cho đến đà bán ròng của khối ngoại dần hạ nhiệt.

Thống kê giao dịch trên sàn HOSE tuần qua, chỉ số VN-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày 6/6. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 25,86 điểm (+2,05%) lên mức 1.287,58 điểm.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 114.017 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,1% so với tuần trước. Thị trường duy trì vận động trong vùng 1.250 - 1.300 điểm. Nhiều mã và nhóm mã vẫn luân phiên thu hút dòng tiền, lực cầu gia tăng tốt tập trung vào nhóm mã vốn hóa lớn trong rổ VN30 (+1,8%), vốn hóa nhỏ (+1,4%).

Chứng khoán tuần từ 3/6/-9/6:VN-Index
Chứng khoán tuần từ 3/6/-9/6: VN-Index tạo đà để tăng điểm nỗ lực vượt qua vùng đỉnh

Tuy nhiên liên tiếp 4 phiên sau đó là kịch bản quen thuộc, khi thị trường cố gắng mở tốc ngay trong phiên sáng nhưng gặp khó khăn trước nguồn cung tại vùng đỉnh, cũng như sự suy yếu của chính lực cầu.

Dòng tiền gần như không quan tâm nhiều đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn- động lực chính để chỉ số bứt phá. Trong khi đó, các nhóm ngành cổ phiếu vừa và nhỏ là đích đến của dòng tiền.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 1.287,58 điểm, tăng +25,86 điểm, tương đương +2,04% so với cuối tuần trước. Thị trường khởi đầu tuần bằng một phiên tăng khá ấn tượng, đưa chỉ số dễ dàng lấy lại mốc 1.280 điểm. Chỉ số VN-Index sau đó giằng co trong biên độ hẹp, nhưng vẫn giữ được mốc trên, cho dù nỗ lực vượt vùng đỉnh bất thành.

Cũng trong tuần, cổ phiếu các nhóm ngành trên thị trường đều có sự tăng trưởng so với tuần trước. Theo đó, nhóm ngành viễn thông dẫn đầu đà tăng, tăng +6,7% so với tuần trước; tiếp đến là ngành công nghệ thông tin với +6,1%; thứ ba là nhóm ngành tiêu dùng với +5,5%... Bên cạnh đó, một số ngành cũng tăng điểm khá so với tuần trước đó như: Công nghiệp, dầu khí, ngân hàng, nguyên vật liệu, tài chính…

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin có diễn biến khá nổi bật khi tăng mạnh, tiêu biểu là cổ phiếu đầu tàu như: FPT (+5,5%), ITD (+30,31%), CMG (+12,32%)…

Các cổ phiếu nhóm ngành bảo hiểm cũng tăng trưởng tốt với nhiều mã nổi bật như: BVH (+3,46%), MIG (+3,35%)... Nhóm cổ phiếu thực phẩm và đồ uống tăng với sự góp mặt của: SAB (+16,47%), VNM (+3,67%), BNA (+16,82%), SAF (+7,96%)... Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa, bên cạnh sắc xanh đến từ VCB (+1,94%), TCB (+4,47%), STB (+10,41%)… thì cũng đi ngang của VPB (+0%) hay sắc đỏ từ EIB (-0,75%)…

Trong khi đó, các cổ phiếu hóa chất điều chỉnh giảm -1,9% chủ yếu do DGC (-3,33%), thì cổ phiếu phân bón tuần qua ghi nhận sự tích cực với DCM (+4,13%), DPM (+8,19%), BFC (+3,55%).

Thanh khoản là yếu tố còn thiếu sót của thị trường. Thanh khoản khớp lệnh gần như đi ngang, chỉ tương đương mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HoSE đạt 856 triệu cổ phiếu (-0,35%), tương ứng 22.764 tỷ đồng (+3,92%) về giá trị giao dịch.

Khối ngoại vẫn có một tuần giao dịch bán ròng nhưng giá trị bán ròng đã giảm đáng kể. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng 1.687 tỷ đồng trên toàn thị trường, giảm rất mạnh so với con số kỷ lục của tuần trước khoảng 7.800 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại vẫn duy trì chuỗi tuần bán ròng mạnh và liên tục, nâng giá trị bán ròng tính từ đầu năm lên tới 36.572 tỷ đồng.

Tâm lý của các nhà đầu tư nội cũng tích cực hơn trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Ở thời điểm hiện tại, xu hướng tích lũy đã tiếp diễn được 4 phiên ở vùng tiệm cận mức đỉnh của năm 2024.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua đón nhận một số thông tin tích cực và có tác động phần nào tới tâm lý của nhà đầu tư. Ở trong nước, thị trường tiền tệ cũng có sự hạ nhiệt về tỷ giá và giá vàng. Cùng với đà giảm của giá vàng thế giới và giải pháp bán vàng thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng SJC trong nước tuần vừa qua đã giảm mạnh về 76,98 triệu đồng/lượng so với 87 triệu đồng cuối tuần trước (31/5), chênh lệch với giá thế giới cũng giảm chỉ còn hơn 4 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán kiến thiết Việt Nam cho rằng, vẫn chưa nhận thấy tín hiệu đảo chiều, nên xác suất cao nhịp tích lũy này là để VN-Index bùng nổ, vượt qua mức đỉnh của tháng 3 vừa qua.

Trong khi đó, chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đông Á đưa quan điểm, thị trường vẫn đi ngang ở vùng cao, xu hướng tăng vẫn được duy trì với kịch bản 1.300 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao vừa phải, nhưng cũng không nên mua đuổi giá mà đợi tín hiệu thị trường xác nhận việc vượt đỉnh.

Thị trường tuần tới sẽ ít thông tin tác động hơn, ngoại trừ diễn biến trên thị trường tiền tệ trong nước, cũng như sự kỳ vọng về phiên họp của Fed sắp tới. Do đó, sự bứt phá có thể chưa xảy ra nhưng với những tín hiệu hiện có, kết hợp với tâm lý tích cực hơn, chỉ số VN-Index vẫn có khả tăng tiếp cận ngưỡng 1.300 điểm trong ngắn hạn./.

Những thông tin dự báo về thị trường chứng khoán chỉ mang tính chất tham khảo!

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương