Chứng khoán Shinhan lần đầu đưa ra khuyến nghị cho cổ phiếu VCB

(Banker.vn) Trong báo cáo mới đây, CTCK Shinhan (SSV) đánh giá Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HoSE: VCB) luôn duy trì được lợi thế là ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất, chất lượng tài sản cải thiện tốt qua các năm, và không ngừng nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi số. Ngoài ra, VCB luôn hướng tới chuẩn mực quốc tế trong suốt quá trình hoạt động, liên tục được các tổ chức uy tín trên thế giới tín nhiệm.

Chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt trội

Chất lượng tài sản của VCB được thể hiện rõ qua tỷ lệ nợ xấu (NPL) duy trì thấp và trích lập dự phòng (LLR)luôn ở mức cao, giúp VCB giữ vững vị thế trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động sau đại dịch. Tỷ lệ nợxấu VCB tiếp tục giảm còn 0,61% cuối Q2/2022 nhưng đang tăng trở lại lên 0,8% cuối Q3/2022, tuy nhiên vẫn thuộc nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp, cho thấy Ngân hàng đang kiểm soát tốt chất lượng nợcho vay, cũng như đánh giá được chất lượng tệp khách hàng.

Định hướng kinh doanh và cho vay của VCB luôn theo hướng thận trọng khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay của Ngân hàng cũng như cao nhất trong hệ thống. Tỷ lệ LLR đạt 424% cuối năm 2021, tăng lên 504% trong 1H2022, có giảm nhẹ trong Q3 khi đạt 402% cuối Q3/2022 duy trì được vị trí dẫn đầu và bỏ xa các đối thủ khác trong ngành. Trên thực tế, việc trích lập tỷ lệ dự phòng tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng, VCB chủ trương giảm mức độ khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo đồng thời tăng trích lập dự phòng. Bên cạnh đó, VCB đã thực hiện trích lập 100% đối với các khoản nợđược tái cơ cấu trong chính sách hỗ trợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN.

Nguồn: SSV
Nguồn: SSV

Thực hiện tăng vốn nhằm duy trì tỷ lệ an toàn vốn

VCB duy trì tỷ lệ CAR ở mức trên yêu cầu là 8% theo yêu cầu của Basel II, cụ thể Ngân hàng đạt 9,47% cuối năm 2021, tăng lên 9,56% đến cuối T6/2022. Để đảm an toàn vốn khi VCB mở rộng kinh doanh và tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, việc tăng bộ đệm vốn cần được quan tâm. Do đó, năm 2021 và đầu năm 2022, VCB cũng đã thực hiện nhiều đợt phát hành trái phiếu bổ sung vào vốn cấp 2 để gia tăng chỉ số CAR.

Về mặt vốn chủ sở hữu, VCB tăng trưởng mạnh tính từ 2017 với gần 52.558 tỷ đồng lên 128.390 tỷ đồng tính tới cuối T9/2022, giữ vững lợi thế đứng đầu trong nhiều năm liền. Việc tăng vốn chủ sở hữu mạnh mẽ được thực hiện khi VCB phát hành 111 triệu cổ phiếu cho đối tác GIC Private Limited (GIC) và Mizuho Bank Ltd năm 2019, và phát hành gần 1.024 triệu cổ phiếu để trả cổ tức được hoàn thành trong đầu năm 2022. Với vốn chủ sở hữu lớn mạnh, VCB thể hiện được sức chống chịu của mình, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều khó khăn. Tỷ lệ đòn bẩy của VCB giảm dần qua các năm tuy nhiên vẫn ở mức khá cao 12,8x tính đến cuối T9/2022. Điều này dễ thấy tại các ngân hàng quốc doanh khi việc tăng vốn điều lệ diễn ra có nhiều khó khăn hơn.

Nguồn: SSV
Nguồn: SSV

Quản lý thanh khoản chặt chẽ

Nhìn chung, VCB thực hiện quản lý thanh khoản khá chặt chẽ khi tỷ lệ dự nợ cho vay trên tiền gửi (LDR) luôn dưới mức quy định tối đa của NHNN. LDR (tính theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN) của VCB đạt gần 75% cuối năm 2021, tăng nhẹ lên 79,4% cuối T9/2022, còn cách khá xa với quy định tỷ lệ LDR tối đa cho ngân hàng thương mại nhà nước là 90% theo Thông tư 36. So sánh tỷ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR thuần) với các ngân hàng khác trong ngành, VCB thuộc nhóm có tỷ lệ thấp khi đạt khoảng 84,6% năm 2021 và 9T2022 đạt 92,09%. Với thanh khoản tốt, ngân hàng có nhiều tiềm năng tăng trưởng về mặt cho vay, và khả năng đáp ứng kịp thời khi có lượng rút tiền lớn từ khách hàng.

Nguồn: SSV
Nguồn: SSV

Nguồn vốn huy động dồi dào, bền vững

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước nói chung có lợi thế trong cuộc đua huy động tiền nhờ vào danh tiếng, đặc thù hoạt động, cũng như mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trải rộng khắp cả nước. Có thể thấy tại VCB, tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) khác tăng qua các năm đạt 104.044 tỷ đồng (+3,10% YoY) trong 2021, nhưng lại tăng đột biến trong 9T2022 đạt 173.006 tỷ đồng (+70,29% YoY). Bên cạnh đó, tiền gửi và vay Chính phủ và NHNN cũng có mức tăng lên đạt 93.953 tỷ đồng (+978,78% YoY) tại cuối Q3/2022. Nhờ vậy, VCB không chịu quá nhiều áp lực tăng lãi suất huy động trong giai đoạn này, và có thể hạn chế được đà tăng của chi phí vốn.

Nhìn chung, mức tăng trưởng tiền gửi của khách hàng của VCB giảm qua các năm, tiền gửi từ khách hàng đạt gần 1.135 triệu tỷ đồng (+10% YoY) cuối năm 2021, chỉ tăng khoảng 62 nghìn tỷ đồng lên 1.197 triệu tỷ đồng (+8,01% YoY) vào cuối Q3/2022. Trong đó, cấu phần tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã có phần tăng tỷ trọng đạt 50% kể từ trong 2021.

Nguồn: SSV
Nguồn: SSV

Danh mục cho vay dần chuyển sang bán lẻ

Dư nợ cho vay khách hàng đạt 960.750 tỷ đồng năm 2021, đạt hơn 1 triệu tỷ đồng trong 9T2022, ghi nhận mức tăng CAGR gần 17% từ năm 2017. Dựa trên tổng dư nợ cho vay của 27 ngân hàng niêm yết, thị phần dư nợ cho vay của VCB duy trì tỷ trọng quanh 13% trong tổng dư nợ cho vay toàn ngành. Tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân tăng từ 45% cuối năm 2020 lên 47% năm 2021, phù hợp với trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh doanh của Ngân hàng là tăng tỷ trọng dư nợ bán lẻ.

Mục tiêu chiến lược của Ngân hàng đến năm 2025 là trở thành ngân hàng số 1 về bán lẻ và ngân hàng đầu tư. Do đó, VCB có nhiều triển vọng tăng thu nhập lãi đến từ tệp khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay cao hơn. Danh mục cho vay theo ngành nghề của VCB tập trung chủ yếu vào các ngành ít rủi ro, nhằm hỗ trợ phục hồi, và phát triển kinh tế trong nước. Ngân hàng hợp tác, cho vay chủ yếu với các doanh nghiệp trong ngành thương mại, công nghiệp chế biến, và sản xuất tận dụng lợi thế nguồn ngoại tệ dồi dào, quy mô lớn, quan hệ rộng với nhiều đối tác lớn.

Nguồn: SSV
Nguồn: SSV

Lợi nhuận đứng đầu ngành

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) duy trì tăng, mức tăng trưởng bật trở lại trong 2021, đạt 56.724 tỷ đồng (+15,61% YoY), Q3/2022 đạt 16.714 tỷ đồng (+26,12% YoY). Lợi nhuận trước thuế (LNTT) của VCB tăng nhanh qua các năm, năm 2021 đạt 27.385 tỷ đồng (+18,82% YoY), và dẫn đầu ngành nhờ vào kết quả khả quan của các mảng kinh doanh. Sau khi bị VPB vượt mặt về LNTT trong Q1/2022, VCB đã giành lại ngôi vương trong Q2 và Q3/2022 khi đạt được 7.566 tỷ đồng (+31,87% YoY) trong Q3/2022.

Kinh doanh ngoài lãi đạt 14,324 tỷ đồng (+12,12% YoY) trong 2021, lũy kế 9T/2022 đạt 10.983 tỷ đồng (+7,3% YoY), góp phần vào sự tăng trưởng mạnh của lợi nhuận trước thuế. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngoài lãi, lần lượt chiếm 52% và 31% cuối năm 2021. Thu nhập từ hoạt động ngoại hối đạt mốc 4.375 tỷ đồng (+12% YoY) năm 2021, cao hơn hẳn so với các ngân hàng khác trong ngành, và tiếp tục giữ vững lợi thế trong 9T2022 khi lũy kế 9T đạt 4.580 tỷ đồng (+43,06% YoY).

Nguồn: SSV
Nguồn: SSV

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng duy trì đà tăng khi đạt 7.407 tỷ đồng năm 2021 (+12,11% YoY), tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ so với năm trước đó do VCB đã thực hiện giảm các loại phí dịch vụ cho tất cả các đối tượng khách hàng nhằm hỗ trợ trong mùa dịch. Lũy kế 9T giảm nhẹ đạt 4.508 tỷ đồng (-9,73% YoY), điều này có thể đến từ việc từ 2022, VCB đưa ra chính sách miễn phí mọi giao dịch chuyển tiền, miễn phí quản lý và duy trì trên VCB Digibank. Với việc sở hữu hơn 600 chi nhánh, phòng giao dịch (tính đến cuối năm 2021), chính sách miễn phí sẽ là chất xúc tác giúp VCB thu hút được lượng khách hàng đáng kể trong tương lai, tăng tỷ lệ CASA và cải thiện được phần chi phí vốn. Bên cạnh đó, từ 2021, VCB đã tập trung thực hiện chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tăng tính cạnh trạnh giành thị phần bán lẻ với các ngân hàng tư nhân lớn đã thực hiện chuyển đổi số từ nhiều năm trước.

Khuyến nghị Mua cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 87.200 đồng/cổ phiếu

SSV dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2022 của VCB là 18% dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh khá tốt của Ngân hàng cũng như kì vọng có thêm một đợt nới room nữa từ NHNN. Tiền gửi khách hàng tiếp tục đà tăng tương đương 15,9% khi VCB cũng đã thực hiện tăng lãi suất tiền gửi, cũng như phát triển các sản phẩm khác thu hút khách hàng.

Trong bối cảnh nợ xấu được kì vọng sẽ tăng nhanh khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hạn vào T6/2022, nợ xấu tại VCB đã tăng nhanh trong Q3/2022 lên 0,8%, do đó chúng tối kì vọng sẽ không có nhiều biến động trong Q4/2022. SSV dự phóng nợ xấu cả năm 2022 của VCB sẽ về mức 0,7%. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng năm 2022 giảm 9,5%. Do đã trích lập dự phòng nhiều từ các năm trước nên chi phí dự phòng được dự phóng không còn áp lực trích lập thêm vào các năm sau. Với các dự phóng trên, SSV kì vọng thu nhập lãi thuần tăng 15,7% dựa trên kết quả kinh doanh lũy kế 9T2022 đã tăng gần 22% YoY.

Kết hợp phương pháp định giá thu nhập thặng dư (residual income- RI) và P/B với tỷ trọng lần lượt 60/40, SSV đưa ra khuyến nghị Mua cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 87.200 đồng/cổ phiếu.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thế Hưng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục