Chứng khoán Mỹ tăng hai phiên liên tiếp trước quyết định của Fed, cổ phiếu dầu khí dẫn sóng

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/5 tiếp tục đi lên khi nhà đầu tư đang chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra quyết định về lãi suất và cung tiền sau phiên họp thường kỳ dài hai ngày 3-4/5.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên lần lượt 0,48% và 0,22%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,2%, tương đương 67 điểm, và đóng cửa ở gần 33.129 điểm.

Đà tăng trong phiên 3/5 tiếp nối đợt hồi phục cuối phiên 2/5 sau khi các chỉ số có lúc giảm sâu xuống đáy của năm 2022.

CNBC dẫn lời ông Adam Crisafulli, nhà sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Vital Knowledge nhận định: “Lần đầu tiên trong nhiều ngày, phe bán có vẻ đã kiệt sức, và đội short (bán khống) có phần lo lắng hơn một chút so với đội long (mua). Không nhiều người tin chắc rằng thị trường đã chạm đáy, nhưng kể cả phe bán khống cũng đang lo thị trường có thể bật tăng sốc”.

Thị trường diễn biến tích cực khi các quan chức Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang họp phiên thường kỳ trong hai ngày 3-4/5. Lúc 14h chiều 4/5 (theo giờ Mỹ), FOMC sẽ công bố quyết định về lãi suất và cung tiền. Đến 14h30, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ tổ chức họp báo để trả lời câu hỏi về định hướng chính sách tiền tệ.

Thị trường dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm % để kiềm chế lạm phát đang ở mức đỉnh hơn 4 thập kỷ. Tuy nhiên nếu Fed thắt chặt tiền tệ quá mạnh tay, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Một số nhà đầu tư lại cho rằng kịch bản Fed tăng mạnh lãi suất đã được phản ánh hết vào giá.

Nhà quản lý quỹ đầu cơ, tỷ phú Paul Tudor Jones chia sẻ với CNBC vào ngày 3/5 rằng nhà đầu tư nên tập trung vào bảo toàn vốn trong bối cảnh Fed đang thắt chặt tiền tệ và có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại.

“Bây giờ là thời điểm tồi tệ nhất đối với các tài sản tài chính. Rõ ràng là bạn không muốn sở hữu trái phiếu và cổ phiếu vào lúc này”, Paul Tudor Jones nói.

Ông Dan Suzuki, Phó Giám đốc đầu tư của Richard Bernstein Advisors, cho rằng trong môi trường lạm phát cao và Fed tăng lãi suất, cổ phiếu các ngành như công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông và hàng tiêu dùng không thiết yếu có khả năng suy giảm mạnh và kéo cả chỉ số S&P 500 đi xuống vì ba nhóm này chiếm một nửa vốn hóa của S&P 500.

Tuy nhiên, ông khuyến nghị nhà đầu tư không nên rời khỏi thị trường hoàn toàn mà nên đầu tư vào hai nhóm cổ phiếu. Thứ nhất là nhóm hưởng lợi trong môi trường lạm phát như năng lượng, vật liệu và tài chính. Thứ hai là nhóm có tính phòng thủ như tiêu dùng thiết yếu.

Đà tăng của thị trường trong phiên 3/5 lan tỏa trên diện rộng, do cổ phiếu năng lượng dẫn dắt. ExxonMobil và Chevron tăng lần lượt 2,1% và 1,7%, Occidental Petroleum và Marathon Oil đi lên tương ứng 1,6% và 5,2%. Thống kê bên trên cho thấy cổ phiếu các ngành phòng thủ như tiện ích công cộng và y tế cũng tăng mạnh hơn thị trường chung.

Cổ phiếu đại gia dược phẩm Pfizer tăng gần 2% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I vượt kỳ vọng của giới phân tích.

Cổ phiếu tài chính cũng là một điểm sáng của thị trường phiên 3/5. JPMorgan và Morgan Stanley đều tăng trên 2%.

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tháng 4 thảm khốc. Dow Jones và S&P 500 ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 khi COVID-19 mới bùng phát ở Mỹ. Nasdaq có tháng lao dốc mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Hiện nay S&P 500 đang ở trong vùng điều chỉnh còn Nasdaq chìm trong thị trường gấu.

Khả năng Fed tăng thắt chặt tiền tệ xuất hiện đúng lúc nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, chủ yếu do cuộc xung đột quân sự ở Ukraine và các đợt phong tỏa gắt gao để chống dịch ở Trung Quốc.

Ông Mislav Matejka, chiến lược gia cổ phiếu của JPMorgan Chase nhận định: “Thị trường tiếp tục bị chi phối bởi phản ứng chống COVID-19 của Trung Quốc và biến động địa chính trị. Hai nhân tố này đang phủ bóng đen lên tình hình hoạt động cơ bản tương đối sáng sủa của doanh nghiệp”.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm chạm 3,01% trong phiên 2/5 và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Ngày 3/5, lợi suất này hạ nhiệt xuống dưới 3%.

Song Ngọc

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục