Chứng khoán Shinhan: Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 115.300 đồng/cp

(Banker.vn) CTCK Shinhan Việt Nam (SSV) vừa công bố báo cáo cập nhật cổ phiếu FPT của Công ty CP FPT. Sử dụng phương pháp định giá P/E và Chiết khấu dòng tiền (DCF) với tỷ trọng 50%-50%, SSV khuyến nghị mua đối với FPT, giá mục tiêu 115.300 đồng/cp.
SSV khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 115.300 đồng/cp (Hình minh họa)
SSV khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 115.300 đồng/cp (Hình minh họa)

FPT là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ với các mảng kinh doanh cốt lõi có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ cùng với sức khỏe tài chính lành mạnh. SSV cập nhật giá mục tiêu của FPT ở mức 115.300 đồng dựa vào kỳ vọng về doanh thu và lợi nhuận của FPT sẽ tiếp tục tăng vì: Tăng trưởng nhanh của mảng CNTT nước ngoài với những khách hàng lớn và chiến lược M&A hiệu quả; Các sản phẩm Made-by-FPT dần khẳng định được dấu ấn cùng mảng PayTV, Data Center (DC) & quảng cáo bứt tốc; Mảng giáo dục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ số lượng người học song hành với học phí gia tăng.

6 tháng đầu năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu thuần 19.826 tỷ đồng (+22% YoY) và LNTT 3.637 tỷ đồng (+24% YoY). FPT đạt được những con số trên nhờ vào sự tăng trưởng của tất cả các mảng kinh doanh. Đáng chú ý, ba mảng kinh doanh gồm CNTT nước ngoài, quảng cáo trực tuyến và giáo dục ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Dịch vụ CNTT: Dịch vụ CNTT nước ngoài (Fsoft) là động lực tăng trưởng chính khi doanh thu tăng 29% YoY. Trong đó, doanh thu từ Mỹ và APAC có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất lần lượt là 48% và 56% giúp doanh thu cả khối lên cao mặc dù thị trường Nhật Bản ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại do đồng Yên trượt giá. Ngoài ra, mảng chuyển đổi số (DX) tiếp tục là điểm sáng của tập đoàn khi doanh thu bứt phá 65% YoY với những công nghệ mới như Cloud, AI/Data, Blockchain.

Trong khi đó, Dịch vụ CNTT trong nước (FIS) bắt đầu chững lại khi doanh thu và LNTT chỉ tăng lần lượt 9% và 7% do khối khách hàng công giải ngân chậm cùng tình trạng khan hiếm tín dụng. Trong khi đó, các sản phẩm mảng bản sắc Made-by-FPT kéo dài đà tăng khi doanh thu tăng vọt 52%.

Viễn thông: Mảng viễn thông tiếp tục tăng trưởng hai con số và biên lợi nhuận được nâng cao nhờ vào lợi nhuận của mảng dịch vụ truyền hình. Biên lợi nhuận của cả khối cũng được cải thiện từ 18,3% lên 19,2%. Trong thời gian tới, động lực thúc đẩy doanh thu mảng Viễn thông sẽ đến từ tăng số lượng thuê bao băng thông rộng và mở rộng DCs cùng dịch vụ truyền hình.

Giáo dục: Doanh thu mảng giáo dục tiếp tục tăng 42% YoY lên mức 1.935 tỷ đồng. Động lực chính đến từ số lượng người học quy đổi trên toàn hệ thống tăng tới 42,5% YoY.

Rủi ro: Cạnh tranh trực tiếp đến từ các công ty tại Trung Quốc và Ấn Độ; thiếu hụt nhân lực CNTT chất lượng cao; Rủi ro tỷ giá.

Sử dụng phương pháp định giá P/E và Chiết khấu dòng tiền (DCF) với tỷ trọng 50%-50% để định giá FPT. SSV duy trì khuyến nghị mua với giá mục tiêu 115.300 đồng/cp, tương ứng với suất sinh lời 37%.

Dựa trên phương pháp P/E, SSV thu thập dữ liệu từ các doanh nghiệp trong ngành Công nghệ và Viễn thông hoạt động trên thế giới. Trung bình P/E của các doanh nghiệp Công nghệ và Viễn thông trong thống kê (ngoại trừ FPT) lần lượt là 24,92x và 16,63x. Kết hợp dự phóng LNST của FPT trong năm 2022, SSV kỳ vọng giá mục tiêu 12 tháng của FPT ở mức 110.000 đồng.

Thế Hưng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán