Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau nhận định của Chủ tịch Fed

(Banker.vn) Chứng khoán Mỹ ngày 7/3 đồng loạt bị bán tháo sau khi sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói rằng lãi suất có thể cần phải cao hơn trong thời gian dài hơn.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/3, chỉ số Dow Jones mất 575 điểm, tương ứng 1,72%, và đóng cửa ở 32.856 điểm. S&P 500 mất 1,53% và kết phiên ở 3.986 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 1,25% xuống 11.530,33 điểm.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau nhận định của Chủ tịch Fed
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà giảm khi nhà đầu tư lo ngại việc nâng lãi suất nhiều hơn sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Hình minh họa

Khi các chỉ số chứng khoán chính giảm, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2007 là 5%. Đợt bán tháo trong ngày thứ Ba đã khiến Dow Jones rơi vào vùng tiêu cực trong năm 2023, giảm 0,9% từ đầu năm đến nay. S&P 500 và Nasdaq hiện vẫn cao hơn đầu năm lần lượt 3,8% và 10,2%.

Lợi suất lên đỉnh 16 năm khi nhà đầu tư lo ngại ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) sẽ phải tăng mạnh lãi suất để chế ngự lạm phát cao dai dẳng.

Ông Powell cho biết, trong bài phát biểu trước Uỷ bán Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị Thượng viện Mỹ vào sáng ngày thứ Ba rằng: “Dữ liệu kinh mới mới nhất mạnh hơn dự kiến, điều này cho thấy mức lãi suất cuối cùng có thể sẽ cao hơn dự đoán trước đó. Nếu toàn bộ dữ liệu cho thấy việc thắt chặt nhanh hơn được đảm bảo, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ nâng lãi suất”.

Phát biểu của ông Powell có hai hàm ý. Thứ nhất, mức đỉnh của lãi suất quỹ liên bang có khả năng sẽ lên cao hơn dự báo trước kia của các quan chức Fed.

Thứ hai, việc Fed giảm tốc độ nâng lãi suất từ 75 điểm cơ bản (bps) trong mỗi cuộc họp xuống còn 50 bps vào tháng 12 và 25 bps vào đầu tháng 2 vừa qua có thể sẽ sớm chấm dứt.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà giảm khi nhà đầu tư lo ngại việc nâng lãi suất nhiều hơn sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Cổ phiếu Wells Fargo mất 4,7%. Cổ phiếu Bank of America, Goldman Sachs và JPMorgan Chase đều giảm 3%. Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn cũng lao dốc, với cổ phiếu Apple, Alphabet và Microsoft đều giảm ít nhất 1%.

Nhóm cổ phiếu hàng không đã vượt qua xu hướng giảm của thị trường sau khi Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện để ngăn chặn việc mua lại Spirit Airlines của JetBlue. Cổ phiếu United Airlines cộng 3%. Cổ phiếu Delta và American lần lượt tăng 1,6% và 1,5%.

Một số quan chức Fed như ông James Bullard, Chủ tịch chi nhánh St. Louis và bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Cleveland đều đã nhắc đến khả năng tăng lãi suất thêm 50 bps vào tháng 2.

Thứ Sáu tuần này (10/3), báo cáo thị trường lao động tháng 2 sẽ được công bố. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ lộ diện lần lượt vào các ngày 14 và 15/3. Sau đó, Fed sẽ họp phiên thường kỳ thứ hai trong năm nay vào ngày 21 – 22/3.

Nếu các số liệu kinh tế cho thấy nền kinh tế vẫn hoạt động mạnh mẽ và giá cả tăng cao, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có lý do thuyết phục để quay lại với mức tăng lãi suất 50 bps.

Các nhà kinh tế ước tính Mỹ tạo ra 225.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 2. Trong tháng đầu năm 2023, kinh tế Mỹ bất ngờ tạo ra tới 517.000 việc làm mới, cao gấp gần ba lần dự báo 185.000 của các chuyên gia.

Những điều cần biết về cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp

Trên thị trường chứng khoán ghi nhận có những nhà đầu tư chỉ đầu tư vào cổ phiếu, có những người chỉ trung thành với ...

TPS đưa ra ba kịch bản cho VN-Index trong tháng 3

Theo TPS, P/E trailing của VN-Index hiện ở quanh mức 11,5 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là ...

Thị trường chứng khoán ngày 8/3/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Phiên giao dịch ngày 7/3, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.037,84 điểm, tăng mạnh 10,66 điểm; Khối ngoại ngắt nhịp bán ròng 14 phiên liên ...

Khánh Vân (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán