Chứng khoán ngày 6/9: Những mã cổ phiếu cần quan tâm

(Banker.vn) Trong phiên giao dịch ngày 6/9, các công ty chứng khoán đưa ra một số mã cổ phiếu như PHR, MSB, FMC, TNG, HPG... với những thông tin cập nhật đáng lưu ý.
Hai mã cổ phiếu FLC, HAI sẽ bị đình chỉ giao dịch

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS)

Khuyến nghị mã cổ phiếu PHR triển vọng tăng trung hạn

Trong phiên giao dịch trước đó, mã cổ phiếu PHR của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa vượt lên trên đường SMA 200 ngày cho thấy xu hướng tăng dài hạn đã quay trở lại. Thêm vào đó, điểm giao cắt vàng (golden cross) của đường SMA 50 ngày và SMA 100 ngày sắp xuất hiện dự báo triển vọng tăng trung hạn khá tích cực. Khối lượng giao dịch đã vượt trên mức trung bình 20 ngày chứng tỏ dòng tiền đang hướng về cổ phiếu này.

Cổ phiếu PVD của Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí đang gặp rủi ro điều chỉnh

Chứng khoán ngày 6/9: Những mã cổ phiếu cần quan tâm
Mã cổ phiếu PVD đang gặp rủi ro điều chỉnh

Mã cổ phiếu PVD đã hình thành mẫu hình nến Spinning Top cho thấy tâm lý giằng co của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chỉ báo MACD sắp cho bán trở lại nên rủi ro điều chỉnh đang tăng dần. Giá cổ phiếu không thể vượt lên trên vùng đỉnh cũ tháng 06/2022 (tương đương vùng 22.000-23.000) nên mô hình 2 đỉnh (double top) có thể xuất hiện.

Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam

Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành thêm 2 tỷ cổ phiếu

MSB sẽ phát hành thêm tối đa 472.500.000 cổ phiếu với tổng giá trị phát hành là 4.725 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành dự kiến sau phát hành sẽ tăng lên 2 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn giúp MSB nâng cao năng lực tài chính, đồng thời mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư mạnh mẽ cho các dự án chiến lược, đặc biệt là chuyển đổi số.

Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) doanh thu tăng 21,28% cùng kỳ

Theo báo cáo hoạt động của FMC, 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đạt kết quả kinh doanh khá khả quan. Cụ thể tôm thành phẩm chế biến của FMC đạt 58% kế hoạch và tôm thành phẩm tiêu thụ đạt 66% và nông sản thành phẩm chế biến đạt 69%. Doanh thu chung của FMC đạt 161,9 triệu USD, tương ứng 3.796 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 70,4% kế hoạch năm (năm 2022 FMC đặt kế hoạch đạt 5.290 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) ghi nhận doanh thu tiêu thụ tăng 32% so với cùng kỳ

Mã cổ phiếu TNG được cho là đáng chú ý vì công ty này mới báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 8/2022. Theo đó, doanh thu tiêu thụ tháng 8/2022 của TNG đạt 696 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và vượt 3% kế hoạch tháng. Xét về cơ cấu doanh thu, xuất khẩu đóng đến 99% vào tổng doanh thu 8 tháng của TNG với 686 tỷ đồng. Trong đó, thị trường xuất khẩu sang Mỹ vẫn dẫn đầu chiếm 40% và Pháp theo sau đạt 29%. Doanh thu TNG tăng 20% trong tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng đầu năm, TNG ghi nhận doanh thu tiêu thụ đạt 4.690 tỷ đồng, tương ứng tăng 32% so với cùng kỳ 2021. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 5.990 tỷ đồng, lãi sau thuế 279 tỷ đồng; lần lượt tăng 10% và 20,2% so với thực hiện 2021. Cổ tức tối thiểu đạt 16%. Như vậy, trong 8 tháng TNG đã hoàn thành 78% chỉ tiêu doanh thu năm 2022.

Công ty chứng khoán VNDirect (VND)

HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đang được định giá hấp dẫn để tích lũy lâu dài

Lợi nhuận ròng của HPG trong quý 2/2022 giảm mạnh 58,5% so với cùng kỳ do nhu cầu thép yếu làm giảm biên lợi nhuận gộp và ghi nhận lỗ ròng tỷ giá. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận ròng giảm 26,6% so với cùng kỳ xuống 12.249 tỷ đồng, tương đương chỉ 41,3% dự phóng cả năm của VND. Biên LN gộp tiếp tục xu hướng giảm từ mức 22,9% trong quý 1/2022 xuống 17,5% trong quý 2/2022 khi giá than cốc tăng cao.

Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) quý 2/2022 đã giảm mạnh 15,3% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ ống thép và tôn mạ yếu (HRC là đầu vào để sản xuất 2 sản phẩm này). Bên cạnh đó các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã tăng sản lượng xuất khẩu của họ khi thép Nga đang được bán phá giá vào thị trường quốc gia này.

Chứng khoán ngày 6/9: Những mã cổ phiếu cần quan tâm
VND kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của HPG sẽ được cải thiện dần từ quý 4/2022

VND kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của HPG sẽ được cải thiện dần từ quý 4/2022 nhờ giá thép được dự báo sẽ ổn định hơn trong những tháng cuối năm. Trong khi rủi ro giảm giá thép là thấp khi hiệu suất vận hành và lượng tồn kho tại các nhà máy thép Trung Quốc đang ở mức thấp nhất 1 năm qua. Đặc biệt, giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh trong 2 tháng qua sẽ phản ánh vào biên lợi nhuận gộp của quý 4/2022.

VND kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của HPG sẽ tăng lên lần lượt 22,5%-22,2% trong năm 2023-2024 từ mức 20,4% của năm 2022 do giá than cốc trong 2 năm tới được dự báo sẽ giảm xuống mức trước đại dịch, bên cạnh đóng góp lớn hơn của mỏ quặng sắt tại Australia. Kết quả là, lợi nhuận ròng năm 2023-24 sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 18,7%-8,3% so với cùng kỳ. Trong dài hạn, Khu liên hợp Dung Quất 2 được dự kiến đi vào hoạt động từ cuối 2024 sẽ giúp HPG lọt top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới với công suất 14,6 triệu tấn. HPG hiện đang được giao dịch ở mức P/E 2023 là 5,1 lần, thấp nhất trong 10 năm qua. Do đó, VND tin rằng mức định giá hiện tại là hấp dẫn để tích lũy trong dài hạn.

Thế Tào

Theo: Báo Công Thương