Chứng khoán Mỹ giảm mạnh diện rộng khi chiến sự tại Ukraine nóng hơn

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận cả 3 chỉ số chính đều giảm mạnh khi chiến sự Nga - Ukraine có nguy cơ sắp bùng nổ dữ dội. Cổ phiếu dầu khí là nhóm duy nhất tăng điểm trong khi cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất.

Cụ thể, chứng khoán Mỹ ngày 1/3/2022 ghi nhận chỉ số Dow Jones sụt 598 điểm, tương đương 1,76%, và đóng cửa ở gần 33.300 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất lần lượt 1,55% và 1,59% trong phiên đầu tháng 3.

Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tiêu cực khi hình ảnh từ vệ tinh cho thấy một đoàn xe quân sự của Nga dài khoảng 65 km đang tiến gần đến phía thủ đô Kiev của Ukraine, báo hiệu một trận chiến lớn có thể sắp nổ ra.

Đầu tháng 2, Nga tập trung khoảng 150.000 quân gần biên giới Ukraine. Cuối tuần trước, Nga đã đưa một nửa số binh sĩ này vào trận chiến. CNBC dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết khoảng 80% từng tập kết ở biên giới cuối tháng trước hiện nay đã tiến vào Ukraine.

Giá năng lượng đi lên mạnh mẽ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Giá dầu thô WTI ngày 1/3 nhảy vọt 11% lên trên 106 USD/thùng. Giá dầu Brent chuẩn quốc tế cũng tăng sốc 10% lên trên 107 USD/thùng. Như biểu đồ dưới đây cho thấy, cổ phiếu dầu khí đi lên theo giá dầu và là nhóm duy nhất diễn biến khả quan trong phiên đầu tháng.

Theo CNBC, ông Adam Crisafulli, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Vital Knowledge nhận định: "Cổ phiếu đa phần đang được bán với giá rẻ .... Những bất ổn xoay quanh Nga và Ukraine vẫn là mối quan tâm chính. Hiện chưa có đủ thông tin rõ ràng để nhà đầu tư có thể cảm thấy thoải mái và ổn định giá cổ phiếu".

Giá lúa mì cũng tăng mạnh trong ngày 1/3 giữa lo ngại chiến sự leo thang làm ảnh hưởng tới nguồn cung. Nga và Ukraine đều nằm trong top 5 nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Giá cả hàng hóa đi lên chóng mặt làm tăng nguy cơ lạm phát ở Mỹ và châu Âu.

Trong khi cổ phiếu dầu khí là nhóm duy nhất khởi sắc thì cổ phiếu tài chính lại là nhóm sa sút mạnh nhất. Bank of America mất 3,9%, Wells Fargo sụt 5,8%, Charles Schwab lao dốc gần 8%, Goldman Sachs và JPMorgan Chase cùng mất khoảng 3,8%.

Nhà đầu tư dồn tiền vào các tài sản an toàn như trái phiếu Kho bạc đã đẩy giá trái phiếu đi lên và lợi suất đi xuống. Lợi suất kỳ hạn 10 năm có lúc giảm xuống dưới mốc 1,7%.

Mặt bằng lợi suất thấp hơn thường ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận ngân hàng và các công ty quản lý tài sản.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt hà khắc mà Phương Tây áp đặt lên Nga khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại các thị trường tín dụng sẽ bị gián đoạn.

Cổ phiếu tập đoàn thẻ tín dụng American Express giảm mạnh nhất Dow Jones khi mất hơn 8%. Đại gia sản xuất máy bay Boeing sụt 5% khi Nga và EU cấm các hãng hàng không bay qua không phận của nhau.

Chứng chỉ quỹ VanEck Russia ETF lao dốc 23,9% trong phiên đầu tháng 3. Vào phiên ngay trước đó, chứng chỉ quỹ đầu tư vào doanh nghiệp Nga này đã sụt 30%.

Thu Thủy

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục