Chứng khoán Nhất Việt (VFS): Chính sách phục hồi kinh tế dần thẩm thấu, sinh khí TTCK đang quay trở lại

(Banker.vn) Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 6/2023 của Chứng khoán Nhất Việt (VFS), niềm tin của các nhà đầu tư dần được cải thiện theo những nỗ lực chính sách mạnh mẽ để phục hồi kinh tế của Chính phủ, phản ánh vào sự phục hồi thanh khoản của thị trường chứng khoán.
Niềm tin của các nhà đầu tư dần được cải thiện theo những nỗ lực chính sách để phục hồi kinh tế của Chính phủ
Niềm tin của các nhà đầu tư dần được cải thiện theo những nỗ lực chính sách để phục hồi kinh tế của Chính phủ

Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô thế giới, VFS cho biết, tại Mỹ, đà giảm giá năng lượng đã “tiếp sức” cho lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa qua đã quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành sau 10 lần tăng liên tục. Theo đó, các chuyên gia đánh giá, khả năng lãi suất của FED đã đạt đỉnh và sẽ duy trì trong nhiều tháng tới.

Tuy nhiên, vì mục tiêu lạm phát 2% vẫn còn xa và sức khỏe nền kinh tế khá tốt nên vẫn không thể loại trừ kịch bản FED tiếp tục tăng lãi suất từ 0,25% - 0,5% trong nửa cuối năm 2023. Mặt khác, việc Mỹ đạt được thoả thuận về trần nợ công chỉ vài ngày ngay trước thời điểm chính thức vỡ nợ cũng đã xóa bỏ rủi ro cho hệ thống tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đó, triển vọng các nền kinh tế lớn vẫn ảm đạm khi chỉ số quản lý thu mua (PMI) của ba đầu tàu cùng ghi nhận dưới mức 50 điểm.

Triển vọng các nền kinh tế lớn vẫn ảm đạm
Triển vọng các nền kinh tế lớn vẫn ảm đạm

Cụ thể, chỉ số PMI tháng 5 của Mỹ rơi xuống 48,4 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nền lãi suất cao và nhu cầu suy yếu. Trong khi đó, chỉ số PMI khu vực châu Âu đã giảm điểm 6 tháng liên tiếp và có tháng thứ 11 nằm dưới ngưỡng 50 điểm.

Lạm phát vẫn là nỗi lo lớn nhất hiện tại và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có kế hoạch sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành lên 4%, tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Dù đã mở cửa trở lại từ đầu năm 2023, song chỉ số PMI Trung Quốc tháng 5 cũng chỉ đạt 48,8 điểm, phản ánh triển vọng hồi phục không được ổn định.

Tại Việt Nam, chỉ số PMI tháng 5 cũng ghi nhận diễn biến tương tự khi giảm xuống còn 45,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Số lượng đơn hàng mới cũng chứng kiến đợt sụt giảm mạnh nhất trong vòng 20 tháng trở lại đây, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục mở rộng đà giảm. Trong bối cảnh nhu cầu của các thị trường lớn trên thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục khiến ngành sản xuất Việt Nam chịu nhiều áp lực, điều này làm gia tăng lo ngại về thời kỳ suy giảm kéo dài.

Hoạt động sản xuất tiếp tục cho thấy triển vọng kém khả quan của nền kinh tế
Hoạt động sản xuất tiếp tục cho thấy triển vọng kém khả quan của nền kinh tế

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm đạt 2,52 triệu tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng ở một số nhóm ngành như dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành đang có dấu hiệu chững lại.

Về xuất nhập khẩu, ngoại trừ tháng 3 mang tính chu kỳ, hoạt động này tiếp tục duy trì ở vùng thấp. Mặc dù đà giảm đã bắt đầu thu hẹp lại song với triển vọng kém khả quan của các thị trường thế giới, VFS đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu khó có khả năng đột biến trong những tháng tiếp theo.

Báo cáo của VFS cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2,43%, giúp CPI bình quân 5 tháng đạt 3,55%, tuy nhiên vẫn còn cách xa mục tiêu 4,5% của Chính phủ. VFS đánh giá, áp lực lạm phát có khả năng sẽ gia tăng trong những tháng tiếp theo bởi Bộ Công thương đã ban hành quyết định tăng giá điện bán lẻ 3% từ ngày 4/5.

Theo các chuyên gia, sự phản ánh vào CPI sẽ có độ trễ do chỉ số giá điện, nước sinh hoạt được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng tháng trước đó.

Lạm phát được kiểm soát
Lạm phát được kiểm soát

Diễn biến thị trường trái phiếu tiếp tục ảm đạm trong tháng 5 khi chỉ có 4 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 24.105 tỷ của tháng 5 năm 2022. Luỹ kế 5 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành đạt 34.258 tỷ đồng, bao gồm 28.727 tỷ phát hành riêng lẻ và 5.521 tỷ phát hành ra công chúng.

Cũng trong tháng 5, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 22.789 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ, có 16 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu và 19 doanh nghiệp đạt được thỏa thuận thay đổi điều kiện.

Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng theo VFS, nghị định 08 đã phần nào giúp doanh nghiệp có cơ hội đàm phán lại với trái chủ, giảm áp lực trong ngắn hạn. Đối với lượng đáo hạn trái phiếu gia tăng trong những tháng tiếp theo, VFS đánh giá, áp lực sẽ không quá lớn do doanh nghiệp đã có thời gian chuẩn bị cũng như công cụ để ứng phó.

Một điểm sáng khác trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn là nỗ lực giảm lãi suất điều hành liên tục trong vòng 3 tháng của Ngân hàng Nhà nước nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế. Theo VFS, chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt này sẽ dần được phản ánh rõ hơn vào lãi suất cho vay kể từ đầu quý III, hỗ trợ tiết giảm chi phí tài chính của nền kinh tế và kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Mặt khác, xu hướng thắt chặt tiền tệ của Mỹ bước vào giai đoạn chững lại cũng là cơ sở cho chính sách tiền tệ linh hoạt của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng cần kể tới nỗ lực giải ngân đầu tư công của Chính phủ. Báo cáo của VFS cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 đạt 157.095 tỷ đồng, tăng 42,6% về giá trị tuyệt đối so với 5 tháng đầu năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đạt 22,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với 20,3% cùng kỳ.

Trong đó tình hình thực hiện các dự án trọng điểm như 2 dự án cao tốc Bắc – Nam ghi nhận tốc độ giải ngân cao hơn trung bình, đóng góp tích cực cho tỷ lệ giải ngân chung. Tuy nhiên, do áp lực giải ngân năm nay rất lớn, số vốn cần giải ngân trong 7 tháng của năm tương đương bằng cả năm 2022, VFS cho rằng, cần nhiều quyết tâm hơn từ các bộ, ngành và địa phương để có thể hoàn thành kế hoạch cũng như tác động lan tỏa tích cực đến nền kinh tế.

Tình hình giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm qua các năm
Tình hình giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm qua các năm

Tựu trung, VFS đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế đang vận động trong pha suy yếu, những tác động từ các chính sách hỗ trợ sẽ cần từ một đến hai quý để có thể thẩm thấu và cải thiện tình hình. Dù vậy, trước những nỗ lực phục hồi kinh tế của chính phủ, niềm tin của nhà đầu tư đã dần được cải thiện, tác động lên xu hướng dòng tiền sẽ tiếp tục cải thiện dần. Theo đó, VFS dự báo, trên thị trường chứng khoán tháng 6, tháng 7, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.090 – 1.150 điểm.

Lịch chốt quyền trả cổ tức bằng tiền các doanh nghiệp tuần từ 26-30/6

Trong tuần từ 26-30/6, nhiều doanh nghiệp sẽ chốt danh sách trả cổ tức các đợt năm 2021, 2022 bằng tiền, tiêu biểu có thể ...

Chứng khoán tuần mới: Nhịp điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện

Tác động từ chứng khoán thế giới đến thị trường trong nước sẽ trở nên rõ nét hơn trong tuần mới, nhất là khi chỉ ...

Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 26/6/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả tổng hợp các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán