Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc, Nasdaq giảm hơn 10% từ đỉnh

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 19/1/2022 bất chấp kết quả kinh doanh tích cực của nhiều doanh nghiệp lớn. Nasdaq đã mất hơn 10% so với đỉnh lịch sử và đang trong vùng điều chỉnh.

Kết phiên 19/1/2022, chỉ số Dow Jones sụt 340 điểm, tương đương gần 1%, và đóng cửa ở 35.029 điểm. Tác động tiêu cực nhất tới chỉ số bluechip này là cú giảm 3,1% của cổ phiếu tập đoàn sản xuất máy công nghiệp Caterpillar. S&P 500 cũng mất gần 1% và kết phiên ở gần 4.533 điểm.

Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 sụt 1,6% trong phiên 19/1 và đóng cửa ở mức thấp nhất 52 tuần.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,15% còn 14.340 điểm. Hiện nay, Nasdaq đang thấp hơn 10,7% so với đỉnh lịch sử thiết lập hôm 19/11. Phố Wall gọi việc giảm trên 10% tính từ đỉnh là rơi vào vùng điều chỉnh, còn mất trên 20% từ đình là rơi vào thị trường gấu.

Theo CNBC, thị trường chứng khoán Mỹ dao động giữa xanh và đỏ rồi kết phiên 19/1 ở mức đáy của ngày.

Lợi suất trái phiếu lên cao đang khiến thị trường hoảng loạn khi nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn kế hoạch đã thông báo. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 1,9% và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 12/2019.

Việc Nasdaq rơi vào vùng điều chỉnh xuất phát từ sự sa sút của một số cổ phiếu tăng trưởng có định giá bị thổi phồng trong đại dịch. Peloton đã mất hơn 80% so với đỉnh lịch sử. Zoom Video cũng giảm hơn 70%. Moderna, DocuSign và Paypal hiện đều thấp hơn trên 40% so với đỉnh.

Nguy cơ lãi suất tăng cao gây tác động tới nhóm công nghệ nặng nề hơn hẳn các nhóm cổ phiếu khác. Nguyên nhân là doanh nghiệp công nghệ vay nợ lớn để tài trợ cho các dự án nghiên cứu sáng tạo. Nasdaq đã rơi vào vùng điều chỉnh nhưng chỉ số thị trường S&P 500 chỉ thấp hơn khoảng 5% so với đỉnh.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đi xuống bất chấp nhiều ông lớn thông báo kết quả kinh doanh khả quan. Trong số 44 doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo quý IV, gần 73% có lợi nhuận vượt kỳ vọng của Phố Wall, số liệu từ FactSet cho biết.

Bank of America ghi nhận lợi nhuận cao hơn kỳ vọng của giới phân tích nhờ hoàn nhập dự phòng rủi ro trong thời đại dịch. Giá cổ phiếu tăng 0,4% sau khi sụt 3,4% trong phiên trước đó.

Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 1,8% sau khi công bố lợi nhuận vượt dự báo. Doanh thu giao dịch cổ phiếu quý IV tăng 13%. Các cổ phiếu ngân hàng khác như JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Wells Fargo đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Cổ phiếu Procter & Gamble tăng gần 3,4% sau khi thông báo kết quả kinh doanh tích cực hơn dự kiến, đồng thời nâng kế hoạch doanh thu cả năm tài khóa.

Trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1/2022, chỉ số VN-Index tăng 3,85 điểm (0,27%) lên 1.422,79 điểm. Toàn sàn có 250 mã tăng, 217 mã giảm và 217 mã đứng giá.

Chỉ số HNX-Index vẫn giảm 11,9 điểm (-2,83%) xuống 409,31 điểm. Chỉ số này giảm do vẫn chịu áp lực rất lớn từ sự lao dốc của các mã như THD, CEO hay L14. UPCOM-Index tăng 0,37 điểm (0,34%) lên 107,64 điểm.

Thanh khoản thị trường phiên hôm nay tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 25.900 tỷ đồng, tương đương gần 797 triệu đơn vị. Tính riêng trên HOSE thì thanh khoản đạt gần 23.000 tỷ đồng.

Đà tăng đã có sự lan tỏa ra nhiều nhóm ngành chứ không còn tập trung vào nhóm ngân hàng hay dầu khí như phiên trước đó.

Lâm Tuyền

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán