Chứng khoán Mỹ tiếp tục chìm sâu, Dow Jones mất tổng cộng 1.600 điểm

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 20/1/2022 khi mà nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về nguy cơ lãi suất lên cao trong năm nay.

Kết phiên 20/1/2022, chỉ số Nasdaq Composite có lúc tăng 2,1% nhưng đóng cửa trong sắc đỏ 1,3%. Trước đó vào phiên 19/1, Nasdaq đã đóng cửa thấp hơn 10% so với đỉnh thiết lập hôm 19/11, tức là rơi vào vùng thị trường gấu.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 313 điểm, tương đương 0,89%, và kết phiên ở 34.715 điểm. Trong ngày, có lúc chỉ số này từng đi lên tới hơn 400 điểm.

Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của Dow Jones, đẩy chỉ số này xuống dưới đường bình quân trượt (MA) 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 12. Trong 5 phiên vừa qua, Dow Jones mất tổng cộng 1.575 điểm.

Chỉ số S&P 500 kết phiên giảm 1,1% còn gần 4.483 điểm mặc dù trước đó có lúc tăng 1,5%. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021, S&P 500 đóng cửa ở dưới ngưỡng 4.500 điểm. So với đầu năm, chỉ số này đã mất 5,9%.

Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 giảm sâu nhất khi mất 1,9% trong phiên 20/1.

CNBC dẫn lời công ty nghiên cứu thị trường Bespoke Investment Group nhận định về việc nhà đầu tư bán mạnh vào buổi chiều 20/1: "Nhìn chung, chứng khoán Mỹ hồi phục từ buổi sáng đến buổi trưa nhưng rồi bị bán tháo vào buổi chiều. Những phiên giảm vào cuối ngày mạnh hơn so với trung bình một tháng thường không kéo theo thị trường diễn biến tiêu cực trong tương lai gần".

Cổ phiếu Peloton - công ty sản xuất thiết bị thể dục tại nhà - cắm đầu giảm 23,9% sau khi thông báo tạm dừng sản xuất nhiều dòng sản phẩm vì nhu cầu suy yếu.

Các cổ phiếu công nghệ như Zoom Video và Tesla dẫn dắt thị trường đi lên trong phần lớn thời gian của phiên 20/1 nhưng rồi mất đà về cuối phiên. Netflix đóng cửa giảm 1,5% trước khi công bố kết quả kinh doanh quý IV.

Cổ phiếu lao dốc trong lúc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tiếp tục đi lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thể hiện lập trường cứng rắn nhằm chống lạm phát trong năm 2022. Ngoài nhanh chóng kết thúc bơm tiền và chuẩn bị tăng lãi suất, Fed còn tính đến chuyện bán bớt tài sản và giảm quy mô bảng cân đối kế toán.

Tuần sau vào ngày 25-26/1, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed sẽ họp phiên đầu tiên của năm nay. Nhiều khả năng lãi suất vẫn được giữ nguyên trong kỳ họp này. Tuy nhiên, thị trường tin tưởng chắc chắn Fed sẽ nâng lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 3.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm, biến số có liên quan chặt chẽ tới lãi suất chính sách của Fed, đã tăng lên mức 1,04%. Lợi suất kỳ hạn 10 năm leo lên 1,87%, cao nhất kể từ đầu năm 2020 tới nay.

CNBC dẫn lời ông Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường tại LPL Financial nhận định: "Nhà đầu tư cần phải chuẩn bị tâm lý 2022 sẽ là một năm rất nhiều biến cố. Lãi suất sắp tăng nhiều lần và năm diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ thường ẩn chứa nhiều biến động, thị trường có thể sẽ lên xuống thất thường trong 2022".

Nhiều công ty thông báo kết quả kinh doanh quý IV trong ngày 20/1. Travelers - một thành viên của chỉ số Dow Jones - cho biết cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều vượt dự báo của giới phân tích. American Airlines cũng ghi nhận kết quả khả quan trong quý vừa qua nhưng lại hạ dự báo trong năm tiếp theo. Giá cổ phiếu Travelers tăng 3,2% trong khi American sụt 3,2%.

Cổ phiếu United Airlines giảm 3,4% sau khi hãng hàng không này thông báo kết quả hoạt động quý IV khả quan nhưng cảnh báo biến thể Omicron lan rộng có thể cản trở quá trình phục hồi kinh tế.

Số liệu trên thị trường lao động được công bố ngày 20/1 cho thấy Omicron đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

Số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 15/1 lên tới 286.000, cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái và cao hơn mức 225.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

Thu Thủy

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục