Một mã ngân hàng trở thành "đầu kéo" cho VN-Index
Tuần qua (18-22/12/2023), hai chỉ số chính của thị trường đã trở lại tăng điểm. Cụ thể, VN-Index tăng nhẹ 0,07% so với cuối tuần giao dịch trước, lên mức 1.103,06 điểm. HNX-Index tăng 0,55%, kết thúc tuần ở mức 228,27 điểm. Trái ngược đà tăng điểm, thanh khoản trên hai sàn tuần này giảm đáng kể so với tuần giao dịch trước. Trên sàn HOSE, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên giảm 16%, còn hơn 607,8 triệu cp/phiên. Còn ở HNX, thanh khoản trung bình giảm 18%, còn gần 72,9 triệu cp/phiên.
Xét về mức độ ảnh hưởng, BID trở thành đầu kéo chính cho VN-Index trong tuần qua với 4 phiên tăng liên tiếp, giúp chỉ số tăng gần 1,4 điểm. Kết phiên 22/12, thị giá BID dừng ở mức 42.450 đồng/cp, tăng 16% so với đầu năm và chỉ cách 2% so với đỉnh lịch sử 43.480 đồng/cp (giá điều chỉnh) thiết lập hồi cuối tháng 1/2022.
Hai đại diện thuộc nhóm ngân hàng khác là ACB và MBB cũng góp mặt trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất tuần, giúp chỉ số tăng tổng cộng khoảng 0,8 điểm.
Mặt khác, có tới 4 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng biểu hiện tiêu cực trong tuần qua, gồm VCB, VPB, CTG và OCB. Số cổ phiếu này đã lấy đi tổng cộng hơn 3,3 điểm của chỉ số. Trong đó, “anh cả” VCB và VPB kéo giảm lần lượt gần 1,8 điểm và 1,1 điểm, là top 2 cổ phiếu tiêu cực nhất tuần.
Dẫn dắt đà tăng của VN-Index tuần qua còn đến từ nhóm cổ phiếu đầu ngành như bán lẻ (MWG, PNJ), bất động sản (VHM), hàng không (VJC), thép (HPG), cao su (GVR) và nhựa (BMP). Số cổ phiếu này kéo tăng từ 0,2-0,6 điểm mỗi mã.
Đối với rổ VN30 tuần qua, ghi nhận sự cân bằng giữa sắc xanh và đỏ khi có 14 cổ phiếu ở nhóm tăng, 15 cổ phiếu nhóm kéo giảm và duy chỉ có SSB đứng ở vị trí trung lập không tham gia nhóm nào.
Dẫn đầu nhóm kéo giảm là VPB với gần 2,6 điểm, xếp sau FPT lấy đi hơn 1,7 điểm. Chiều ngược lại, “đầu kéo” chính của chỉ số là MWG với hơn 1,9 điểm, tiếp theo là ACB kéo tăng hơn 1,5 điểm.
Nguyên nhân chính giúp HNX-Index tăng điểm trở lại là hai cổ phiếu HTP và PVS kéo tăng 0,3 điểm mỗi mã. Phía bên kia, dẫn đầu nhóm kéo giảm là DTK với gần 0,3 điểm, xếp sau là PTI làm mất hơn 0,2 điểm của chỉ số.
Đưa ra dự báo về phiên giao dịch đầu tuần (25/12), Chứng khoán SHS cho rằng thị trường trong ngắn hạn đang tiếp tục xu hướng vận động tích lũy chặt chẽ trong khu vực kênh tích lũy trung hạn 1.100 - 1.150 điểm. Khả năng về nhịp tăng trở lại của VN-Index trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023 để hướng tới vùng cản gần nhất quanh 1.130 điểm vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên cũng không loại trừ kịch bản chỉ số tiếp tục diễn biến xoay quanh vùng 1.100 điểm với thanh khoản thấp.
Trong trung và dài hạn, SHS duy trì dự báo khả năng cao VN-Index sẽ tích lũy trong khu vực 1.100 - 1.150 điểm. Trong trường hợp tích cực hơn thì vùng tích lũy trung hạn sẽ là 1.150 - 1.250 điểm.
Thị trường trong ngắn hạn đang tích lũy và nếu VN-Index duy trì giao dịch trên ngưỡng 1.100 điểm thì vẫn có kỳ vọng phục hồi kỹ thuật. Nhà đầu tư ngắn hạn trong giai đoạn hiện tại nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục và theo dõi thêm diễn biến thị trường.
Nhà đầu tư trung hạn dài hạn vẫn có thể xem xét giải ngân dần trong các giai đoạn giảm điểm, mục tiêu nên hướng tới các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong năm tới và đang vận động trong trạng thái tích lũy.
Về góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng VN-Index đã khởi sắc hơn trong tuần vừa qua và kết tuần hình thành nến dragonfly doji ở khung đồ thị tuần. Ở đồ thị 1H, 2 chỉ báo MACD và RSI chưa cho dấu hiệu tạo đỉnh cho thấy VN-Index vẫn sẽ tiếp tục tích lũy và tiếp diễn xu hướng phục hồi trong thời gian tới.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn nên giữ vững tâm lý trong các phiên rung lắc và chưa cần hạ tỷ trọng tại thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu lại danh mục, gia tăng tỉ trọng hoặc mua mới đối với những cổ phiếu vẫn đang có diễn biến tốt, giữ vững vùng hỗ trợ hoặc có tín hiệu vượt đỉnh.
Theo Chứng khoán KB (KBSV), đà tăng điểm tuần qua của VN-Index chưa thực sự mang tính thuyết phục khi thanh khoản vẫn đang duy trì ở ngưỡng thấp, sự phân hóa đang diễn ra giữa các nhóm ngành và giữa các cổ phiếu trong nhóm ngành. Do vậy, chỉ số tiếp tục được dự báo có thể sẽ sớm gặp áp lực rung lắc tại vùng cản gần quanh 1110 (+-5).
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục sớm, có thể cân nhắc mua/bán linh hoạt 2 chiều tỷ trọng thấp tại các vùng hỗ trợ/kháng cự kế tiếp, cụ thể là cận dưới 1080 (+-15) và quanh 1110 (+-5).
Còn với Chứng khoán Kiến thiết (CSI), diễn biến của tuần qua chủ yếu đi ngang, biến động trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm nên không mang nhiều yếu tố đột biến tạo tín hiệu đảo chiều rõ nét.
Điểm nhấn đáng chú ý là VN-Index kiểm tra ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.080 điểm thì có lực đỡ, sau đó liên tục zích zắc tăng điểm nhẹ. Kết thúc tuần là một nến doji rút chân khá dài cho thấy sự lưỡng lự và phân vân cao độ của giới đầu tư.
Với những tín hiệu đó, khả năng đà giảm đã chững lại đáng kể, song tín hiệu tăng điểm vẫn chưa rõ ràng, nên xác suất cao thị trường sẽ tiếp tục biến động Sideway trong tuần tới.
CSI tiếp tục duy trì quan điểm nắm giữ danh mục và kiên nhẫn chờ đợi thêm tín hiệu xác nhận xu hướng tích cực trước khi mở vị thế mua tăng thêm tỷ trọng.
Giao dịch khối ngoại tuần 18-22/12: MWG bất ngờ tỏa sáng, HPG bị bán ròng hàng trăm tỷ Tạm tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị bán ròng của khối ngoại đã đạt ngưỡng 23.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, ... |
Khối ngoại đang khiến dòng tiền nội “chùn bước”, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy Trong tuần giao dịch từ 18-22/12, thị trường chứng khoán trong nước diễn biến khá ảm đạm. Dù chỉ số chính vẫn giữ được ngưỡng ... |
Ngóng chờ tin KRX, kịch bản nào cho VN-Index trong tuần tới? Dòng tiền vẫn đang ngóng chờ tin tức về hệ thống KRX. Với bối cảnh hiện tại, đâu là kịch bản cho VN-Index trong tuần ... |
Nguyên Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|