Chứng khoán ngành Công Thương: Phân tích cổ phiếu GEG của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai

(Banker.vn) Cập nhật những thông tin đáng chú ý, phân tích, định giá và khuyến nghị về cổ phiếu GEG của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai.
Chứng khoán ngành Công Thương: Phân tích cổ phiếu HAX của "ông hoàng xe sang" Haxaco

Thông tin đáng chú ý về Công ty Cổ phân Điện Gia Lai

Tháng 6/1989 Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (HOSE: GEG) được thành lập, tiền thân là Công ty Thủy điện Gia Lai - Kon Tum trực thuộc UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum. GEG chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2010. Với 34 năm hình thành và phát triển, hiện tại GEC sở hữu 12 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, 05 nhà máy điện mặt trời và 34 hệ thống điện áp mái, 03 nhà máy điện gió với tổng công suất 545 MWp. GEG đặt mục tiêu tổng công suất đạt 1.700+ MWp vào năm 2025, GEC hướng đến mở rộng thêm các loại hình mới là điện rác, điện sinh khối.

Ngày 19/09/2019, cổ phiếu GEG chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Hiện nay, số cổ phiếu GEG đang lưu hành là hơn 386 triệu cổ phiếu. Ước tính vốn hóa doanh nghiệp khoảng 5.676 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, GEG có vốn sở hữu nước ngoài chiếm 51.7% với cổ đông lớn nhất là JERA Asia Vietnam Holdings Pte. Ltd (thuộc Tập đoàn JERA Nhật Bản) đã nhận chuyển nhượng 113 triệu cổ phiếu, sở hữu 35.1% cổ phần. Ngày 27/12/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kết quả phát hành thành công 64.2 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức chuyển đổi riêng lẻ của GEG, tương ứng 642 tỷ đồng cho quỹ Deutsche Investitions - und Entwicklungsgesellschaft mbH (DEG).

Chứng khoán ngành Công Thương
GEG là doanh nghiệp có vốn sở hữu nước ngoài chiếm hơn 50%

Theo tìm hiểu, ngày 4/1/2023, GEG đã thông qua quyết định thành lập công ty mới là Công ty Cổ phần Năng Lượng Solwind với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, trong đó GEG nắm 49.99% (tương ứng hơn 49,9 tỷ đồng). Việc thành lập công ty này diễn ra trong bối cảnh GEG có động thái giải thể 2 công ty con là: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện mặt trời Phong Điền (đã thành lập nhưng GEG chưa góp vốn?) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây lắp và Cơ điện Gia Lai (Công ty do GEG sở hữu 100% vốn).

Trước đó, GEG cũng đã thông qua quyết định triển khai phương án chào bán hơn 30,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để đầu tư vào Công ty Cổ phần Năng lượng Điện Gió Tiền Giang, nhằm triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện Tân Phú Đông 1. Giá chào bán là 14.000 đồng/cổ phiếu và khối lượng vốn cần huy động là 425 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, GEG còn thông qua việc triển khai phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (cổ phiếu ESOP).

Phân tích, khuyến nghị cổ phiếu GEG

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đã có những phân tích, nhận định và khuyến nghị về cổ phiếu GEG của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai.

Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng, kết thúc ngày 30/09/2022, doanh thu thuần của GEG đạt 1.597 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 349 tỷ đồng, tăng 65% so với thời điểm năm trước.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ vào việc GEG vận hành 3 nhà máy điện gió mới kể từ cuối năm 2021 và thoái vốn khỏi NRE mang lại khoản thu nhập tài chính 165 tỷ đồng.

Theo dự phóng của PHS, doanh thu thuần của GEG sẽ tăng đáng kể trong năm 2023, có thể đạt 2.686 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 426 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng lần lượt là 27.1% và -8.65% so với 2022.

Kể từ Qúy I/2022, biên lợi nhuận gộp của GEG đã giảm sút do chi phí khấu hao tăng lên sau khi hoàn thành các nhà máy điện mới vào cuối năm 2021. Ngoài ra, biên lợi nhuận ròng cũng bị hao mòn do chi phí lãi vay tăng đột biến, việc tăng đáng kể các khoản vay để tài trợ cho các dự án điện đang triển khai.

PHS cho rằng, những tác động này sẽ kéo dài sang năm 2023, khi đó biên lợi nhuận gộp và biên suất lợi nhuận ròng sẽ giảm xuống lần lượt là 53% và 16% trong năm này.

Tuy nhiên, GEG có những điểm nhấn quan trọng như: Sản lượng và doanh thu sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023 nhờ nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 sắp đi vào hoạt động. Nhà máy này dự kiến sẽ có giá bán thấp hơn khoảng 15% so với FIT (biểu giá điện hỗ trợ là công cụ chính sách được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo) trước đây và mang lại doanh thu tăng thêm 520 tỷ đồng trong năm 2023.

Thêm nữa, GEG đang đẩy nhanh phát triển dự án điện gió mới VPL2 có tổng công suất 30MW vào năm 2023, cùng với Tân Phú Đông 1. Cả hai dự án này sẽ tăng gấp đôi công suất điện gió lắp đặt hiện tại sau khi hoàn thành và sẽ đóng góp hơn 670 tỷ đồng vào tổng doanh thu thuần vào năm 2024.

Chứng khoán ngành Công Thương: Phân tích cổ phiếu GEG của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai
Chứng khoán Phú Hưng khuyến nghị mua cổ phiếu GEG với giá mục tiêu là 23.000 đồng/cổ phiếu

Do đó, PHS định giá cổ phiếu GEG với ước tính giá trị hợp lý là 23.000 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 48%.

PHS cho rằng, việc định giá này đã gồm 2 nhà máy điện gió sắp tới với tổng công suất 130 MW nhưng chưa tính đến dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 với công suất 49 MWp do sự không chắc chắn liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời, do giá đề xuất của EVN cho các dự án điện mặt trời chuyển tiếp thấp hơn nhiều so với giá FIT trước đây, 1.188 đồng/kWh đối với điện mặt trời mặt đất và 1.570 đồng/kWh đối với điện mặt trời nổi).

PHS cho rằng, GEG có thể đối mặt với một số rủi ro như: Khả năng thanh toán phát sinh do đòn bẩy tài chính lớn; sự thay đổi bất lợi cho công ty trong chính sách điều hành của Chính phủ; suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 12/1, cổ phiếu GEG đóng cửa ở mốc 15.600 đồng/cổ phiếu.

PV

Theo: Báo Công Thương