Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, Dow Jones mất 413 điểm

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 11/4 cắm đầu giảm điểm khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại việc mặt bằng lãi suất tại Mỹ lên đỉnh ba năm sẽ làm giảm tốc nền kinh tế.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 2,18% và kết phiên ở 13.412 điểm. Cổ phiếu công nghệ thường là nhóm thiệt hại nặng nề nhất khi lợi suất lên cao, do các doanh nghiệp công nghệ vay nợ nhiều để thúc đẩy tăng trưởng. Nasdaq giảm sâu về cuối phiên và đóng cửa ở gần mức thấp nhất ngày.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 413 điểm, tương đương 1,19%, còn 34.308 điểm. Biểu đồ dưới đây cho thấy S&P 500 cũng giảm 1,69% còn 4.412,5 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của S&P 500 kể từ ngày 7/3.

Hai tháng đầu năm 2022 mang đến nhiều sóng gió cho thị trường chứng khoán Mỹ khi Nasdaq và S&P 500 có lúc rơi xuống vùng điều chỉnh. Sang tháng 3, Nasdaq hồi phục 3,4%. Tuy nhiên, đà bán tháo đã quay trở lại trong tháng 4.

Trong chưa đầy nửa tháng qua, Nasdaq đã sụt hơn 5%. So với đỉnh lịch sử hồi cuối năm ngoái, chỉ số nặng về công nghệ này đang thấp hơn khoảng 17%.

CNBC dẫn lời ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán National Securities nhận định: “Nếu tôi kể ra những nhân tố làm thị trường chứng khoán biến động ngày hôm nay thì cũng sẽ giống như kể ra những lý do tác động tới lợi suất trái phiếu Kho bạc thôi. Tôi không biết điều gì có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Có thể trong vài ngày hoặc vài tuần, lợi suất sẽ tạm ổn định hoặc giảm đi đôi chút”.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vọt lên mức 2,79% trong ngày đầu tuần, cao nhất kể từ tháng 1/2019 trở lại đây. Biểu đồ bên trên cho thấy mặt bằng lợi suất đã tăng nóng liên tục trong khoảng một tháng vừa qua, kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất thêm 0,25 điểm % vào cuộc họp ngày 15-16/3.

Phiên 11/4, nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ khi lợi suất lên cao. Microsoft sụt 3,9%, các nhà sản xuất chip Nvidia và Advanced Micro Devices mất tương ứng 5,2% và 3,6%.

Bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Cleveland của Fed phát biểu trên đài CBS rằng bà vẫn tin Fed có thể kiểm soát được lạm phát mà không gây tổn hại đáng kể tới nền kinh tế.

Giá dầu lao dốc giữa nhiều lo ngại về việc các biện pháp phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc sẽ làm nhu cầu giảm sút. Giá dầu thô Brent quốc tế sụt 4,2% còn 98,48 USD/thùng, giá dầu WTI tại Mỹ cũng mất hơn 4% còn 94,29 USD/thùng.

Cổ phiếu năng lượng đi xuống theo giá dầu. Thống kê bên dưới cho thấy năng lượng là nhóm giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500 trong phiên 11/4. Occidental Petroleum sụt 6,3%, Diamondback Energy và ConocoPhillips giảm tương ứng 4,8% và 4,9%, Chevron và ExxonMobil mất lần lượt 2,6% và 3,5%.

Cổ phiếu hàng không đi ngược đà giảm của giá nhiên liệu và của thị trường chứng khoán nói chung. Delta Air Lines bật tăng 4%, American và Southwest Airlines đi lên tương ứng 2,3% và 3,4%.

Cổ phiếu Twitter biến động mạnh sau khi CEO Parag Agrawal cho biết tỷ phú Elon Musk đã từ bỏ kế hoạch tham gia vào hội đồng quản trị của Twitter. Trước khi thị trường chính thức mở cửa, cổ phiếu mạng xã hội này lao dốc hơn 8% nhưng khi kết phiên, giá Twitter lại tăng 1,7%.

Theo CNBC, lợi suất trái phiếu ngày 12/4 nhiều khả năng sẽ tiếp tục lên cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 được công bố. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo tỷ lệ lạm phát tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái là 8,4%, cao nhất trong hơn 40 năm qua.

Khánh Vân

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán